Nghị định 35/2008/NĐ-CP quy định về các hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên lãnh thổ Việt Nam.
NGHỊ ĐỊNH
Về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang
________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về các hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang quốc gia không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến các hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.
2. Nghĩa trang liệt sỹ là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các liệt sỹ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
3. Nghĩa trang quốc gia là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học… có công với đất nước.
4. Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của một người.
5. Các hình thức táng người chết bao gồm: mai táng, hỏa táng và các hình thức táng khác.
6. Táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của ngươi chết.
7. Mai táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.
8. Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn trong đất.
9. Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.
10. Cải táng là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.
11. Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng.
12. Hỏa táng là thực hiện việc thiêu xác người chết hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.
13. Hoạt động xây dựng nghĩa trang bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu lư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác liên quan đến xây dựng nghĩa trang.
14. Quản lý nghĩa trang là việc thực hiện các nội dung theo quy chế quản lý đã được phê duyệt.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568