Cung cấp các văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực dân sự. Các văn bản luật dân sự, tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành luật dân sự.
NGHỊ ĐỊNH
Về đăng ký và mua, bán tàu biển
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về đăng ký và mua, bán tàu biển.
2. Việc mua, bán tàu biển không áp dụng quy định của Nghị định này đối với các trường hợp sau đây:
a) Tàu biển do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới trong nước theo hợp đồng đóng mới tàu biển cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
b) Tàu biển nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
c) Tàu biển sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu biển có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
3. Các quy định của Nghị định này cũng được áp dụng đối với việc đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu công vụ.
Điều 2.Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến đăng ký và mua, bán tàu biển
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Mua, bán tàu biển là quá trình tìm hiểu thị trường, chuẩn bị hồ sơ dự án, quyết định mua, bán, ký kết và thực hiện hợp đồng mua, bán tàu biển.
Dự án mua, bán tàu biển là dự án mua, bán một hoặc nhiều tàu biển, kể cả dự án đóng mới tàu biển.
Người mua, bán tàu biển là tổ chức, cá nhân thực hiện việc mua, bán tàu biển.
Vốn nhà nước là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước.
Hợp đồng mua, bán tàu biển là hợp đồng mua, bán một hoặc nhiều tàu biển, kể cả hợp đồng đóng mới tàu biển.
Hợp đồng vay mua tàu biển là hợp đồng đặc thù trong đó người mua tàu và người bán tàu thỏa thuận sử dụng một khoản vốn tín dụng có thể do chính người bán tàu cấp cho người mua tàu để mua tàu nhưng kèm theo các điều kiện bảo đảm trách nhiệm thanh toán của người mua tàu được quy định cụ thể trong hợp đồng.
Tàu biển loại nhỏ là tàu có động cơ với công suất máy chính dưới 75KW, tàu biển không có động cơ nhưng có tổng dung tích dưới 50 GT hoặc có trọng tải dưới 100 tấn hoặc có chiều dài đường nước thiết kế dưới 20 mét.
Chương 2.
ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN
MỤC 1. CƠ QUAN ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN VIỆT NAM
Điều 4. Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam
Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam bao gồm:
Cơ quan đăng ký tàu biển quốc gia là Cục Hàng hải Việt Nam
Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực là Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định.
Điều 5. Nhiệm vụ của cơ quan đăng ký tàu biển quốc gia
Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đăng ký tàu biển Việt Nam tại các cơ quan đăng ký tàu biển khu vực.
Tổng hợp, thống kê, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động đăng ký và đăng ký thế chấp tàu biển; cung cấp thông tin liên quan cho tổ chức, cá nhân quan tâm.
Thống nhất quản lý việc in, phát hành Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển và Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển.
Hợp tác quốc tế về đăng ký tàu biển.
Điều 6. Nhiệm vụ của cơ quan đăng ký tàu biển khu vực
Thực hiện việc đăng ký và đăng ký thế chấp tàu biển theo thẩm quyền.
Lập và quản lý Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam tại khu vực được giao; cung cấp thông tin liên quan cho tổ chức, cá nhân quan tâm.
Thu, nộp và sử dụng lệ phí đăng ký và đăng ký thế chấp tàu biển theo quy định của pháp luật.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê,
MỤC 2. ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN VIỆT NAM
Điều 7. Các hình thức đăng ký tàu biển Việt Nam
Đăng ký tàu biển không thời hạn là việc đăng ký tàu biển có đủ điều kiện theo quy định để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam
Đăng ký tàu biển có thời hạn là việc đăng ký tàu biển trong một thời hạn nhất định được áp dụng đối với tàu biển nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hợp đồng thuê tàu trần hoặc thuê mua tàu hoặc tàu biển nước ngoài đăng ký có thời hạn tại Việt Nam.
Đăng ký lại tàu biển là việc đăng ký tàu biển mà trước đây tàu biển đó đã đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam nhưng sau đó đã tạm ngừng đăng ký.
Đăng ký thay đổi là việc đăng ký tàu biển đã đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam nhưng có sự thay đổi về tên tàu hoặc chủ tàu, kết cấu và thông số kỹ thuật, cơ quan đăng ký tàu biển khu vực, tổ chức đăng kiểm tàu biển.
