Nghị định 159/2003/NĐ-CP quy định về việc cung ứng và sử dụng séc.
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 159/2003/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 2003VỀ CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG SÉC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng
Nghị định này quy định về việc cung ứng và sử dụng séc, bao gồm : cung ứng, ký phát, chuyển nhượng, bảo lãnh, thanh toán, truy đòi, khởi kiện và các vấn đề phát sinh khác có liên quan đến séc do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cung ứng.
Điều 2. Quyền thoả thuận áp dụng Nghị định đối với séc cung ứng ngoài lãnh thổ Việt Nam
Đối với séc được cung ứng ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, các bên liên quan có quyền thoả thuận áp dụng Nghị định này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Điều 3. Áp dụng điều ước và tập quán quốc tế
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định trong Nghị định này thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Các bên tham gia cung ứng và sử dụng séc trong hoạt động thanh toán quốc tế có thể thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :
“Séc” là phương tiện thanh toán do người ký phát lập dưới hình thức chứng từ theo mẫu in sẵn, lệnh cho người thực hiện thanh toán trả không điều kiện một số tiền nhất định cho người thụ hưởng phù hợp với quy định của Nghị định này.
“Séc trắng” là chứng từ để lập séc, được các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán in sẵn theo mẫu nhưng chưa được điền đầy đủ nội dung của các yếu tố theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định này và chưa có hiệu lực là một tờ séc. Trên cơ sở chứng từ này, người được cung ứng séc trắng lập nên tờ séc để trả cho người được trả tiền.
“Cung ứng séc trắng” là việc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp các séc trắng cho các tổ chức, cá nhân là khách hàng của mình có nhu cầu sử dụng séc.
“Người ký phát” là người lập và ký tên trên séc để ra lệnh cho người thực hiện thanh toán thay mặt mình trả số tiền ghi trên séc.
“Người được trả tiền” là người mà người ký phát chỉ định có quyền hưởng hoặc chuyển nhượng quyền hưởng đối với số tiền ghi trên tờ séc.
“Người thụ hưởng” là người cầm tờ séc mà tờ séc đó :
a) Có ghi tên người được trả tiền là chính mình; hoặc
b) Không ghi tên người được trả tiền hoặc ghi cụm từ “Trả cho người cầm séc”; hoặc
c) Đã được chuyển nhượng bằng ký hậu cho mình thông qua dãy chữ ký chuyển nhượng liên tục.
“Người thực hiện thanh toán” là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi người ký phát được sử dụng tài khoản thanh toán với một khoản tiền để ký phát séc theo thoả thuận giữa người ký phát với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đó.
“Người thu hộ” là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán làm dịch vụ thu hộ séc.
“Trung tâm thanh toán bù trừ séc” là Ngân hàng Nhà nước hoặc Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để tổ chức, chủ trì việc trao đổi, thanh toán bù trừ séc và quyết toán các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc thanh toán séc cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là thành viên.
“Ngày ký phát” là ngày mà người ký phát ghi trên séc để làm căn cứ tính thời hạn xuất trình của tờ séc. Ngày ký phát ghi trên séc có thể vào thời điểm thực tế tờ séc được ký phát hoặc sau thời điểm thực tế tờ séc được ký phát cho người được trả tiền.
“Chuyển nhượng séc” là việc người thụ hưởng chuyển giao séc và những quyền liên quan đến séc theo quy định của Nghị định này cho người khác.
“Bảo chi séc” là việc người thực hiện thanh toán bảo đảm thanh toán cho tờ séc khi tờ séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình.
“Thời hạn xuất trình” là khoảng thời gian tính từ ngày ký phát ghi trên séc đến hết ngày mà tờ séc được thanh toán không điều kiện khi xuất trình.
“Đình chỉ thanh toán séc” là việc người ký phát thông báo bằng văn bản yêu cầu người thực hiện thanh toán không thanh toán tờ séc do mình đã ký phát.
“Truy đòi séc” là việc người thụ hưởng thực hiện các thủ tục để đòi số tiền ghi trên séc nếu tờ séc đã được xuất trình trong thời hạn xuất trình nhưng bị từ chối thanh toán.
“Người ký liên quan đến séc” là bất kỳ người nào đã ký tên liên quan đến tờ séc với tư cách là người ký phát, người chuyển nhượng, người bảo lãnh hoặc người bảo chi.
Từ “Người” sử dụng trong Nghị định này được hiểu là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác trong quan hệ dân sự.
Điều 5. Ký phát, thanh toán séc ghi số tiền bằng ngoại tệ
Séc có thể được ký phát bằng ngoại tệ trong trường hợp người ký phát được phép thanh toán ngoại tệ và người được trả tiền là đối tượng được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Séc ký phát bằng ngoại tệ phải ghi rõ tên người được trả tiền và không được chuyển nhượng, trừ trường hợp chuyển nhượng cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
Việc thanh toán tờ séc được ký phát bằng ngoại tệ phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối.
Điều 6. Nghĩa vụ trả tiền ghi trên séc của người ký phát
Người ký phát có nghĩa vụ trả không điều kiện toàn bộ số tiền ghi trên tờ séc mà mình đã ký phát. Bất kỳ thoả thuận nào quy định người ký phát không phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này đều không có hiệu lực.
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của người ký liên quan đến séc
Người đã ký liên quan đến séc với tư cách là người ký phát, người chuyển nhượng, người bảo lãnh hoặc người bảo chi thì có quyền và nghĩa vụ đối với tờ séc theo quy định của Nghị định này.
Nếu liên quan đến tờ séc có thêm chữ ký của người không có trách nhiệm đối với tờ séc, chữ ký giả mạo, chữ ký của người không có thật hoặc chữ ký của người không liên quan đến những người đã ký trên séc, thì chữ ký của những người có quyền và nghĩa vụ nêu tại khoản 1 Điều này vẫn có đầy đủ hiệu lực.
Điều 8. Trách nhiệm của người ký liên quan đến séc với tư cách đại diện
Người ký liên quan đến séc với tư cách đại diện bao gồm :
a) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác;
b) Người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác;
c) Người đại diện theo ủy quyền của cá nhân.
Người ký liên quan đến séc với tư cách đại diện phải thể hiện về tư cách đại diện của mình và tên của người được mình đại diện. Tờ séc do người đại diện ký trong thẩm quyền đại diện thì người được đại diện phải chịu trách nhiệm về việc trả số tiền của tờ séc đó.
Trong trường hợp người ký liên quan đến séc với tư cách đại diện, nhưng không có thẩm quyền đại diện hoặc nếu có thẩm quyền đại diện nhưng không ghi rõ về tư cách đại diện hoặc tên của người được mình đại diện thì phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc trả số tiền của tờ séc đó.
Người ký liên quan đến séc với tư cách đại diện, nhưng vượt quá thẩm quyền được đại diện thì phải chịu trách nhiệm cá nhân về hậu quả từ phần ký vượt thẩm quyền đại diện đối với tờ séc.
Điều 9. Chỉ định về việc trả lãi đối với số tiền ghi trên séc
Bất kỳ chỉ định nào ghi trên tờ séc về việc trả lãi đối với số tiền trên tờ séc đều không có hiệu lực.
Điều 10. Chấp nhận séc trong thanh toán
Việc chấp nhận tờ séc trong thanh toán là hoàn toàn tự nguyện và được thoả thuận giữa người ký phát và người được trả tiền, giữa người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng séc.
Điều 11. Thời hạn và sự kiện bất khả kháng
Thời hạn xuất trình séc, thời hạn gửi thông báo truy đòi quy định trong Nghị định này bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của pháp luật. Nếu ngày kết thúc của các thời hạn nói trên là ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì các thời hạn đó được lùi đến ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ theo quy định đó.
Trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng làm cho séc không thể được xuất trình để thanh toán hoặc thông báo truy đòi không được gửi trong thời hạn đã quy định thì thời hạn đó sẽ được kéo dài cho đến khi sự kiện bất khả kháng chấm dứt, nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày ký phát.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép.
Người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền xuất trình séc hoặc người có trách nhiệm gửi thông báo truy đòi có trách nhiệm thông báo và chứng minh về sự kiện bất khả kháng cho người thực hiện thanh toán (trường hợp xuất trình séc để thanh toán) hoặc người nhận thông báo truy đòi (trường hợp truy đòi séc), để người thực hiện thanh toán hoặc người nhận thông báo truy đòi (nếu không phải là người ký phát) thông báo cho người ký phát về trường hợp bất khả kháng. Nếu chấp nhận lý do bất khả kháng thì người ký phát hoặc người nhận thông báo truy đòi xác nhận về việc đã nhận được thông báo, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký tên và việc thanh toán được thực hiện theo quy định.
Chương 2:
CUNG ỨNG SÉC
Điều 12. Cung ứng séc trắng
Các tổ chức cung ứng séc trắng và phạm vi cung ứng séc trắng :
a) Ngân hàng Nhà nước cung ứng séc trắng cho các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước;
b) Các ngân hàng cung ứng séc trắng cho các tổ chức, cá nhân được sử dụng tài khoản thanh toán để ký phát séc theo thoả thuận giữa hai bên;
c) Các tổ chức khác được phép làm dịch vụ thanh toán séc cung ứng séc trắng cho các tổ chức, cá nhân được sử dụng tài khoản thanh toán để ký phát séc theo thoả thuận giữa hai bên.
Tổ chức cung ứng séc thoả thuận với người được cung ứng séc về các điều kiện và điều khoản sử dụng séc do mình cung ứng nhưng không được trái pháp luật.
Điều 13. In ấn, giao nhận và bảo quản séc trắng
Tổ chức cung ứng séc tổ chức việc in ấn séc trắng để cung ứng cho người sử dụng.
Trước khi séc trắng được in ấn và cung ứng để sử dụng, các tổ chức cung ứng séc phải đăng ký mẫu séc trắng và nộp mẫu séc trắng tại Ngân hàng Nhà nước.
Việc giao nhận và bảo quản séc trắng thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về giao nhận, bảo quản ấn chỉ quan trọng.
Chương 3:
CÁC YẾU TỐ CỦA SÉC VÀ KÝ PHÁT SÉC
Điều 14. Các yếu tố của tờ séc
Ở mặt trước tờ séc có các yếu tố sau :
a) Chữ “Séc” được in phía trên tờ séc;
b) Số séc;
c) Người được trả tiền;
d) Số tiền xác định, được ghi cả bằng số và bằng chữ;
đ) Tên của người thực hiện thanh toán;
e) Địa điểm thanh toán;
g) Ngày ký phát;
h) Chữ ký (có ghi rõ họ tên) của người ký phát.
Chứng từ thiếu một trong các yếu tố nêu tại khoản 1 Điều này thì không có hiệu lực của một tờ séc, trừ trường hợp :
a) Nếu không ghi địa điểm thanh toán, thì địa điểm thanh toán thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định này;
b) Nếu không ghi tên người được trả tiền, thì số tiền ghi trên séc được trả cho người cầm tờ séc.
Các yếu tố in sẵn trên tờ séc trắng do các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam cung ứng phải được in bằng tiếng Việt. Séc có thể được in thêm tiếng nước ngoài thông dụng bên dưới vị trí tiếng Việt tương ứng, nhưng không lớn hơn và không đậm hơn tiếng Việt.
Ngoài các yếu tố quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức cung ứng séc có thể đưa thêm những yếu tố khác mà không làm phát sinh thêm các nghĩa vụ pháp lý của các bên như : số hiệu tài khoản thanh toán mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc và các yếu tố khác.
Trường hợp séc được thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc thì trên tờ séc phải có thêm các yếu tố thoả thuận với Trung tâm thanh toán bù trừ séc.
Mặt sau của tờ séc được dùng để ghi các nội dung chuyển nhượng.
Điều 15. Kích thước và việc bố trí vị trí các yếu tố trên séc
Kích thước séc và việc bố trí vị trí các yếu tố trên tờ séc do tổ chức cung ứng séc thiết kế và thực hiện, trừ trường hợp séc được thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc.
Trung tâm thanh toán bù trừ séc thỏa thuận với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là thành viên về kích thước séc, yếu tố và vị trí các yếu tố trên séc đối với séc thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc.
Điều 16. Séc được ký phát để lệnh cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Séc chỉ được ký phát để ra lệnh cho một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi người ký phát được sử dụng tài khoản thanh toán và một khoản tiền để ký phát séc theo thỏa thuận với tổ chức đó.
Điều 17. Ký phát séc
Séc được ký phát để ra lệnh trả tiền :
a) Cho một người xác định và cho phép chuyển nhượng séc, bằng cách ghi rõ tên người được trả tiền trên tờ séc sau cụm từ ‘Trả theo lệnh của’ – hoặc chỉ ghi tên người được trả tiền mà không cần có cụm từ trên; hoặc
b) Cho một người xác định và không cho phép chuyển nhượng séc, bằng cách ghi rõ tên người được trả tiền trên séc sau cụm từ ‘Trả không theo lệnh’; hoặc
c) Cho người cầm tờ séc, bằng cách ghi cụm từ ‘Trả cho người cầm séc’ hoặc không ghi tên người được trả tiền.
Séc có thể được ký phát để ra lệnh trả tiền cho chính người ký phát.
Điều 18. Ký phát séc của người thực hiện thanh toán
Séc không được ký phát để lệnh cho chính mình là người thực hiện thanh toán, trừ trường hợp được ký phát để trả tiền từ đơn vị này sang đơn vị khác của người thực hiện thanh toán.
Điều 19. Số tiền ghi trên séc
Số tiền trên séc phải được ghi cả bằng số và bằng chữ. Trong trường hợp có sai lệch giữa số tiền ghi bằng số và số tiền ghi bằng chữ thì số tiền được thanh toán là số tiền nhỏ hơn.
Điều 20. Séc trả tiền vào tài khoản và séc trả tiền mặt
Người ký phát séc hoặc người chuyển nhượng séc có thể không cho phép việc chi trả tờ séc bằng tiền mặt bằng cách ghi lên mặt tờ séc cụm từ ‘Trả vào tài khoản’.
Tờ séc không ghi cụm từ ‘Trả vào tài khoản’, thì người thụ hưởng có thể được trả bằng tiền mặt.
