Trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay thì quản lý tốt vấn đề thu - chi của ngân sách địa phương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Ngân sách địa phương là gì? Thu chi ngân sách địa phương được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Ngân sách địa phương là gì?
1.1. Pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước:
Ngân sách nhà nước ra đời và tồn tại gắn liền với sự hiện diện của nhà nước. Đầu tiên nhà nước sử dụng ngân sách để nuôi binh lính và viên chức, sau đó thì ngân sách nhà nước còn được sử dụng làm công cụ để nhà nước can thiệp vào nền kinh tế xã hội. Thông qua các khoản thu và các khoản chi thì nhà nước thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế và hạn chế sự phát triển của ngành hay lĩnh vực nào đó, hoặc hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện cho ngành hoặc lĩnh vực nào đó phát triển theo chính sách của nhà nước. Như vậy thì ngân sách nhà nước ra đời xuất phát từ yêu cầu thực hiện chức năng của nhà nước, nhằm đắp ứng các nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Ngân sách nhà nước đã trở thành phương tiện vật chất duy trì sự tồn tại và hoạt động của bộ máy nhà nước và thực hiện vai trò điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội. Nhìn chung thì ngân sách nhà nước được đặc trưng bằng sự vận động của các nguồn tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ thuộc sở hữu nhà nước – hay còn gọi là ngân sách nhà nước – để phục vụ cho việc thực hiện chức năng của nhà nước. Ngân sách nhà nước phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế giữa nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội phát sinh do nhà nước tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn tài chính quốc gia nhằm bảo đảm yêu cầu thực hiện các chức năng và quản lý kinh tế xã hội của nhà nước theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp là chủ yếu. Nhìn chung thì khi nói đến ngân sách nhà nước, sẽ có ba yếu tố cơ bản để đề cập:
– Ngân sách nhà nước là văn kiện nhà nước dự trù và cho phép thực hiện các khoản thu – chi của quốc gia và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Kết cấu của ngân sách nhà nước gồm các khoản thu và các khoản chi trong dự toán, các khoản thu chi này phản ánh thái độ của nhà nước trong việc tập trung của cải xã hội vào quỹ ngân sách nhà nước vì mục đích chi tiêu của nhà nước;
– Ngân sách nhà nước có tính biên độ, tức là được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.
Như vậy có thể hiểu, phân cấp ngân sách nhà nước là nhu cầu nội tại của hoạt động quản lý ngân sách nên nhà nước nào cũng phải tiến hành. Tiền đề xuất hiện khái niệm phân cấp ngân sách nhà nước bắt nguồn từ đặc trưng của nhà nước đó là “phân chia dân cư theo lãnh thổ thành các đơn vị hành chính và không phụ thuộc vào chính kiến hay huyết thống, nghề nghiệp hay giới tính…”. Trên cơ sở sự phân chia, có địa bàn, có dân cư, nhà nước thiết lập quyền lực công cộng tác động trong phạm vi đơn vị hành chính lãnh thổ. Khi đã có tổ chức bộ máy nhà nước thì phải có chức năng nhiệm vụ và kinh phí hoạt động. Sự phân định nhiệm vụ quyền hạn về ngân sách cho các cấp chính quyền làm nảy sinh hoạt động phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Hiện nay thì nước ta đang phân cấp ngân sách nhà nước thành hai cấp đó là, ngân sách nhà nước trung ương và ngân sách nhà nước địa phương.
1.2. Ngân sách địa phương được hiểu như thế nào?
Theo quy định của pháp luật cụ thể là tại Điều 4 của văn bản hợp nhất Luật Ngân sách nhà nước năm 2020, có thể hiểu rằng, ngân sách địa phương là một khái niệm để chỉ các khoản thu ngân sách của nhà nước phân cấp cho địa phương, để địa phương đó hưởng và thu bổ sung từ cấp ngân sách trung ương cho cấp ngân sách địa phương, và các khoản chi mà ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương. Trong đời sống xã hội hiện nay thì quản lý ngân sách địa phương được xem là một vấn đề quan trọng và thiết yếu. Chính quyền địa phương sử dụng nguồn ngân sách này vào nhiều mục đích khác nhau, trước hết là để duy trì bộ máy hoạt động của địa phương, phục vụ cho chức năng và nhiệm vụ nhất định của từng địa phương. Nhìn chung thì ngân sách địa phương mang những vai trò cơ bản sau đây:
– Duy trì sự tồn tại và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương;
– Đảm bảo cho quá trình thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của chính quyền địa phương;
– Tác động tới sự ổn định và phát triển bền vững của nguồn tài chính quốc gia.
Bởi thế mà quản lý ngân sách địa phương là tập trung nguồn tài chính, hình thành quỹ ngân sách của địa phương (căn cứ vào các chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền của địa phương được phân định theo quy định của pháp luật) và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn ngân sách đó một cách hợp lý, có hiệu quả nhằm thực hiện các yêu cầu của nhà nước giao cho địa phương, và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
2. Quy định pháp luật về thu chi ngân sách địa phương:
2.1. Các khoản thu chi của cấp ngân sách địa phương:
Thứ nhất, các khoản thu của ngân sách địa phương. Khác với các khoản thu của ngân sách trung ương thì nguồn thu của ngân sách địa phương được chia thành ba nhóm: những nguồn thu được tập trung toàn bộ vào ngân sách địa phương, nguồn thu theo tỷ lệ phần trăm, và nguồn thu bổ sung từ ngân sách cấp trên. Cụ thể như sau:
– Các khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng toàn bộ bao gồm: các loại thuế và các khoản tiền thu có liên quan đến đất và các loại tài nguyên, thuế môn bài và lệ phí trước bạ, lệ phí do địa phương đó thu, các khoản thu xuất phát từ hoạt động xổ số kiến thiết hoặc thu hồi vốn của địa phương, thu từ việc viện trợ trực tiếp cho các địa phương hoặc đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân, nguồn thu kết dư từ ngân sách địa phương, hoặc thu chuyển nguồn của ngân sách địa phương từ năm trước sang năm sau;
– Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: thường bao gồm những nguồn thu về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả các loại thuế của các nhà thầu phụ phát sinh từ các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu và khí), thuế thu nhập cá nhân và thuế tiêu thụ đặc biệt;
– Nguồn thu bổ sung từ ngân sách cấp trên: nguồn thu này được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, hỗ trợ cho quá trình xây dựng dự án đầu tư lớn của địa phương, khắc phục các hậu quả thiên tai và thảm họa trên diện rộng, hoặc khi mà ngân sách địa phương đã được sử dụng kiệt quệ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu…
Thứ hai, các khoản chi của ngân sách địa phương. Theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước thì các khoản chi của ngân sách địa phương bao gồm nhiều loại và được chia thành nhiều nhóm nhiệm vụ chi lớn: chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên (ví dụ như chi cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục và đào tạo nghề, y tế và thể dục thể thao, chi cho hoạt động sự nghiệp kinh tế của nhà nước và hoạt động an ninh quốc phòng…), chi trả nợ gốc và các khoản lãi huy động cho đầu tư xây dựng của địa phương, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của cấp tỉnh và chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới. Văn bản hợp nhất Luật Ngân sách nhà nước Việt Nam hiện nay đã quy định thêm hai nhiệm vụ chi mới đó là chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách địa phương và chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ luật định. Như vậy thì so với nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương thì nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương có phần nhẹ nhàng hơn cả về các khoản mục chi cũng như nội dung của từng khoản mục chi. Điều đó có thể thấy rõ qua danh mục các nhiệm vụ chi ngân sách của trung ương và địa phương. Ví dụ như, địa phương không có nhiệm vụ chi viện trợ và chi cho vay như trung ương. Điều đó còn thể hiện trong nội dung của từng khoản mục chi vì từng khoản mục, nội dung chi của trung ương bao gồm cả những khoản chi mà nội dung tri của địa phương không có.
2.2. Phân phối nguồn thu chi của ngân sách địa phương:
Việc phân giao cụ thể nguồn thu và nhiệm vụ chi cho cấp ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Như vậy thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chủ động phân phối thu chi cho cấp ngân sách địa phương trên cơ sở căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà mình quản lý. Căn cứ theo Điều 34 của văn bản hợp nhất Luật Ngân sách nhà nước năm 2020 hiện hành thì việc phân bổ thu chi cho cấp ngân sách địa phương được thực hiện như sau:
– Việc phân bổ nguồn thu và nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách địa phương phải phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng cũng như với trình độ quản lý của từng địa phương nhất định;
– Việc phân chia nguồn thu cho cấp ngân sách địa phương phải thỏa mãn tỷ lệ tối thiểu mà pháp luật có quy định sẵn;
– Khi quyết định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là hội đồng nhân dân tỉnh phải căn cứ vào tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu do Thủ tướng chính phủ giao và các nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng toàn bộ;
– Ngoài ra thì khi phân giao nhiệm vụ chi cho cấp ngân sách địa phương, phải có nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cho các công trình công cộng phục vụ cho các ngành giáo dục hoặc cho hoạt động giao thông đô thị và cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng khác.
3. Quá trình phân chia nguồn thu và nhiệm vụ chi cho cấp ngân sách địa phương:
Nhìn chung thì quản lý ngân sách địa phương bao gồm ba giai đoạn, Chu trình thực hiện như sau:
Bước 1: Lập dự toán ngân sách. Mục tiêu cơ bản của việc lập dự toán ngân sách là nhằm tính toán đúng đắn ngân sách trong kỳ kế hoạch sắp tới sao cho có căn cứ khoa học. Lập dự toán ngân sách địa phương cần phải dựa vào các căn cứ sau đây:
– Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của chính quyền địa phương trong năm kế hoạch và những năm tiếp theo. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đồng thời cũng là nơi sử dụng các khoản chi ngân sách địa phương;
– Căn cứ vào kết quả đánh giá và phân tích tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách địa phương của các năm trước đó, đặc biệt là của năm báo cáo, kết hợp các chính sách, chế độ và các tiêu chuẩn định mức cụ thể về nguồn thu chi tài chính của nhà nước.
Bước 2: Chấp hành ngân sách nhà nước. Cơ quan thu ngân sách địa phương có nhiệm vụ và quyền hạn, đó là phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức thu đúng quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của Uỷ ban nhân dân và sự giám sát của Hội đồng nhân dân về công tác thu ngân sách tại địa phương, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc phường và các tổ chức thành viên tuyên truyền và vận động tổ chức cá nhân thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Quyết toán ngân sách. Số liệu quyết toán ngân sách bao gồm số liệu quyết toán thu ngân sách được nộp và hạch toán tại kho bạc nhà nước. Đơn vị dự toán cấp dưới sẽ lập báo cáo quyết toán theo chế độ quy định và gửi lên đơn vị dự toán cấp trên.
Các văn bản được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Ngân sách nhà nước năm 2020.
– Văn bản hợp nhất số 48/VBHN-BTC của Bộ Tài chính: Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của