Nghị định 03/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm; Quỹ quốc gia về việc làm; chương trình việc làm địa phương và tuyển, quản lý lao động.
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ VIỆC LÀM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm.
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm; Quỹ quốc gia về việc làm; chương trình việc làm địa phương và tuyển, quản lý lao động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Bộ luật lao động.
2. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật lao động.
3. Cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Chương 2.
CHỈ TIÊU TẠO VIỆC LÀM TĂNG THÊM, QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM, CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM ĐỊA PHƯƠNG
Điều 3. Chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm
1. Chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Bộ luật lao động là chỉ tiêu phản ánh số người lao động có việc làm tăng thêm trong kỳ báo cáo.
2. Ủy ban nhân dân các cấp phải xây dựng và tổ chức thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm trong các chương trình, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm, hằng năm.
3. Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm thực hiện theo quy định sau đây:
a) Hằng năm, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm tại địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên;
b) Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm tại địa phương, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm 05 năm và hằng năm.
Điều 4. Quỹ quốc gia về việc làm
1. Nguồn hình thành Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Nguồn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
c) Các nguồn hợp pháp khác.
2. Quỹ quốc gia về việc làm được sử dụng cho các hoạt động sau đây:
a) Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;
b) Hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế để hạn chế người lao động mất việc làm;
c) Hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động.
3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm.
4. Hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch bổ sung ngân sách nhà nước cho Quỹ quốc gia về việc làm, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 5. Chương trình việc làm địa phương
1. Chương trình việc làm của địa phương theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Bộ luật lao động, bao gồm: Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, đối tượng, phạm vi thực hiện, thời gian, tổ chức thực hiện và cơ chế, chính sách để thực hiện.
2. Căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương trong từng thời kỳ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình việc làm của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; tổ chức thực hiện chương trình và hằng năm báo cáo kết quả về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Chương 3.
TUYỂN, QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
Điều 6. Tuyển lao động
Việc tuyển người lao động Việt Nam làm việc cho người sử dụng lao động Việt Nam; làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) theo quy định tại Điều 11 và Khoản 2 Điều 168 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển người lao động Việt Nam;
2. Người lao động có quyền trực tiếp với người sử dụng lao động hoặc đăng ký tại tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm.
Điều 7. Thủ tục, trình tự tuyển lao động
1. Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động. Nội dung thông báo bao gồm:
a) Nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển;
b) Loại hợp đồng dự kiến giao kết;
c) Mức lương dự kiến;
d) Điều kiện làm việc cho từng vị trí công việc.
2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động gồm các văn bản sau đây:
a) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn kỹ thuật; trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí cần tuyển;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế;
d) Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
3. Khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm quản lý hồ sơ và thông báo cho người lao động thời gian tuyển lao động.
4. Người sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai kết quả tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.
5. Trường hợp người lao động không trúng tuyển hoặc không tham gia dự tuyển, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải trả lại đầy đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động yêu cầu.
6. Người sử dụng lao động chi trả các chi phí cho việc tuyển lao động và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh các khoản chi phí sau đây:
a) Thông báo tuyển lao động;
b) Tiếp nhận, quản lý hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động;
c) Tổ chức thi tuyển lao động;
d) Thông báo kết quả tuyển lao động.
Trường hợp tuyển lao động thông qua tổ chức dịch vụ việc làm thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền phí dịch vụ việc làm về tuyển lao động cho tổ chức dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Báo cáo sử dụng lao động
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
3. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải báo cáo số lao động cho thuê lại với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
4. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình sử dụng và thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương, báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
5. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình sử dụng và thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 9. Số quản lý lao động
Người sử dụng lao động lập số quản lý lao động, quản lý và sử dụng số theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014.
2. Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ
|