Nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam, tất cả hành vi trốn nghĩa vụ quân sự đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vậy những đối tượng là nghệ sĩ, ca sỹ hoặc diễn viên có được miễn nghĩa vụ quân sự hay không?
Mục lục bài viết
1. Nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên có được miễn nghĩa vụ quân sự?
Trước hết cần phải hiểu, nghệ sĩ là những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, nghệ sĩ thông thường là những người sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như đồ họa, mô hình, diễn kịch, sân khấu điện ảnh, chạm khắc … liên quan trực tiếp đến các ý tưởng và chạm tới cảm xúc của người xem, có ý nghĩa đặc biệt đối với văn hóa xã hội. Vì vậy, khái niệm nghệ sĩ gắn liền rất mật thiết với khái niệm nghệ thuật. Bên cạnh đó, ca sỹ là những người biểu diễn trên sân khấu bằng giọng hát với nhiều loại nhạc khác nhau, hát cũng được xem là một trong những kỹ năng để tạo ra âm thanh bằng giọng hát của con người, các âm thanh được phát ra lớn nhỏ tùy theo mức giọng và âm điệu để tạo nên một bản nhạc. Đồng thời, diễn viên là những người biểu diễn, trình bày một bài diễn, một bộ phim điện ảnh theo kịch bản đã được viết sẵn.
Đối với lĩnh vực nghĩa vụ quân sự, cả 03 chủ thể nêu trên đều không đương nhiên thuộc trường hợp miễn nghĩa vụ quân sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Văn bản hợp nhất luật nghĩa vụ quân sự năm 2019 thì công dân khi đến độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt thành phần xã hội, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, nơi cư trú đều bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự một cách bình đẳng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Văn bản hợp nhất luật nghĩa vụ quân sự năm 2019 thì khi công dân đủ 18 tuổi sẽ được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ sẽ kéo dài từ 18 tuổi đến hết 25 tuổi, công dân được đào tạo trình độ cao đẳng hoặc đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ sẽ được kéo dài đến hết năm 27 tuổi.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 148/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, có quy định cụ thể về trường hợp miễn gọi nhập ngũ. Theo đó, công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ được miễn gọi nhập ngũ;
– Là con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
– Được xác định là anh một hoặc em trai một của liệt sĩ;
– Một con của những đối tượng được xác định là thương binh hạng II, một con của bệnh binh có mức độ khả năng suy giảm lao động từ 81% trở lên, một con của những người nhiễm chất độc màu da cam do tham gia chiến tranh này có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Những người làm công tác lực lượng cơ yếu không phải là quân nhân và công an nhân dân;
– Các đối tượng được xác định là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động công tác và làm việc đến những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật trong khoảng thời gian từ 24 tháng trở lên.
Theo đó thì có thể nói, như các điều luật phân tích nêu trên, nghệ sĩ hoặc ca sỹ, diễn viên không phải là một trong những đối tượng đương nhiên thuộc trường hợp miễn nghĩa vụ quân sự. Nghệ sĩ, ca sỹ hoặc diễn viên nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn tuyển quân thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nghệ sĩ, ca sỹ hoặc diễn viên sẽ không được miễn nghĩa vụ quân sự với lý do nghề nghiệp hoặc danh tiếng của mình hoặc dựa trên những đóng góp to lớn mà họ đã dành cho đất nước.
Các đối tượng đó sẽ chỉ được miễn nghĩa vụ quân sự khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, ngay cả khi nghệ sĩ, ca sỹ hoặc diễn viên thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 148/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, nếu như họ vẫn tự nguyện tham gia nhập ngũ thì vẫn sẽ được xem xét và tuyển chọn, gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật.
2. Nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cần mang theo những giấy tờ gì?
Theo Thông tư 105/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự công dân thường mang theo những giấy tờ sau đây:
– Lệnh gọi khám sức khỏe;
– Các loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, hoặc các loại giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Các loại giấy tờ và tài liệu có liên quan đến sức khỏe cá nhân để có thể giao nộp cho hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;
– Các loại giấy tờ khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Theo đó thì có thể nói, trong quá trình đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cần phải mang theo các loại giấy tờ và tài liệu nhất định, trong đó quan trọng nhất là giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn. Tất cả trường hợp thiếu giấy tờ đều sẽ bị yêu cầu bổ sung đầy đủ giấy tờ trước khi tiến hành hoạt động khám sức khỏe.
3. Trường hợp nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về những trường hợp sẽ được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự. Nếu nghệ sĩ, ca sỹ hoặc diễn viên thuộc một trong những trường hợp đó thì cũng sẽ biết được hỏi ra danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự. Theo đó, công dân được đưa ra khỏi danh sách thực hiện hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu công dân đó thuộc một trong những trường hợp căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Văn bản hợp nhất luật nghĩa vụ quân sự năm 2019. Theo đó, có thể kể đến một số trường hợp như sau:
– Chết;
– Hết độ tuổi phục vụ trong các ngạch dự bị theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự;
– Thuộc các trường hợp không được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Theo đó, có thể kể đến những trường hợp không được tiến hành thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự tại cơ quan có thẩm quyền bao gồm:
+ Là những công dân được xác định đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo bản án có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền, đang chấp hành hình phạt tù hoặc cải tạo không gian giữ, là những đối tượng đang chấp hành hình phạt quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù trên thực tế tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện thủ tục xóa án tích tại sở tư pháp hoặc tại tòa án;
+ Công dân đang bị áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc tại xã, phường, thị trấn, áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sò giáo dưỡng bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tức quyền phục vụ trong các đơn vị và lực lượng vũ trang nhân dân.
– Những đối tượng được xác định là người khuyết tật, người mắc các chứng bệnh giống nhau, mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các chứng bệnh mãn tính khác theo quy định của pháp luật không thể thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Theo đó thì có thể nói, nghệ sĩ, ca sỹ hoặc diễn viên nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì sẽ được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 23/VBHN-VPQH 2019 Luật Nghĩa vụ quân sự;
– Thông tư 105/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng;
– Thông tư 148/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.