Chương 4:
CHUYỂN NHƯỢNG SÉC
Điều 21. Chuyển nhượng
Séc được ký phát có ghi tên người được trả tiền
a) Một tờ séc được ký phát có ghi tên người được trả tiền sau cụm từ ‘Trả theo lệnh của’ – hoặc chỉ ghi tên người được trả tiền mà không có cụm từ trên, thì người được trả tiền có thể chuyển nhượng tờ séc đó bằng cách ghi tên người được chuyển nhượng, ngày, tháng chuyển nhượng, ký và ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình vào mặt sau của tờ séc (sau đây gọi là ký hậu) và chuyển giao tờ séc đó cho người được chuyển nhượng.
b) Người được chuyển nhượng tờ séc nói trên có thể chuyển nhượng tiếp bằng cách ký hậu tương tự như trên.
c) Người chuyển nhượng tờ séc nói trên có thể chấm dứt việc tiếp tục chuyển nhượng séc bằng cách ghi trước chữ ký của mình cụm từ ‘Không tiếp tục chuyển nhượng’.
d) Người cầm tờ séc được chuyển nhượng bằng cách ký hậu là người thụ hưởng nếu tờ séc đó được chuyển nhượng liên tục đến người đó.
Tờ séc được ký phát không ghi tên người được trả tiền hoặc có ghi cụm từ ‘Trả cho người cầm séc’, thì người thụ hưởng có thể chuyển nhượng bằng cách chuyển giao tờ séc đó cho người được chuyển nhượng mà không cần ký hậu.
Điều 22. Hiệu lực chuyển nhượng
Khi tờ séc được chuyển nhượng thì toàn bộ các quyền có liên quan đến tờ séc cũng được chuyển cho người được chuyển nhượng.
Khi chuyển nhượng séc, toàn bộ số tiền ghi trên séc phải được chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng một phần số tiền ghi trên séc là không có hiệu lực.
Việc chuyển nhượng của người thực hiện thanh toán là không có hiệu lực.
Điều 23. Trách nhiệm của người chuyển nhượng
Người chuyển nhượng chịu trách nhiệm về việc trả số tiền ghi trên tờ séc đối với người được chuyển nhượng và những người được chuyển nhượng tiếp sau đó, trừ trường hợp nói ở khoản 2 dưới đây.
Trường hợp người chuyển nhượng ghi cụm từ ‘Không tiếp tục chuyển nhượng’ mà tờ séc đó vẫn được chuyển nhượng tiếp, thì người chuyển nhượng đã ghi cụm từ đó chỉ chịu trách nhiệm về việc trả số tiền ghi trên tờ séc đối với người được chính mình chuyển nhượng.
Điều 24. Chuyển nhượng séc cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
Người thụ hưởng séc có thể chuyển nhượng séc cho một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua việc ký hậu.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nói tại khoản 1 Điều này có tất cả các quyền liên quan đến tờ séc. Tổ chức đó chỉ được tiếp tục ký hậu tờ séc đó với tư cách đại diện cho người đã ký hậu tờ séc cho mình.
CHƯƠNG 5:
BẢO ĐẢM THANH TOÁN SÉC
Điều 25. Bảo chi séc
Nếu tờ séc có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định này và người ký phát có khoản tiền được sử dụng đủ để chi trả cho tờ séc khi xuất trình, thì người thực hiện thanh toán có nghĩa vụ bảo chi séc theo yêu cầu của người ký phát bằng cách ghi cụm từ ‘Bảo chi’ và ký tên trên séc.
Người thực hiện thanh toán có nghĩa vụ bảo đảm thanh toán cho các séc đã bảo chi được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình.
Điều 26. Bảo lãnh séc
Séc được bảo đảm trả tiền đối với một phần hoặc toàn bộ số tiền ghi trên séc bằng việc bảo lãnh của một bên thứ ba (gọi là người bảo lãnh), nhưng không phải là người thực hiện thanh toán.
Việc bảo lãnh được người bảo lãnh thực hiện bằng cách ghi cụm từ ‘Đã bảo lãnh’, số tiền được bảo lãnh, tên của người được bảo lãnh, chữ ký và tên người bảo lãnh trên tờ séc hoặc trên văn bản đính kèm tờ séc.
Trường hợp không ghi cụ thể người được bảo lãnh, thì người được bảo lãnh là người ký phát tờ séc.
Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh và người được bảo lãnh
Người bảo lãnh chịu trách nhiệm về việc trả tiền của tờ séc như người được bảo lãnh khi người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả số tiền trên tờ séc. Trong trường hợp chỉ bảo lãnh một phần số tiền ghi trên tờ séc thì người bảo lãnh chỉ chịu trách nhiệm về phần tiền đã bảo lãnh.
Khi người bảo lãnh đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh thì người bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh và những người có trách nhiệm với người được bảo lãnh trên tờ séc đó thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền mà người bảo lãnh đã trả thay.
Người bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh trả thù lao (nếu có thỏa thuận).
Người được bảo lãnh chịu trách nhiệm về việc trả số tiền mà người bảo lãnh đã trả thay trên tờ séc.
Chương 6:
XUẤT TRÌNH VÀ THANH TOÁN SÉC
Điều 28. Thời hạn và địa điểm xuất trình séc
Thời hạn xuất trình của tờ séc là 30 ngày, kể từ ngày ký phát.
Trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng làm cho séc không thể được xuất trình để thanh toán đúng thời hạn thì thời hạn xuất trình sẽ được kéo dài quá thời gian quy định ở khoản 1 Điều này và ngay sau khi các sự kiện này chấm dứt tờ séc phải được xuất trình để thanh toán. Thời hạn kéo dài trong trường hợp này là không quá 06 tháng kể từ ngày ký phát.
Trong thời hạn quy định trên, tờ séc phải được xuất trình để thanh toán tại :
a) Địa điểm thanh toán ghi trên tờ séc; hoặc
b) Nếu trên tờ séc không ghi địa điểm thanh toán, thì tờ séc đó phải được xuất trình để thanh toán tại địa chỉ của người thực hiện thanh toán; hoặc
c) Nếu trên tờ séc không ghi địa điểm thanh toán và không rõ địa chỉ của người thực hiện thanh toán, thì tờ séc đó được xuất trình để thanh toán tại trụ sở chính của người thực hiện thanh toán; hoặc
d) Nếu tờ séc được thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc theo quy định tại Điều 29 Nghị định này, thì tờ séc đó được xuất trình để thanh toán tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc.
Điều 29. Xuất trình séc tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán xuất trình séc để thanh toán tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc theo thỏa thuận với Trung tâm thanh toán bù trừ séc.
Điều 30. Xuất trình séc thông qua người thu hộ
Người thụ hưởng nếu không trực tiếp xuất trình tờ séc, thì có thể ủy quyền cho một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để tổ chức này thay mặt mình xuất trình séc theo quy định tại Điều 28 Nghị định này, thông qua một
Điều 31. Thực hiện thanh toán
Séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình và tại địa điểm xuất trình quy định tại Điều 28 Nghị định này, thì người thực hiện thanh toán có trách nhiệm thanh toán trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình đó, nếu người ký phát có khoản tiền được sử dụng đủ để chi trả cho tờ séc đó.
Người thực hiện thanh toán nếu không tuân thủ quy định trên sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng, tối đa bằng tiền lãi của số tiền ghi trên séc tính từ ngày tờ séc được xuất trình để thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm trả séc do Ngân hàng Nhà nước quy định áp dụng tại thời điểm xuất trình tờ séc.
Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán trước ngày ghi là ngày ký phát trên tờ séc, thì việc thanh toán chỉ được thực hiện kể từ ngày ký phát ghi trên séc theo quy định nói trên.
Séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày ký phát, thì người thực hiện thanh toán vẫn có thể thanh toán nếu người thực hiện thanh toán không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đó và người ký phát có khoản tiền được sử dụng đủ để chi trả cho tờ séc đó.
Trường hợp khoản tiền mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc không đủ để thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên tờ séc theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu người thụ hưởng yêu cầu được thanh toán một phần số tiền ghi trên séc, thì người thực hiện thanh toán có nghĩa vụ thanh toán theo yêu cầu của người thụ hưởng trong phạm vi khoản tiền mà người ký phát hiện có và được sử dụng để thanh toán séc.
Khi thanh toán một phần số tiền ghi trên tờ séc, người thực hiện thanh toán phải ghi rõ số tiền đã được thanh toán trên tờ séc và trả lại tờ séc cho người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền. Người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền phải lập chứng từ biên nhận về việc thanh toán đó và giao cho người thực hiện thanh toán.
Chứng từ biên nhận trong trường hợp này được coi là chứng từ chứng minh về việc thanh toán một phần số tiền trên tờ séc đối với người thực hiện thanh toán.
Trường hợp tờ séc được xuất trình để thanh toán sau khi người ký phát chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, thì tờ séc vẫn có hiệu lực thanh toán theo các quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Việc thanh toán tờ séc tại người thực hiện thanh toán chấm dứt sau 06 tháng kể từ ngày ký phát ghi trên tờ séc.
Điều 32. Thanh toán séc trả tiền vào tài khoản và séc trả tiền mặt
Tờ séc có ghi cụm từ “Trả vào tài khoản”, thì người thực hiện thanh toán chỉ được chuyển số tiền ghi trên tờ séc đó vào tài khoản của người thụ hưởng mà không được phép thanh toán bằng tiền mặt kể cả khi cụm từ “Trả vào tài khoản” bị gạch bỏ.
Người thực hiện thanh toán nếu không tuân thủ quy định này phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại phát sinh nhưng không quá số tiền ghi trên tờ séc.
Tờ séc không có cụm từ “Trả vào tài khoản”, thì người thực hiện thanh toán có thể thanh toán số tiền ghi trên tờ séc đó bằng tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản theo yêu cầu của người thụ hưởng.
Điều 33. Thanh toán séc chuyển nhượng
Người thực hiện thanh toán khi thanh toán một tờ séc được chuyển nhượng bằng ký hậu phải kiểm tra để bảo đảm tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng.
