Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, được Luật doanh nghiệp thừa nhận và bảo vệ, chủ sở hữu công ty và công ty được xem là hai thực thể pháp lý độc lập. Vậy nên mở công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên hay công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên?
Mục lục bài viết
1. Nên mở công ty TNHH 1 thành viên hay 2 thành viên?
Để có thể giải đáp cho thắc mắc nên mở công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, cần phải tìm hiểu những điểm giống nhau và điểm khác nhau giữa hai loại hình công ty này. Cụ thể như sau:
1.1. Điểm giống nhau của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên:
– Cả hai đều có tư cách pháp nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp;
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên đều không được quyền phát hành trái phiếu, đây là điểm khác biệt cơ bản với loại hình công ty cổ phần;
– Chủ sở hữu đều phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn của mình;
– Có thể điều chỉnh hoạt động tăng vốn điều lệ hoặc giảm vốn điều lệ của công ty, đồng thời không bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát trong công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, phá sản và giải thể đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên tương tự giống nhau;
– Không được quyền phát hành cổ phần, ngoại trừ trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện thủ tục chuyển đổi sang công ty cổ phần.
1.2. Điểm khác nhau giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên:
So sánh theo các tiêu chí trong bảng dưới đây:
Tiêu chí | Công ty TNHH 1 thành viên | Công ty TNHH 2 thành viên trở lên |
Số lượng thành viên | Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, sẽ do một cá nhân hoặc một tổ chức góp vốn và đồng thời làm chủ sở hữu. | Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, do nhiều thành viên là cá nhân hoặc nhiều thành viên là tổ chức cùng nhau góp vốn và làm chủ sở hữu. Số lượng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên tối thiểu phải là 02 thành viên và không được vượt quá tối đa là 50 thành viên. |
Tăng hoặc giảm vốn điều lệ | Công ty trách nhiệm hữu hạn tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực tiếp góp thêm vốn vào công ty hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quyết định trực tiếp và hình thức tăng vốn điều lệ và mức tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên cần phải lưu ý, trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác vào công ty, công ty cần phải thực hiện thủ tục chuyển đổi thành loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
| Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể huy động vốn điều lệ trong các trường hợp sau: – Tăng vốn góp của các thành viên trong công ty; – Tiếp nhận thêm vốn góp của các thành viên mới. |
Quyền chuyển nhượng vốn góp | Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoàn toàn có quyền chuyển nhượng hoặc định đoạt toàn bộ, chuyển nhượng hoặc định đoạt một phần vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn. | Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác thì cần phải thực hiện thủ tục chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo đó, các thành viên còn lại trong công ty sẽ có quyền ưu tiên mua trong khoảng thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày chào bán, sau đó nếu các thành viên không mua, thì mới có quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba với cùng điều khoản đã chào bán cho các thành viên trong công ty. |
Cơ cấu tổ chức | Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không bắt buộc phải có hội đồng thành viên. Trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một tổ chức làm chủ sở hữu thì sẽ được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau: – Chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc; – Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc. | Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bao gồm hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty, chủ tịch hội đồng thành viên. |
Trách nhiệm đối với vốn góp | Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty đó. | Thành viên trong công ty sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty. |
Như vậy, có thể thấy rõ ràng các điểm khác biệt cơ bản giữa loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, đặc trưng nhất đó là số lượng thành viên của 02 công ty này.
Vì vậy, nếu cá nhân hoặc tổ chức muốn mình trở thành người duy nhất sở hữu và kiểm soát công ty thì bạn nên chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đây được xem là lựa chọn phù hợp nhất.
Tuy nhiên, ngược lại nếu bạn muốn huy động nguồn vốn bổ sung từ nhiều thành phần khác nhau trong công ty thì bạn nên chọn hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, khi đó bạn có thể mở rộng nguồn vốn đóng góp của các thành viên vào công ty.
2. Đánh giá ưu, nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên:
Có thể đánh giá một số yêu điểm và nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên như sau:
Thứ nhất, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:
– Về ưu điểm. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ hoàn toàn có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp mà mình đã góp vào công ty, từ đó hạn chế rủi ro cho trụ sở công ty. Đồng thời, số lượng thành viên trong công ty không nhiều, vì vậy hoạt động quản lý công ty sẽ dễ dàng và cơ cấu tổ chức đơn giản hơn rất nhiều;
– Về nhược điểm. Quy trình chuyển nhượng vốn cần phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật, việc huy động vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhìn chung sẽ khó khăn hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác, đồng thời công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần, đây được xem là một nhược điểm hạn chế khả năng huy động vốn của loại hình công ty này.
Thứ hai, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
– Về ưu điểm, số lượng thành viên nhiều, thuận lợi hơn cho hoạt động huy động vốn, chủ thể đang muốn kinh doanh trong phạm vi vừa/nhỏ hoặc các chủ thể không có nhu cầu phát hành cổ phần thì lựa chọn mô hình này là rất phù hợp;
– Về nhược điểm. Do số lượng thành viên nhiều vì vậy cơ cấu tổ chức của công ty sẽ phức tạp hơn, quy trình chuyển nhượng có tính chặt chẽ hơn. Đồng thời số lượng tối đa các thành viên trong công ty bị giới hạn trong một phạm vi nhất định, vì vậy không thể thêm người nếu có nhu cầu mở rộng phạm vi kinh doanh, khi có nhu cầu mở rộng nhiều hơn phạm vi tối đa thành viên thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần.
3. Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 79 của Văn bản hợp nhất
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu sẽ được tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình sau:
+ Chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc;
+ Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc.
– Đối với công ty có trụ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Văn bản hợp nhất
– Công ty bắt buộc phải có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh như: Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, giám đốc công ty, tổng giám đốc công ty. Trong trường hợp điều luật của công ty không quy định cụ thể thì chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty sẽ được xác định là người đại diện theo pháp luật của công ty đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: