Bồi thường không chỉ xuất hiện trong gia dịch dân sự mà còn xuất hiện cả trong hình sự. Trong vụ án hình sự, nhiều người đặt ra câu hỏi, nếu như bị cáo không có tiền bồi thường thiệt hại thì phải làm sao?
Mục lục bài viết
1. Quy định về bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự:
Chế định bồi thường thiệt hại trong ban hình sự đã được pháp luật nước ta quy định từ lâu. Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bị hại. Theo đó có thể hiểu, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là trách nhiệm dân sự được giải quyết lồng ghép trong vụ án hình sự theo thủ tục luật định nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù về tổn thất vật chất và tổn thất tinh thần cho bên bị hại. Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 về nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Điều 584 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:
– Người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng hoặc sức khỏe, có hành vi dân phạm đến danh dự và nhân phẩm, xâm phạm đến uy tín và tài sản, hoặc quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại trên thực tế thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh đó xuất phát từ sự kiện bất khả kháng nằm ngoài ý chí của con người hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Trong trường hợp tài sản gây thiệt hại cho người khác thì những đối tượng được xác định là chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu tài sản hợp pháp phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về các đối tượng sau sẽ được yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự, bao gồm:
– Bị hại được xác định là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, thiệt hại về tinh thần hoặc thiệt hại về tài sản dưới bất kỳ hình thức, hoặc bị hại là cơ quan và tổ chức bị thiệt hại về tài sản, bị thiệt hại về uy tín do tội phạm gây ra trên thực tế hoặc đe dọa gây ra;
– Bị hại có quyền đề nghị hình phạt và mức bồi thường thiệt hại, có quyền đề nghị về các biện pháp bảo đảm bồi thường.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về nguyên đơn dân sự như sau:
– Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự được xác định là cá nhân hoặc cơ quan tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
– Nguyên đơn dân sự sẽ có quyền yêu cầu đề nghị mức bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại xảy ra trên thực tế và yêu cầu về các biện pháp bảo đảm bồi thường.
2. Nếu bị cáo không có tiền bồi thường thiệt hại thì làm sao?
Rất nhiều trường hợp bị cáo không có tiền để bồi thường thiệt hại cho bị hại. Vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị hại. Xét thấy trong trường hợp bị cáo không còn khả năng bồi thường thiệt hại trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước hết cần phải xác minh xem bị cáo có thuộc trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại hay không (trường hợp được xác định là miễn bồi thường thiệt hại bao gồm gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị hại). Nếu như xét thấy bị cáo không thuộc các trường hợp được miễn bồi thường thiệt hại thì căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Luật thi hành án dân sự năm 2022, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành án sẽ thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của bị cáo. Nội dung xác minh điều kiện thi hành án nhằm xem xét bị cao đó có tài sản nào khác hay không, hoặc có nguồn gốc công việc nào để tạo ra thu nhập bồi thường thiệt hại cho bị hại hay không. Sau khi đã xác minh được điều kiện của bị cáo, nếu cơ quan thi hành án nhận thấy bị cáo còn tài sản khác, tuy nhiên bị cáo không tự nguyện bồi thường, thì căn cứ theo quy định tại Điều 71 của Luật thi hành án dân sự năm 2022, cơ quan thi hành án cần phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp đối với bị cáo, biện pháp cưỡng chế thi hành án có thể áp dụng đối với bị cáo không tự nguyện thi hành án như sau:
– Khấu trừ tiền trong tài khoản, tiến hành hoạt động thu hồi hoặc xử lý tiền bạc các loại giấy tờ có giá của bị cáo;
– Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án theo bản án có hiệu lực của cơ quan nhà nước;
– Lập biên bản xử lý tài sản của người phải thi hành án, bao gồm cả tài sản đang do người thứ 03 nắm giữ;
– Khai thác tài sản của người phải thi hành án trên thực tế;
– Buộc phải chuyển giao vật và chuyển giao quyền sở hữu tài sản, chuyển giao giấy tờ;
– Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nào đó nhất định.