Điều 34. Đình chỉ thanh toán séc
Người ký phát có quyền yêu cầu đình chỉ thanh toán tờ séc mà mình đã ký bằng việc thông báo cho người thực hiện thanh toán để đình chỉ thanh toán tờ séc đó khi được xuất trình tại người thực hiện thanh toán. Thông báo đình chỉ thanh toán chỉ có hiệu lực sau thời hạn xuất trình séc.
Người ký phát vẫn có nghĩa vụ trả số tiền ghi trên tờ séc sau khi tờ séc bị người thực hiện thanh toán từ chối thanh toán theo thông báo đình chỉ thanh toán của mình.
Điều 35. Từ chối thanh toán séc
Người thực hiện thanh toán, Trung tâm thanh toán bù trừ séc khi từ chối thanh toán tờ séc phải lập Giấy xác nhận từ chối thanh toán, ghi rõ số séc, số tiền từ chối, lý do từ chối, ngày tháng xuất trình, tên, địa chỉ của người ký phát séc, ký tên và giao cho người xuất trình séc.
Điều 36. Quyền và trách nhiệm của người làm mất séc
Người được cung ứng séc trắng và người thụ hưởng có trách nhiệm bảo quản séc. Nếu để mất séc, người làm mất séc phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc tờ séc bị lợi dụng gây ra.
Trường hợp làm mất séc, thì xử lý như sau :
a) Nếu người làm mất séc là người được cung ứng séc trắng, làm mất tờ séc trắng hoặc tờ séc mà chính mình ký phát, thì người làm mất séc thông báo mất séc và thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đó cho người thực hiện thanh toán;
b) Nếu người làm mất séc là người thụ hưởng, thì người làm mất séc thông báo mất séc cho người thực hiện thanh toán, đồng thời trực tiếp hoặc thông qua những người chuyển nhượng tờ séc trước mình yêu cầu người ký phát thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đó cho người thực hiện thanh toán.
Người làm mất tờ séc vẫn có quyền đối với tờ séc bị mất theo quy định của Nghị định này, nếu người đó chứng minh được mình là người thụ hưởng tờ séc đó và tờ séc đó chưa bị lợi dụng thanh toán.
Điều 37. Trách nhiệm của người thực hiện thanh toán đối với séc bị mất
Nếu người thực hiện thanh toán đã nhận được thông báo mất séc, khi tờ séc đó được xuất trình để thanh toán tại người thực hiện thanh toán, người thực hiện thanh toán có trách nhiệm tạm thời đình chỉ thanh toán và tạm giữ tờ séc đó trong thời hạn 05 ngày, đồng thời thông báo về việc xuất trình tờ séc, tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân (hoặc giấy tờ có hiệu lực tương tự theo quy định của pháp luật) của người đã xuất trình tờ séc cho người đã có thông báo mất séc ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình của tờ séc đó.
Người thực hiện thanh toán nếu không tuân thủ quy định này thì phải chịu trách nhiệm về số thiệt hại phát sinh nhưng không quá số tiền ghi trên tờ séc.
Nếu trong thời hạn tạm thời đình chỉ thanh toán tờ séc nói tại khoản 1 Điều này, người báo mất séc không có bằng chứng chứng minh về sự bất hợp pháp của người xuất trình tờ séc, thì khi hết thời hạn đó, số tiền trên tờ séc phải được thanh toán cho người thụ hưởng.
Trong trường hợp này, người thông báo mất séc phải chịu trách nhiệm về số thiệt hại do việc tờ séc chậm được thanh toán gây ra đối với người thụ hưởng, tối đa bằng tiền lãi của số tiền ghi trên séc tính từ ngày tờ séc được xuất trình để thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm trả séc do Ngân hàng Nhà nước quy định áp dụng tại thời điểm xuất trình tờ séc.
Người thực hiện thanh toán không chịu trách nhiệm về các thiệt hại do việc lợi dụng tờ séc bị mất gây ra, nếu trước khi nhận được thông báo mất séc, tờ séc đó đã được xuất trình và thanh toán đúng quy định của Nghị định này.
Chương 7:
TRUY ĐÒI SÉC
Điều 38. Quyền truy đòi
Người thụ hưởng có quyền thực hiện truy đòi đối với người ký phát, những người chuyển nhượng, người bảo lãnh và những người có nghĩa vụ khác liên quan đến tờ séc về khoản tiền ghi trên séc nếu tờ séc đã được xuất trình trong thời hạn xuất trình nhưng bị từ chối thanh toán và có Giấy xác nhận từ chối thanh toán do người thực hiện thanh toán hoặc Trung tâm thanh toán bù trừ séc lập.