Đăng ký tàu biển tạm thời là việc đăng ký tàu biển trong các trường hợp sau đây:
a) Chưa nộp phí, lệ phí theo quy định;
b) Chưa có Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển nhưng đã có cam kết trong hợp đồng mua, bán tàu biển là Bên bán sẽ giao Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển cho Bên mua trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ký biên bản bàn giao tàu. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam chỉ có hiệu lực kể từ ngày hai Bên mua, bán ký biên bản bàn giao tàu;
c) Thử tàu đóng mới hoặc nhận tàu đóng mới để đưa về nơi đăng ký trên cơ sở hợp đồng đóng tàu;
d) Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định;
đ) Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam quy định tại khoản này có giá trị 180 ngày, kể từ ngày cấp.
Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam hết hiệu lực trong khi tàu biển chưa thể về Việt Nam để hoàn thành thủ tục đăng ký chính thức, cơ quan đăng ký tàu biển khu vực nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam gia hạn một lần nhưng không quá 180 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam lần đầu.
Trường hợp sau khi gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam mà tàu biển chưa thể về Việt Nam để hoàn thành thủ tục đăng ký chính thức vì lý do bất khả kháng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định gia hạn thêm thời gian đăng ký tàu biển tạm thời.
Điều 8. Giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam
Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam mua tàu biển của tổ chức, cá nhân nước ngoài mà chưa đăng ký tàu biển tạm thời theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định này thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài nơi bàn giao tàu cấp Giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam theo Phụ lục XII của Nghị định này để đưa tàu về nước.
Giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam chỉ có hiệu lực trong thời gian đưa tàu biển từ nơi bàn giao tàu biển đến cảng của Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đăng ký theo quy định tại Nghị định này.
Điều 9. Giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam
Trường hợp đăng ký lần đầu tại Việt Nam, tàu biển đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng tàu theo quy định sau đây:
a) Tàu khách không quá 10 tuổi;
b) Các loại tàu biển khác không quá 15 tuổi
Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định, nhưng không quá 5 tuổi đối với mỗi loại tàu biển quy định tại điểm a và b trên đây.
Tàu biển nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền thì không áp dụng tuổi tàu biển theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Tàu biển nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua theo phương thức vay mua hoặc thuê tàu thì sau thời hạn đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài được chuyển đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, nếu tại thời điểm ký hợp đồng vay mua, thuê mua có tuổi tàu phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 10. Đặt tên tàu biển và cảng đăng ký
Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.
Trường hợp lấy tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử để đặt tên tàu biển, phải được cơ quan đăng ký tàu biển khu vực chấp thuận theo quy định.
Chủ tàu chọn tên cảng đăng ký cho tàu biển của mình theo tên một cảng biển trong khu vực quản lý của cơ quan đăng ký tàu biển khu vực.
Điều 11. Hồ sơ đăng ký tàu biển
Đăng ký tàu biển không thời hạn
Hồ sơ đăng ký tàu biển không thời hạn gồm:
a) Tờ khai đăng ký tàu biển theo Phụ lục I của Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển hoặc
c) Hợp đồng mua, bán tàu biển hoặc hợp đồng đóng tàu biển hoặc các bằng chứng về chuyển quyền sở hữu có giá trị pháp lý tương đương khác;
d) Giấy chứng nhận dung tích tàu biển;
đ) Bản phôtô Hóa đơn nộp phí, lệ phí (kèm bản gốc để đối chiếu);
e) Bản phôtô Giấy chứng nhận phân cấp tàu biển (kèm bản gốc để đối chiếu);
g) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Trường hợp chủ tàu là cá nhân Việt Nam thì phải có bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ xác nhận nơi thường trú.
Đăng ký tàu biển có thời hạn
Hồ sơ đăng ký tàu biển có thời hạn gồm:
a) Giấy tờ quy định tại các điểm a, d, e, g khoản 1 Điều này;
b) Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký
c) Hợp đồng thuê mua hoặc thuê tàu trần.
Đăng ký lại tàu biển
Hồ sơ đăng ký lại tàu biển gồm: các giấy tờ quy định tại các điểm a, d, e, g khoản 1 và điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều này.
Đăng ký thay đổi
a) Thay đổi tên tàu biển
Hồ sơ đăng ký thay đổi tên tàu biển gồm văn bản nêu rõ lý do thay đổi tên tàu biển và Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.
b) Thay đổi chủ tàu
Hồ sơ đăng ký thay đổi chủ tàu gồm các giấy tờ quy định tại điểm a, c, đ, g khoản 1 Điều này.
c) Thay đổi kết cấu và thông số kỹ thuật
Hồ sơ đăng ký thay đổi kết cấu và thông số kỹ thuật tàu biển khu vực gồm:
– Văn bản nêu rõ lý do thay đổi kết cấu và thông số kỹ thuật tàu biển;
– Các Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật có liên quan đến thay đổi kết cấu và thông số kỹ thuật của tàu được tổ chức đăng kiểm cấp.
d) Thay đổi cơ quan đăng ký tàu biển khu vực
Hồ sơ thay đổi cơ quan đăng ký tàu biển gồm văn bản nêu rõ lý do chuyển cơ quan đăng ký tàu biển khu vực và Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.
đ) Thay đổi tổ chức đăng kiểm tàu biển
Hồ sơ thay đổi tổ chức đăng kiểm tàu biển gồm các giấy tờ sau đây:
– Văn bản nêu rõ lý do chuyển tổ chức đăng kiểm tàu biển;
– Giấy tờ quy định tại điểm d, e khoản 1 Điều này.
Điều 12. Hồ sơ đăng ký tạm thời tàu biển và hồ sơ cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam
Đăng ký tạm thời tàu biển
a) Trong trường hợp chưa nộp phí, lệ phí, hồ sơ đăng ký tạm thời tàu biển gồm các giấy tờ quy định tại điểm a, b, c, d, e, g khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
b) Trong trường hợp chưa nộp phí, lệ phí và chưa có Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển, hồ sơ đăng ký tạm thời tàu biển gồm các giấy tờ quy định tại điểm a, c, d, e, g khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
c) Trong trường hợp thử tàu đóng mới hoặc nhận tàu đóng mới để đưa về nơi đăng ký trên cơ sở hợp đồng đóng tàu, hồ sơ đăng ký tạm thời tàu biển gồm các giấy tờ quy định tại điểm a, c, d, e, g khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
Trường hợp nhận tàu đóng mới để đưa về nơi đăng ký thì phải có thêm giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
Giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam: chủ tàu phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Điều 13. Hồ sơ đăng ký tàu biển đang đóng
Hồ sơ đăng ký tàu biển đang đóng gồm:
Các giấy tờ quy định tại điểm a và điểm g khoản 1 Điều 11 Nghị định này
Hợp đồng đóng tàu
Giấy xác nhận tàu đã đặt sống chính của cơ sở đóng tàu
Điều 14. Hồ sơ đăng ký tàu biển loại nhỏ
Hồ sơ đăng ký tàu biển loại nhỏ gồm:
Giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, đ, g khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
Sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu biển.
Điều 15. Hồ sơ tạm ngừng hoặc xóa đăng ký tàu biển
Hồ sơ tạm ngừng hoặc xóa đăng ký tàu biển gồm:
Tờ khai tạm ngừng hoặc xóa đăng ký tàu biển theo Phụ lục II của Nghị định này.
Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam. Trường hợp không còn Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam phải nêu rõ lý do.
Giấy chấp thuận cho phép tạm ngừng hoặc xóa đăng ký của người nhận thế chấp tàu biển đó theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Điều 16. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển
Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực cấp các giấy chứng nhận sau đây:
a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam theo Phụ lục III của Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận tạm ngừng hoặc xóa đăng ký tàu biển Việt Nam theo Phụ lục IV của Nghị định này;
c) Giấy chứng nhận đăng ký có thời hạn tàu biển Việt Nam theo Phụ lục V của Nghị định này;
d) Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam theo Phụ lục VI của Nghị định này;
đ) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam đang đóng theo Phụ lục VII của Nghị định này.
Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực căn cứ hồ sơ lưu trữ để cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam theo số đăng ký cũ và ghi chú rõ “cấp lại” cho các trường hợp bị mất hoặc rách nát, hư hỏng.
Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong thời gian chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp các Giấy chứng nhận tại khoản 1 Điều này, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực phải thông báo bằng văn bản cho chủ tàu.
MỤC 3. ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP TÀU BIỂN VIỆT NAM
Điều 17. Nơi đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam
Tàu biển Việt Nam được đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký tàu biển khu vực mà tàu biển đó đăng ký.
Điều 18. Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam
Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam gồm:
Tờ khai đăng ký thế chấp tàu biển theo Phụ lục VIII của Nghị định này.
Hợp đồng thế chấp tàu biển.
Điều 19. Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam
Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam gồm:
Tờ khai xóa đăng ký thế chấp tàu biển theo Phụ lục IX của Nghị định này.
Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam theo Phụ lục X của Nghị định này.
Văn bản đồng ý xóa thế chấp tàu biển của người nhận thế chấp tàu biển
Điều 20. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận xóa đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam
Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực phải ghi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam việc đăng ký thế chấp hoặc xóa đăng ký thế chấp ngay khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và trong vòng 03 ngày làm việc phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận xóa đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam theo Phụ lục XI của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực phải thông báo bằng văn bản cho chủ tàu;
Điều 21. Đăng ký gia hạn thế chấp
Việc đăng ký gia hạn thế chấp thực hiện theo quy định tại các Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 20 của Nghị định này.
MỤC 4. ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN MANG CỜ QUỐC TỊCH NƯỚC NGOÀI CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VIỆT NAM
Điều 22. Đăng ký tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài
Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam được đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài trong trường hợp sau đây:
a) Tàu biển được mua hoặc thuê mua của nước ngoài nhưng không đủ điều kiện đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Nghị định này.
b) Tàu biển khai thác trên cơ sở hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê mua tàu được ký kết giữa một bên là tổ chức, cá nhân Việt Nam và một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng phải giữ nguyên đăng ký sở hữu tại Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.
Thủ tục đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài đối với tàu biển Việt Nam
a) Chủ tàu phải thực hiện tạm ngừng hoặc xóa đăng ký tàu biển theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 của Nghị định này;
b) Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực thực hiện thủ tục tạm ngừng hoặc xóa đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam và cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, trong đó có nội dung đăng ký quyền sở hữu tàu biển.
Điều 23. Thủ tục đăng ký quyền sở hữu tàu biển do tổ chức, cá nhân Việt Nam mua của nước ngoài và đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài
Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ đăng ký mang cờ quốc tịch tàu biển nước ngoài mà không đăng ký sở hữu tàu biển ở nước ngoài thì phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tàu biển tại cơ quan đăng ký tàu biển khu vực
Hồ sơ đăng ký quyền sở hữu tàu biển:
a) Văn bản đề nghị đăng ký quyền sở hữu tàu biển;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;
c) Bản sao Hợp đồng mua, bán tàu hoặc giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu tàu biển.
Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, trong đó có nội dung đăng ký quyền sở hữu tàu biển. Trường hợp không cấp, Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực phải thông báo bằng văn bản cho chủ tàu.
Chương 3.
MUA, BÁN VÀ ĐÓNG MỚI TÀU BIỂN
Điều 24. Nguyên tắc mua, bán và đóng mới tàu biển
Việc mua, bán và đóng mới tàu biển là hoạt động đầu tư đặc thù. Trình tự, thủ tục đầu tư mua, bán và đóng mới tàu biển thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Nghị định này.
Dự án mua, bán và đóng mới tàu biển phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và đội tàu biển quốc gia; bảo đảm các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 25. Các dự án mua, bán và đóng mới tàu biển
Các dự án mua, bán và đóng mới tàu biển được phân loại theo nguồn vốn như sau:
Các dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên gọi tắt là các dự án sử dụng vốn nhà nước
Các dự án không sử dụng vốn nhà nước và các dự án sử dụng vốn nhà nước dưới 30% gọi tắt là các dự án không sử dụng vốn nhà nước
Điều 26. Hình thức mua, bán và đóng mới tàu biển
Đối với dự án mua, bán tàu biển sử dụng vốn nhà nước
a) Việc mua, bán tàu biển giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế với ít nhất có 03 (ba) người chào hàng như chủ sở hữu tàu hoặc người thuê tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu, người môi giới và nhà máy đóng tàu;
b) Việc mua, bán tàu biển giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam được thực hiện bằng hình thức đấu giá hoặc chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.
Đối với dự án đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh với ít nhất 03 nhà máy đóng tàu hoặc đại diện của nhà máy đóng tàu.
Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển không sử dụng vốn nhà nước, hình thức mua, bán và đóng mới tàu biển do các tổ chức, cá nhân quyết định.
Điều 27. Trình tự thực hiện dự án mua, bán và đóng mới tàu biển
Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo trình tự sau:
Lựa chọn tàu hoặc người mua tàu, nhà máy đóng tàu
Lập, trình phê duyệt dự án mua, bán và đóng mới tàu biển
Quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển
Điều 28. Thẩm quyền quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển
Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (do Thủ tướng Chính phủ thành lập) quyết định đầu tư dự án có vốn đầu tư từ 75 tỷ đồng trở lên.
b) Thủ trưởng Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ, Tổng công ty nhà nước (do Bộ trưởng thành lập) quyết định đầu tư dự án có vốn đầu tư dưới 75 tỷ đồng
Trường hợp các dự án chưa có trong quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành để quyết định đầu tư.
Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển không sử dụng vốn nhà nước do tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển quyết định.
Điều 29. Hồ sơ mua, bán và đóng mới tàu biển
Hồ sơ mua tàu biển:
a) Tờ trình về mua tàu biển;
b) Dự án mua tàu biển gồm các nội dung về sự cần thiết của việc đầu tư, loại tàu, số lượng, thông số kỹ thuật cơ bản của tàu, giá tàu dự kiến, nguồn vốn mua tàu, hình thức mua tàu, phương án khai thác, hiệu quả kinh tế và các nội dung cần thiết khác;
c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;
d) Báo cáo giám định kỹ thuật tàu biển của Đăng kiểm Việt Nam hoặc của đăng kiểm nước ngoài, giám định viên tàu biển quốc tế theo chỉ định của người mua, bán tàu biển được Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận;
đ) Bản sao các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu do tổ chức đăng kiểm có thẩm quyền cấp;
e) Thỏa thuận bảo lãnh tiền vay, nếu người bán tàu biển hoặc người cho vay vốn yêu cầu
Hồ sơ bán tàu biển:
a) Tờ trình đề nghị bán tàu biển;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, trong đó có nội dung về tình trạng sở hữu tàu biển;
c) Bản sao các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu do tổ chức đăng kiểm có thẩm quyền cấp.
Hồ sơ đóng mới tàu biển:
a) Tờ trình về đóng mới tàu biển;
b) Dự án đóng mới tàu biển: gồm các nội dung về sự cần thiết của đóng mới tàu biển, dự kiến nhà máy đóng tàu, thời gian đóng và thời gian giao tàu; tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, phương thức và kỳ hạn thanh toán, thông số kỹ thuật cơ bản của tàu, phương án khai thác, hiệu quả kinh tế và các nội dung cần thiết khác;
c) Hồ sơ thiết kế cơ bản của tàu đóng mới;
d) Nội dung chính của dự thảo hợp đồng hoặc
đ) Thỏa thuận bảo lãnh tiền vay, nếu người đóng mới tàu biển hoặc người cho vay vốn yêu cầu.
Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển không sử dụng vốn nhà nước, hồ sơ do tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển quyết định nhưng với dự án mua tàu biển phải thực hiện quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều này.
Điều 30. Quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển
Căn cứ hồ sơ mua, bán và đóng mới tàu biển quy định tại Điều 29 của Nghị định này, người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này quyết định việc mua, bán và đóng mới tàu biển.
Điều 31. Trách nhiệm và quyền hạn của người mua, bán và đóng mới tàu biển
Tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển chịu trách nhiệm:
a) Tính xác thực và hợp pháp của tài liệu kèm theo hồ sơ dự án mua, bán và đóng mới tàu biển đã trình các tổ chức, cá nhân quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển;
b) Tính xác thực và chất lượng kỹ thuật của tàu biển, giá mua, bán, đóng mới tàu biển và điều kiện tài chính của dự án mua, bán và đóng mới tàu biển;
c) Nội dung các điều khoản của dự thảo hợp đồng mua, bán và đóng mới tàu biển và chỉ được ký chính thức hợp đồng mua, bán và đóng mới tàu biển khi đã có quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Quyền hạn của tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển:
a) Được trực tiếp giao dịch, ký kết hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển và làm thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu tàu biển trên cơ sở quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển của cấp có thẩm quyền.
b) Trong trường hợp xét thấy cần thiết, tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển có thể thuê tư vấn xây dựng dự án hoặc ủy thác cho người khác làm thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu tàu biển.
Điều 32. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển
Căn cứ Quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển, hợp đồng mua, bán và đóng mới tàu biển, biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận tình trạng kỹ thuật tàu biển Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 33. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2009 và bãi bỏ Nghị định số 49/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán tàu biển.
Ban hành kèm theo Nghị định này 12 phụ lục
Điều 34. Tổ chức thực hiện
Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thu, nộp sử dụng lệ phí đăng ký, thế chấp tàu biển.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.