Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ mang đến các vấn đề pháp lý xoay quanh quy định về ngày nghỉ hàng tuần của người lao động và giải thích tại sao cần phải quy định về ngày nghỉ hàng tuần. Mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Ngày nghỉ là gì?
Ngày nghỉ là ngày mà theo quy định của pháp luật, người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động của mình đối với người sử dụng lao động và được trả lương
2. Khái quát về người lao động và thời gian nghỉ ngơi theo Bộ luật lao động :
Người lao động là một cá nhân, có mong muốn và trực tiếp tham gia xác lập, thực hiện quan hệ pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Người lao động có thể được chia thành nhiều loại khác nhau, căn cứ vào những tiêu chí nhất định, ví dụ, theo quốc tịch, có thể chia người lao động là người Việt Nam và người lao động không có quốc tịch Việt Nam (sự phân chia này có giá trị pháp lý-xã hội rõ ràng trong việc thiết kế và vận hành chính sách bảo hộ người lao động là công dân quốc gia sở tại); theo giới tính, có thể phân ra thành lao động nam và lao động nữ; theo tình trang cơ thể, có lao động với thể trạng bình thường, không có khiếm khuyết tiêu chuẩn và lao động là người khuyết tật.
Mục đích của việc tham gia quan hệ pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động của người lao động là để bán sức lao động kiếm tiền trang trải cho các nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình, vì vậy, người lao động phải là người có sức lao động. Tuy nhiên, sức lao động là khái niệm đặc biệt, dù có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng sức lao động là một đại lượng vật chất nhưng để nhận biết được đại lượng đó với những thuộc tính của nó, người ta không thể áp dụng các biện pháp thông thường như cân, đo, đong, đếm hay các biện pháp tương tự.
Việc sử dụng người lao động vào quá trình thực hiện công việc, người sử dụng lao động đặt ra tiêu chí để lựa chọn người lao động. Một người lao động được tuyển chọn vào quá trình lao động đó phải thật sự “có khả năng lao động”. Theo quan điểm truyền thống, “khả năng lao động” của người lao động được thể hiện qua năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Trong đó:
Năng lực pháp luật của người lao động là khả năng một người nào đó được pháp luật quy định cho các quyền và buộc phải gánh vác những nghĩa vụ. Năng lực pháp luật là loại năng lực khách quan, ở bên ngoài không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người người lao động, thậm chí kể cả người sử dụng lao động. Năng lực pháp luật lao động được thể hiện thông qua hệ thống các quy định của pháp luật, có thể bắt đầu hoặc khởi nguồn từ hiến pháp quốc gia.
Năng lực hành vi lao động là khả năng thực tế của một người lao động trong việc tạo ra, hưởng dụng các quyền và gánh vác các nghĩa vụ lao động.
Người lao động vừa có thể thực thi được các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định vừa có thể tạo ra các quyền năng cụ thể cho mình trên nền quyền năng mà pháp luật đã ghi nhận nhằm đạt những giá trị, những lợi ích thiết thực cho bản thân mình, những cái đã được đặt ra khi tham gia quan hệ lao động.
Về phương diện năng lực hành vi, người lao động được thể hiện ở hai khía cạnh là thể lực và trí lực. Thể lực là một trong những thuộc tính quan trọng của người lao động, nó là vấn đề chính yếu mà người lao động buộc phải có vì đó là cơ sở quan trọng của các hoạt động cá nhân. Thể lực của một người lao động được thể hiện qua hai yếu tố cơ bản đó là hình thể và sức khỏe của người lao động.
Để tái tạo sức lao động, đặc biệt là cải thiện thể lực và trí lực cho người lao động, bộ luật lao động đã quy định về thời giờ nghỉ ngơi như một phương pháp hiệu quả nhất. Thời giờ nghỉ ngơi là khoảng thời gian cần thiết để người lao động tái sản xuất lại sức lao động đã hao phí nhằm đảm bảo quá trình lao động được diễn ra liên tục.
Trong khoa học luật lao động, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi được xem xét dưới các khía cạnh như nguyên tắc trọng tâm mà quy định của pháp luật lao động phải thể hiện; nội dung của quan hệ pháp luật lao động; chế định của luật lao động….Nói tóm lại, thời gian nghỉ ngơi là thời gian người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động và có toàn quyền sử dụng thời gian theo ý mình.
Cơ sở của việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
Cơ sở sinh học
Về mặt sinh học, lao động với nội dung và hình thức nào thì cũng là sự tiêu hao trí não, thần kinh, cơ bắp, cơ quan cảm giác…do vậy, phải có giới hạn. Nói cách khác, lao động đến mức nhất định nào đó thì cảm giác mệt mỏi sinh lí xuất hiện làm giảm năng suất hiệu quả lao động, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn tại của con người. Như vậy, thời gian làm việc là có giới hạn và yêu cầu được nghỉ ngơi là nhu cầu sinh lí tự nhiên.
Cơ sở kinh tế-xã hội
Điều kiện kinh tế-xã hội, trong đó năng suất lao động và nhu cầu của con người là nhân tố quan trọng, quyết định nhất đến việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cụ thể của người lao động. Với khối lượng công việc và phân công nhất định, thời gian hoàn thành công việc nhiều hay ít phụ thuộc chủ yếu vào năng suất lao động. Nếu năng suất lao động thấp, con người ta mất nhiều thời gian lao động hơn và ngược lại, nếu năng suất lao động co đương nhiên thời gian lao động sẽ ít đi, nhu cầu nghỉ ngơi nhiều hơn.
Các loại thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật lao động bao gồm: nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ hằng tuần, nghĩ lễ (tết), nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.
3. Quy định về ngày nghỉ hàng tuần của người lao động và sự cần thiết phải quy định về ngày nghỉ hàng tuần:
Theo pháp luật quốc tế, ngày nghỉ hàng tuần được ILO quy định rong các Công ước số 14 năm 1921 về nghỉ hàng tuần trong công nghiệp, Công ước số 106 năm 1957 về nghỉ hàng tuần trong thương mại và văn phòng. Theo đó, mỗi tuần làm việc người lao động được nghỉ ít nhất là một ngày làm việc tương ứng với 24 giờ.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định mang giống với pháp luật quốc tế, cụ thể, mỗi tuần làm việc, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. (Khoản 1 Điều 111 Bộ luật lao động).
Thông thường, người sử dụng lao động sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần cho người lao động vào ngày cuối tuần (thứ 7, chủ nhật) phù hợp với nếp sinh hoạt chung và chu kỳ nghỉ ngơi của người lao động. Tuy nhiên, đối với những đơn vị do tính chất công việc không thực hiện nghỉ hàng tuần vào thứ 7, chủ nhật thì pháp luật cũng cho phép người sử dụng người lao động linh hoạt sắp xếp nghỉ vào ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào
Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết ( Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); Tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch) thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Tại sao phải cần quy định về ngày nghỉ hàng tuần?
Việc quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi nói chung thời gian nghỉ hàng tuần nói riêng của người lao động không chỉ đặc biệt có ý nghĩa với người lao động mà còn có ý nghĩa đối với người sử dụng lao động và Nhà nước.
Đối với người lao động, việc quy định về thời gian nghỉ hàng tuần có 2 ý nghĩa cơ bản.
Một là, bằng việc quy định quỹ thời gian làm việc và nghỉ ngơi theo tuần, pháp luật lao động đảm bảo cho người lao động có điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lao động trong quan hệ đồng thời làm căn cứ cho việc hưởng thụ quyền lợi như tiền lương, thưởng.
Hai là, quy định thời gian làm việc, thơi giờ nghỉ ngơi còn có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực bảo hộ lao động, đảm bảo quyền nghỉ ngơi của người lao động. Quy định về thời gian nghỉ ngơi nhằm tránh lạm dụng sức lao động, đảm bảo tán sản xuất sức lao động, hạn chế tai nạn lao động.
Đối với người sử dụng lao đông, việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi giúp cho người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tổ hức sản xuất, sử dụng lao động hợp lý, khoa học từ đó hoàn thành được mục tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra.
Đối với nhà nước, việc quy định thời gian làm việc, nghỉ ngơi không chỉ thể hiện chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong việc tổ chức, điều hanh hoạt động lao động xã hội mà còn thể hiện rõ thái độ của nhà nước đối với lực lượng lao động-nguồn tài nguyên quý giá nhất của quốc gia.