Điều 39. Gửi thông báo truy đòi
Việc truy đòi phải thực hiện bằng việc lập thông báo truy đòi kèm theo bản sao Giấy xác nhận từ chối thanh toán và gửi theo quy định dưới đây :
Đối với séc có ghi tên người được trả tiền và đã được chuyển nhượng bằng ký hậu, người thụ hưởng phải gửi thông báo truy đòi và bản sao Giấy xác nhận từ chối thanh toán cho người ký phát và đồng gửi cho người chuyển nhượng trực tiếp tờ séc cho mình (nếu có) trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy xác nhận từ chối thanh toán để yêu cầu được trả số tiền đã ghi trên séc.
Người nhận được thông báo truy đòi nếu cũng là người được chuyển nhượng thì trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo có nghĩa vụ thông báo tiếp cho người đã chuyển nhượng tờ séc cho mình về việc tờ séc bị truy đòi, ghi rõ tên, địa chỉ của người đã thông báo cho mình. Việc thông báo này được tiếp tục cho đến khi người ký phát séc nhận được thông báo về việc tờ séc bị từ chối thanh toán.
Đối với tờ séc có sự bảo lãnh thì việc thông báo séc bị từ chối thanh toán cho người bảo lãnh séc cũng được thực hiện theo trình tự và quy định như trên.
Đối với séc không ghi tên người được trả tiền, người thụ hưởng phải gửi thông báo truy đòi cho người ký phát trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy xác nhận từ chối thanh toán để yêu cầu thanh toán số tiền ghi trên tờ séc.
Trong trường hợp thông báo được gửi bằng đường bưu điện, thời điểm gửi thông báo được lấy theo ngày ghi trên dấu bưu điện nơi gửi.
Điều 40. Trách nhiệm và quyền của những người có liên quan đến tờ séc bị truy đòi
Người nhận được thông báo truy đòi phải chịu trách nhiệm về việc trả số tiền truy đòi trên tờ séc đối với người thụ hưởng đã gửi thông báo truy đòi cho mình.
Người bị truy đòi, khi thực hiện việc chi trả số tiền truy đòi, có quyền đòi được giao lại tờ séc và Giấy xác nhận từ chối thanh toán.
Người thực hiện việc chi trả số tiền truy đòi trên tờ séc, nếu không phải là người ký phát séc đó, thì có quyền thực hiện truy đòi đối với người ký phát, những người chuyển nhượng, người bảo lãnh và những người có nghĩa vụ khác liên quan đến tờ séc đối với mình theo quy định của Nghị định này.
Người ký phát séc phải chịu trách nhiệm về việc trả số tiền truy đòi trên tờ séc do mình ký phát cho người thụ hưởng hoặc cho người đã thực hiện việc chi trả số tiền truy đòi khi nhận được thông báo truy đòi.
Điều 41. Số tiền truy đòi
Người thực hiện việc truy đòi đối với tờ séc bị từ chối thanh toán có quyền đòi các bên có trách nhiệm với mình trên tờ séc trả :
a) Số tiền bị từ chối thanh toán của tờ séc;
b) Tiền lãi của số tiền bị từ chối thanh toán tính từ ngày tờ séc được xuất trình để thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm trả séc do Ngân hàng Nhà nước quy định áp dụng tại thời điểm tờ séc được xuất trình;
c) Các chi phí liên quan đến việc gửi thông báo truy đòi.
Sau khi chi trả số tiền truy đòi trên tờ séc, người đã thực hiện việc chi trả đó có quyền đòi các bên có nghĩa vụ đối với mình trên tờ séc trả :
a) Số tiền mà mình đã trả theo khoản 1 Điều này;
b) Tiền lãi của số tiền đã trả tính từ ngày mình thực hiện việc chi trả tờ séc theo mức lãi suất phạt chậm trả séc do Ngân hàng Nhà nước quy định áp dụng tại thời điểm thực hiện việc chi trả;
c) Các chi phí liên quan đến việc gửi thông báo truy đòi.
Điều 42. Chấm dứt quyền truy đòi
Quyền truy đòi chấm dứt nếu tờ séc xuất trình để thanh toán sau thời hạn xuất trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 28 Nghị định này mà bị từ chối thanh toán. Trong trường hợp này, tờ séc được coi là bằng chứng nhận nợ của những người có trách nhiệm liên quan đến séc đối với người thụ hưởng. Người thụ hưởng có quyền đòi được trả số tiền nợ ghi trên tờ séc theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
Chương 8:
KHỞI KIỆN
Điều 43. Khởi kiện
Nếu số tiền truy đòi trên tờ séc không được chi trả, người thụ hưởng có quyền khởi kiện đồng thời hoặc riêng rẽ người ký phát và những người có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp một trong số những người có nghĩa vụ liên quan khi bị truy đòi đã thực hiện việc chi trả số tiền trên tờ séc cho người thụ hưởng, nếu người đó không được hoàn trả số tiền truy đòi trên tờ séc, thì người đó có quyền khởi kiện đồng thời hoặc riêng rẽ người ký phát và những người có nghĩa vụ đối với mình.
Điều 44. Phạm vi nghĩa vụ có thể khởi kiện
Người khởi kiện về tờ séc bị từ chối thanh toán có quyền đòi người có trách nhiệm với mình trả số tiền theo quy định tại Điều 41 Nghị định này.
