Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ
Căn cứ Luật dược ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Pháp lệnh dân số ngày 09 tháng 01 năm 2003, Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số ngày 27 tháng 12 năm 2008;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:
a) Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS;
b) Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh;
c) Vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
d) Vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế;
đ) Vi phạm các quy định về dân số.
3. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực y tế không quy định tại Nghị định này mà được quy định tại các nghị định khác về xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng quy định tại nghị định đó để xử phạt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các Điểm a, c, d, đ, e, g, h và i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
1. Buộc tổ chức thực hiện các biện pháp tẩy uế, khử khuẩn chất thải, quần áo, đồ dùng, môi trường xung quanh, phương tiện vận chuyển người bệnh;
2. Buộc tiếp nhận người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
3. Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
4. Buộc tiếp nhận người nhiễm HIV, tiếp nhận và thực hiện việc mai táng, hỏa táng đối với thi hài, hài cốt người nhiễm HIV;
5. Buộc xin lỗi trực tiếp hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
6. Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
7. Buộc hoàn trả số tiền lãi của số tiền bảo hiểm y tế chưa đóng, chậm đóng vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế;
8. Buộc hoàn trả số tiền lãi cho khoản tiền chênh lệch do kê khai sai hoặc khoản tiền nộp chậm;
9. Buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế mà đối tượng đã phải tự chi trả. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước;
10. Buộc xóa bỏ, gỡ bỏ nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;
11. Buộc tháo dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai;
12. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng, thẻ bảo hiểm y tế, số tiếp nhận phiếu công bố, rút số đăng ký lưu hành thuốc.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
3. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức.
4. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
5. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
6. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
Chương 2.
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
MỤC 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ Y TẾ DỰ PHÒNG VÀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
Điều 5. Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không tổ chức định kỳ hằng năm việc truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động dưới 50 người;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 50 người đến dưới 100 người;
c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 100 người đến dưới 300 người;
d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 300 người đến dưới 500 người;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 500 người đến dưới 1.000 người;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 1.000 người đến dưới 1.500 người;
g) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 1.500 người đến dưới 2.500 người;
h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 2.500 người trở lên.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về thời điểm, thời lượng, vị trí đăng tải thông tin về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện việc thu tiền không đúng quy định đối với chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp có hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm để kích động, gây phương hại đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, truyền thống văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn liên tục trong 03 ngày đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.
Điều 6. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 7. Vi phạm quy định về an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 1;
b) Thực hiện việc xét nghiệm vượt quá phạm vi chuyên môn quy định trong giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học;
c) Không xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế tự kiểm tra an toàn sinh học;
d) Không tuân thủ quy định về quy trình, kỹ thuật xét nghiệm, thu thập, vận chuyển, bảo quản, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi hoặc tiêu hủy mẫu bệnh phẩm liên quan đến tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C;
đ) Không có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với loại hình xét nghiệm hoặc không có giấy xác nhận đã qua tập huấn về an toàn sinh học đối với người phụ trách và nhân viên của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 1.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2;
b) Không xây dựng kế hoạch phòng ngừa, xử lý sự cố an toàn sinh học sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học;
c) Không đào tạo, tập huấn cho nhân viên của cơ sở xét nghiệm về các biện pháp khắc phục sự cố an toàn sinh học;
d) Không trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho người làm việc trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học;
đ) Không có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với loại hình xét nghiệm hoặc không có giấy xác nhận đã qua tập huấn về an toàn sinh học từ cấp 2 trở lên đối với người phụ trách và nhân viên của phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2.