Nghị định 106/2017/NĐ-CP là một văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam. Nghị định này có mục tiêu chính là sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá, nhằm siết chặt hơn nữa việc quản lý và kinh doanh sản phẩm này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt nội dung Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017:
- 2 2. Thuộc tính văn bản Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017:
- 3 3. Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 có còn hiệu lực không?
- 4 4. Các văn bản có liên quan đến Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017:
- 5 5. Toàn văn nội dung Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 của Chính phủ:
1. Tóm tắt nội dung Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017:
Những điểm chính của Nghị định:
- Điều chỉnh quy định về kinh doanh thuốc lá: Nghị định này đã điều chỉnh một số quy định liên quan đến giấy phép kinh doanh thuốc lá, bao bì sản phẩm, quảng cáo thuốc lá, và các hoạt động khuyến mãi liên quan đến thuốc lá.
- Cắt giảm các hình thức quảng cáo thuốc lá: Hạn chế tối đa các hình thức quảng cáo thuốc lá trực tiếp và gián tiếp, nhằm giảm thiểu sự hấp dẫn của thuốc lá đối với người tiêu dùng.
- Tăng cường cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá: Các hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá được thiết kế rõ ràng hơn, với nội dung mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá.
- Quy định về khu vực cấm hút thuốc lá: Mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá, bao gồm cả các không gian công cộng và nơi làm việc.
Ý nghĩa của Nghị định:
- Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Giảm thiểu số người hút thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.
- Giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội: Giảm chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá.
- Nâng cao hình ảnh đất nước: Thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sức khỏe của người dân.
Tóm lại: Nghị định 106/2017/NĐ-CP là một văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam. Nghị định này có mục tiêu chính là sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá, nhằm siết chặt hơn nữa việc quản lý và kinh doanh sản phẩm này.
2. Thuộc tính văn bản Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017:
Số hiệu: | 106/2017/NĐ-CP |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Ngày ban hành: | 14/09/2017 |
Ngày công báo: | 30/09/2017 |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Loại văn bản: | Nghị định |
Ngày hiệu lực: | 01/11/2017 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 có còn hiệu lực không?
Nghị định 106/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 14/09/2017, có hiệu lực từ ngày 01/11/2017. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017:
Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá;
Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
Văn bản hợp nhất 52/VBHN-BCT năm 2020 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá do Bộ Công thương ban hành.
5. Toàn văn nội dung Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 của Chính phủ:
CHÍNH PHỦ ——– | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 106/2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2013/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ VỀ KINH DOANH THUỐC LÁ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật phòng, chống tác hại thuốc lá ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
1. Khoản 3 Điều 3 sửa đổi như sau:
“3. “Sợi thuốc lá” là nguyên liệu được chế biến từ lá thuốc lá sau khi đã qua các công đoạn thái thành sợi và được dùng để sản xuất sản phẩm thuốc lá.”
2. Khoản 10 Điều 3 sửa đổi như sau:
“10. “Thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá” là thương nhân mua sản phẩm thuốc lá trực tiếp từ Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá để bán cho các thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá và thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá.”
3. Khoản 12 Điều 3 sửa đổi như sau:
“12. “Thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá” là thương nhân mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán trực tiếp cho người tiêu dùng.”
4. Khoản 15 Điều 3 bổ sung như sau:
“15. “Thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá” bao gồm: Thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, Thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá và Thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá.”
5. Khoản 2 Điều 4 sửa đổi như sau:
“2. Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải có giấy phép theo quy định.”
6. Khoản 7 Điều 8 bổ sung như sau:
“7. Bảng kê danh sách người trồng cây thuốc lá, địa điểm, diện tích có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.”
7. Khoản 3 Điều 10 sửa đổi như sau:
“3. Bảng kê diện tích, sơ đồ kho tàng, văn phòng làm việc và các khu phụ trợ khác.”
8. Điểm a, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 26 sửa đổi như sau:
“a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;”
“c) Có hệ thống phân phối sản phẩm thuốc lá trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên (tại địa bàn mỗi tỉnh, thành phố phải có tối thiểu 01 thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá).”
“d) Có văn bản giới thiệu mua bán của Nhà cung cấp thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;”
9. Điểm a, điểm d khoản 2 Điều 26 sửa đổi như sau:
“a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;”
“d) Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;”
10. Điểm a, điểm d khoản 3 Điều 26 sửa đổi như sau:
“a) Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;”
“d) Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;”
11. Điểm c, điểm đ khoản 1 Điều 27 sửa đổi như sau:
“c) Bản sao văn bản giới thiệu của các Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá, trong đó ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;”
“đ) Báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (đối với trường hợp xin cấp lại, cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép);”
12. Điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 27 sửa đổi như sau:
“c) Bản sao các văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.”
“đ) Báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (đối với trường hợp xin cấp lại, cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép);”
13. Điểm c khoản 3 Điều 27 sửa đổi như sau:
“c) Bản sao các văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh;”
14. Điểm b khoản 2 Điều 28 sửa đổi như sau:
“b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, thẩm định và cấp Giấy phép phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;”
15. Khoản 4 Điều 29 sửa đổi như sau:
“4. Thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm thuốc lá từ các Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá khác để bán cho các thương nhân mua bán sản phẩm thuốc lá hoặc bán tại các điểm bán lẻ của thương nhân trên phạm vi địa bàn được cấp phép.”
16. Khoản 7 Điều 29 sửa đổi như sau:
“7. Thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá được mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá để bán tại các địa điểm được cấp phép.”
17. Khoản 4 Điều 31 bổ sung như sau:
“4. Doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá nhập khẩu thuốc lá vào Việt Nam để nghiên cứu sản xuất thử nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc qua mạng internet đến Bộ Công Thương bao gồm:
– Văn bản đề nghị xin nhập khẩu.
– Giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số hàng mẫu nhập khẩu.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương xem xét và có văn bản trả lời doanh nghiệp, trường hợp từ chối phải có văn bản nêu rõ lý do.”
18. Khoản 1 Điều 32 sửa đổi như sau:
“1. Thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu đều bị tịch thu để tiêu hủy, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
19. Bổ sung khoản 13 Điều 45 như sau:
“13. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ.”
20. Khoản 3 Điều 49 sửa đổi như sau:
“3. Kiểm tra, giám sát việc đầu tư trồng cây thuốc lá, sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu thuốc lá, lưu thông sản phẩm thuốc lá trên địa bàn quản lý.”
Điều 2. Bãi bỏ một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá
1. Bãi bỏ điểm a khoản 3 Điều 9.
2. Bãi bỏ điểm e khoản 1 Điều 26.
3. Bãi bỏ điểm e khoản 2 Điều 26.
4. Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 26.
5. Bãi bỏ điểm g khoản 1 Điều 27.
6. Bãi bỏ điểm g khoản 2 Điều 27.
7. Bãi bỏ khoản 3 Điều 46.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá đã được cấp cho thương nhân theo Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì hiệu lực cho đến khi hết thời hạn theo Giấy phép đã cấp.
Điều 4. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2017.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc