Nghi định 121/2014/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển.
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006
về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển
__________________________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Công ước Lao động hàng hải năm 2006 của Tổ chức Lao động quốc tế;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thuyền viên, chủ tàu, các tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam.
2. Điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm khác của thuyền viên, chủ tàu và các tổ chức, cá nhân không quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với:
a) Tàu biển Việt Nam, chủ tàu, thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam;
b) Tàu biển nước ngoài, chủ tàu, thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam;
c) Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan.
2. Nghị định này không áp dụng đối với chủ tàu và thuyền viên làm việc trên các loại tàu dưới đây:
a) Tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá;
b) Tàu biển Việt Nam không hoạt động tuyến quốc tế.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tàu biển Việt Nam là tàu biển được đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc từ khi được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam.
2. Tàu biển nước ngoài là tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài.
3. Chủ tàu là chủ sở hữu tàu hoặc tổ chức, cá nhân khác đồng ý chịu trách nhiệm về hoạt động của tàu thay cho chủ sở hữu và đảm nhận các nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu tàu, bất kể việc có hay không các tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện một số nghĩa vụ hoặc trách nhiệm thay cho chủ sở hữu tàu.
4. Thuyền viên là người được tuyển dụng hoặc thuê làm việc trên tàu biển đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và đảm nhiệm chức danh theo quy định của pháp luật.
5. Thời gian đi tàu là thời gian kể từ ngày thuyền viên bắt đầu nhận nhiệm vụ đến ngày hồi hương.
6. Tai nạn lao động hàng hải là tai nạn xảy ra trong thời gian đi tàu gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho thuyền viên trong khi thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo phân công của chủ tàu hoặc của người được chủ tàu ủy quyền.
7. Tuyến quốc tế là tuyến hành trình của tàu biển Việt Nam giữa cảng biển Việt Nam và cảng biển nước ngoài hoặc giữa các cảng biển nước ngoài.
8. Công ước STCW là Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568