Ngân sách nhà nước là tài sản nhà nước do nhân dân đóng góp, nhà nước là chủ thể đại diện thay mặt nhân dân quyết định và sử dụng ngân sách. Đảng và nhà nước ta đã có nhiều văn bản quy định về vấn đề quản lý ngân sách nhà nước phù hợp với từng thời kỳ. Vậy ngân sách nhà nước là gì? Và đặc điểm, vai trò của ngân sách nhà nước như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Ngân sách Nhà nước là gì?
Trải qua các thời kỳ xã hội, quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước luôn được coi là nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của xã hội, bảo đảm lợi ích cho giai cấp thống trị. Sự phát triển của xã hội kéo theo sự ra đời và hoàn thiện của ngân sách nhà nước, đặc biệt là thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Thuật ngữ ngân sách nhà nước được sử dụng rộng rãi trong các diễn đàn khoa học và đời sống thực tiễn nhằm đề cao ý thức chính trị của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, nâng cao trách nhiệm trong vấn đề quản lý sử dụng quỹ ngân sách nhà nước phục vụ cho hoạt động cộng đồng.
Đến nay, ngân sách nhà nước được xem là bản dự toán thu/chi tiền tệ của mỗi quốc gia, được cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đại diện cho toàn thể nhân dân quyết định. Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền giám sát Chính phủ, Ủy ban nhân dân và các cơ quan trực thuộc khác trong vấn đề điều hành, quản lý ngân sách nhà nước. Dự toán ngân sách nhà nước được lập trong 01 năm, có hiệu lực trong vòng 12 tháng, được tính bắt đầu kể từ 1/1 đến hết 31/12 hằng năm theo thông lệ của các quốc gia.
Trên phương diện pháp lý, căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có đưa ra khái niệm về ngân sách nhà nước như sau:
“Ngân sách nhà nước là khái niệm để chỉ toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hướng tới mục tiêu bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước.”
2. Đặc điểm của ngân sách nhà nước:
Ngân sách nhà nước bao gồm những đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, ngân sách nhà nước là một kế hoạch tài chính khổng lồ, ngân sách nhà nước cần được Quốc hội biểu quyết thông qua trước khi thi hành trên thực tế. Với đặc điểm này, việc thiết lập ngân sách nhà nước không chỉ là vấn đề kĩ thuật nghiệp vụ mà còn là vấn đề mang tính kỹ thuật pháp lý. Do ngân sách nhà nước bắt buộc phải được Quốc hội biểu quyết thông qua vì vậy ngân sách nhà nước khác hẳn so với các đạo luật thông thường khác.
Thứ hai, ngân sách nhà nước không phải là một bản kế hoạch tài chính thuần túy mà đó là một “đạo luật” đặc biệt. Theo thông lệ quốc tế, sau khi ngân sách nhà nước được soạn thảo bởi cơ quan hành pháp thì ngân sách đó sẽ được chuyển sang cho cơ quan lập pháp để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng, ngân sách nhà nước được ban bố dưới hình thức một “đạo luật” để thi hành. Quá trình luật hóa dự toán ngân sách nhà nước tại cơ quan lập pháp đã thể hiện rõ sự khác biệt đặc trưng về phương diện pháp lý giữa ngân sách nhà nước với các loại ngân sách của các chủ thể khác (cá nhân, pháp nhân …). Sở dĩ ngân sách nhà nước có đặc điểm này là vì ngân sách nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội, cần thiết phải bảo đảm cho ngân sách nhà nước có được giá trị giống như một đạo luật, bắt buộc các bên phải tuân theo, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, ngân sách nhà nước là kế hoạch tài chính của toàn thể quốc gia, được giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện trên thực tế tuy nhiên cần phải được đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Quốc hội. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng để phân biệt giữa ngân sách nhà nước với các loại ngân sách khác như ngân sách của các tổ chức kinh tế, ngân sách của tổ chức chính trị xã hội, ngân sách của cá nhân hoặc ngân sách của hộ gia đình …
Thứ tư, ngân sách nhà nước được thiết lập và thực hiện hoàn toàn vì mục tiêu chung của toàn thể quốc gia dân tộc, không phân biệt người thụ hưởng lợi ích là ai, thuộc thành phần kinh tế nào hoặc thuộc đẳng cấp nào trong xã hội. Đặc điểm này khiến cho ngân sách nhà nước khác biệt hoàn toàn so với ngân sách của các cá nhân hoặc hộ gia đình, bởi vì ngân sách của cá nhân hoặc hộ gia đình liên quan trực tiếp đến lợi ích riêng tư của mỗi chủ thể, chúng được thiết lập và thực hiện vì mục tiêu đem lại lợi ích cụ thể cho chính bản thân họ.