Điều 45. Trình tự, thủ tục, thời hiệu khởi kiện
Trình tự, thủ tục, thời hiệu khởi kiện đối với tờ séc không được thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương 9:
HÀNH VI VI PHẠM VÀ XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM
Điều 46. Các hành vi bị nghiêm cấm
Làm giả séc, sửa chữa hoặc tẩy xóa các yếu tố trên séc nhằm mục đích lừa đảo.
Cố ý chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng hoặc xuất trình để thanh toán một tờ séc bị làm giả, bị sửa chữa hoặc tẩy xóa nhằm mục đích lừa đảo hoặc bị nắm giữ bất hợp pháp.
Giả mạo chữ ký của người khác hoặc ký chữ ký của người không có thật trên tờ séc.
Cố ý chuyển nhượng tờ séc đã bị từ chối thanh toán.
Cố ý ký phát séc không đủ khả năng thanh toán quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định này.
Cố ý sử dụng séc sau khi đã bị đình chỉ quyền ký phát séc theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định này.
Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị cấm sử dụng séc, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 47. Ký phát séc không đủ khả năng thanh toán
Tờ séc khi xuất trình trong thời hạn xuất trình mà số tiền người ký phát được sử dụng bằng việc ký phát séc tại người thực hiện thanh toán không đủ để thanh toán toàn bộ số tiền trên tờ séc đó, thì tờ séc đó được coi là séc không đủ khả năng thanh toán.
Tổ chức, cá nhân ký phát séc không đủ khả năng thanh toán và không thực hiện nghĩa vụ trả toàn bộ số tiền bị truy đòi cho người thụ hưởng hoặc người đã chi trả cho người thụ hưởng thì bị coi là cố ý ký phát séc không đủ khả năng thanh toán.
Tổ chức, cá nhân ký phát séc không đủ khả năng thanh toán, ngoài việc phải chịu trách nhiệm trả số tiền truy đòi theo quy định tại Điều 41 Nghị định này phải bị xử lý như sau :
a) Nếu vi phạm lần thứ nhất, thì người thực hiện thanh toán có trách nhiệm gửi thông báo cảnh cáo đến người ký phát;
b) Nếu tái phạm lần thứ hai, thì người thực hiện thanh toán có trách nhiệm đình chỉ tạm thời quyền ký phát séc của người tái phạm trong vòng 03 tháng, không cung ứng séc trắng cho người đó trong thời hạn nói trên, đồng thời thu hồi những séc trắng đã cung ứng cho người tái phạm;
c) Nếu tái phạm lần thứ ba, thì người thực hiện thanh toán có trách nhiệm đình chỉ vĩnh viễn quyền ký phát séc của người tái phạm, thu hồi toàn bộ séc trắng đã cung ứng cho người tái phạm, đồng thời thông báo tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân (hoặc giấy tờ có hiệu lực tương tự theo quy định của pháp luật), số tiền không đủ khả năng thanh toán trên séc của người đó cho Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lưu trữ thông tin về tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân (hoặc giấy tờ có hiệu lực tương tự theo quy định của pháp luật), số tiền không đủ khả năng thanh toán trên séc của người tái phạm lần thứ ba và cung cấp các thông tin được lưu trữ này theo yêu cầu của các tổ chức cung ứng séc.
Tổ chức cung ứng séc khi cung ứng séc có trách nhiệm kiểm tra các thông tin về người được cung ứng séc lưu trữ tại Ngân hàng Nhà nước, từ chối cung ứng séc cho người đã bị cấm sử dụng, bị đình chỉ vĩnh viễn quyền ký phát séc. Tổ chức cung ứng séc vi phạm các quy định này sẽ phải chịu bồi thường thiệt hại cho bên liên quan.
Người tái phạm ký phát séc không đủ khả năng thanh toán, khi được tổ chức cung ứng séc yêu cầu nộp lại séc trắng đã được cung ứng, nếu không nộp lại mà còn tiếp tục sử dụng thì bị coi là cố ý sử dụng séc sau khi đã bị đình chỉ quyền ký phát séc. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền phong tỏa tài khoản của người vi phạm, thông báo với cơ quan chức năng để có biện pháp thu hồi lại số séc trắng nói trên.
Điều 48. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, bị đình chỉ tạm thời hoặc vĩnh viễn quyền ký phát séc, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán vi phạm các quy định trong Nghị định này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính, bị cấm cung ứng séc theo quy định của pháp luật.
Chương 10:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 49. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2004.
Nghị định số 30/CP ngày 09 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế phát hành và sử dụng séc, Nghị định số 173/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 1999 về sửa đổi Điều 5 Nghị định số 30/CP của Chính phủ ban hành Quy chế phát hành và sử dụng séc hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2004.
Điều 50. Trách nhiệm hướng dẫn và trách nhiệm thi hành
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.