Tuy nhiên trong trường hợp, qua thống kê, cơ quan thi hành án sẽ thấy bị cáo không còn tài sản nào khác và không thể khai thác được tài sản của bị cáo thì căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Luật thi hành án dân sự năm 2022, các chấp hành viên sẽ thực hiện như sau: Trường hợp xét thấy bị cáo chưa có điều kiện thi hành án trên thực tế thì ít nhất 06 tháng một lần theo quy định của pháp luật, các chấp hành viên cần phải xác minh điều kiện thi hành án của bị cáo, trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp xét thấy bị cáo còn tài sản, cơ quan thi hành án sẽ kiểm kê và bán đấu giá tài sản để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại. Nhưng nếu trong trường hợp bị cáo không còn tài sản, không ai trả nợ thay cho bị cáo thì bị cáo sẽ thuộc vào trường hợp không có khả năng thi hành án. Nếu như các bị cáo rơi vào trường hợp không có đủ khả năng thi hành án thì sẽ được xem xét để giảm mức bồi thường. Phương thức xử lý trong trường hợp này như sau:
– Các bên ngồi lại thỏa thuận và thương lượng. Về nguyên tắc pháp luật luôn luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, nếu như các bên có thể thỏa thuận về vấn đề giảm mức bồi thường cho bị cáo thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó;
– Thiệt hại quá lớn với khả năng kinh tế của bị cáo, trong trường hợp này thì bị cáo sẽ chỉ được giảm mức bồi thường nếu xét thấy bị cáo không có lỗi có lỗi vô ý với thiệt hại mà mình gây ra;
– Khi bên thiệt hại cũng có lỗi trong vấn đề để xảy ra thiệt hại trên thực tế, người gây ra thiệt hại không phải bồi thường phần thiệt hại do lỗi của người bị thiệt hại gây ra;
– Khi tình hình thực tế không còn phù hợp với mức bồi thường mà bị cáo phải gánh chịu, như lạm phát hoặc trượt giá … Khi đó, một trong các bên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án thay đổi mức bồi thường sao cho phù hợp.
Có thể nói, việc bồi thường được thực hiện trong phạm vi tài sản của người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong trường hợp bị cáo không có khả năng bồi thường thì có thể thỏa thuận lại với người bị hại để giảm mức bồi thường. Nếu như bị hay không đồng ý về vấn đề giảm mức bồi thường phù hợp với khả năng của bị cáo thì vẫn phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi thường theo bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của pháp luật. Khả năng bồi thường của bị cáo đến đâu sẽ thực hiện đến đó. Vấn đề xác minh điều kiện thi hành án của bị cáo sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo thời gian luật định.
3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại của bị cáo:
Theo như phân tích ở trên, căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về bồi thường dân sự trong vụ án hình sự. Theo đó, thì việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng lúc, trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị hại mà chưa có điều kiện chứng minh và không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự một cách độc lập. Theo đó có thể nói, mặc dù phải thi hành án ngồi tù, tuy nhiên ngồi tù và bồi thường thiệt hại là hai trách nhiệm riêng biệt của người phạm tội trong vụ án hình sự. Do vậy mặc dù, phải đi tù, nhưng người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu có thiệt hại xảy ra trên thực tế. Nguyên tắc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 585 của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường một cách toàn bộ và kịp thời, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bị thiệt hại, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, thỏa thuận về các hình thức bồi thường, có thể bồi thường bằng tiền hoặc bằng hiện vật hoặc bằng một công việc nhất định, phương thức bồi thường có thể một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu như xét thấy thiệt hại xảy ra có lỗi vô ý hoặc thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây ra thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;
– Khi bên bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì sẽ không được bồi thường đối với phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
– Bên có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm không được bồi thường nếu như xét thấy thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết và hợp lý để ngăn chặn cũng như hạn chế thiệt hại cho chính bản thân mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Luật Thi hành án dân sự năm 2022.