Thứ năm, ngân sách nhà nước luôn luôn phản ánh mối quan hệ tương quan giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trong quá trình xây dựng, thực hiện ngân sách. Mối quan hệ tương quan này thường nghiêng về phía cơ quan lập pháp, bởi vì vai trò áp đảo của cơ quan lập pháp so với cơ quan hành pháp trong lĩnh vực ngân sách nhà nước đã được ghi nhận trong hiến pháp và trong đạo luật ngân sách nhà nước ở mỗi quốc gia.
3. Vai trò của ngân sách nhà nước:
Sự hình thành và phát triển của ngân sách nhà nước trong lịch sử đã chứng minh, ngân sách nhà nước tồn tại trong nền kinh tế có vai trò giống như một yếu tố không thể thiếu. Sự phát triển của các chế độ xã hội trong lịch sử, từ xã hội phong kiến đến xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã đánh dấu bước phát triển của pháp luật về ngân sách nhà nước, khẳng định hơn nữa giá trị pháp lý của các quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.
Với sự tồn tại và phát triển của ngân sách nhà nước đến nay đã chứng tỏ vai trò không thể thiếu của nó trong đời sống xã hội. Vai trò ảnh hưởng của ngân sách nhà nước đã bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống, tác động đến mọi mặt của xã hội, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân thông qua việc thực hiện điều tiết các hoạt động kinh tế xã hội. Nhà nước huy động các nguồn lực từ xã hội như thuế, tài nguyên, hoạt động thương mại, phát hành trái phiếu, thậm chí là vay nợ nước ngoài để tài trợ cho hoạt động nhà nước thông qua các chương trình, kế hoạch thu ngân sách của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Vì vậy, vấn đề quản lý và sử dụng các khoản thu, chi đòi hỏi phải được thể chế hóa thành pháp luật.
Có thể kể đến một số vai trò của ngân sách nhà nước như sau:
Thứ nhất, ngân sách nhà nước có vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính. Ngân sách bảo đảm nguồn vốn cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh quốc phòng. Với tính chất là một quỹ tiền tệ tập trung, ngân sách nhà nước cân đối và điều hòa vốn giữa các ngành nghề kinh tế, xây dựng mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, khắc phục thiên tai. Trong nền kinh tế thị trường, ngân sách nhà nước còn là công cụ tài chính chủ yếu để nhà nước thực hiện hoạt động điều tiết nền kinh tế theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, ngân sách nhà nước là công cụ để nhà nước thực hiện điều tiết các hoạt động kinh tế và xã hội. Thông qua hoạt động thu ngân sách nhà nước, nhà nước thực hiện thu hút nguồn vốn/tiền tệ, từ đó hình thành quỹ ngân sách nhà nước.
Thứ ba, thông qua việc điều tiết các hoạt động thị trường, nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước giống như một công cụ để ổn định giá cả, chống lạm phát.
Như vậy, ngân sách nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kinh tế xã hội nói chung. Vai trò của ngân sách trong nền kinh tế được thể hiện giống như một công cụ phân phối của nhà nước đối với quỹ ngân sách quốc gia, là công cụ điều tiết các hoạt động kinh tế xã hội và định hướng tiêu dùng xã hội.
THAM KHẢO THÊM: