Mỹ muốn thiết lập trật tự thế giới thế nào sau Chiến tranh lạnh?

Mỹ là một siêu cường quốc trên thế giới với sự xâm chiếm về đường lối chính trị, đặc biệt sau chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ đã thiết lập nên trật tự thế giới mới. Tuy nhiên liệu cho đến hiện nay, trật tự thế giới đó liệu có được duy trì không?

1. Chiến tranh lạnh là gì? 

Năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự thất bại thuộc về phe phát-xít, các nước châu Âu bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, Anh và Pháp mất dần vị thế và tầm ảnh hưởng đối với các khu vực thuộc địa cũ. Trái ngược thì Liên Xô và Mỹ nổi lên là siêu cường thế giới nhưng lại mang hai hệ tư tưởng chính trị đối lập nhau. Chính sự trái ngược này đã khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử với tên gọi “Chiến tranh lạnh”. Chiến tranh lạnh diễn ra từ năm 1947 đến năm 1991. 

2. Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh lạnh:

Nguyên nhân chính dẫn tới cuộc chiến tranh lạnh là vì sự đối lập mục tiêu, chiến lược xây dựng thế giới của hai cường quốc là Mỹ với Liên Xô. Trong đó:

Mỹ có chủ chương chính: Chống phá lại Liên Xô với phe Xã hội chủ nghĩa, chống lại phong trào cách mạng để mưu đồ sẽ là bá chủ thế giới; Mỹ xác định và lo ngại trước sự ảnh hưởng của Liên Xô cùng với các nước Đông Âu đến cục diện của thế giới khi chứng kiến sự thắng lợi của cuộc cách mạng Trung Quốc ở Châu Á giúp cho chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống nối liền từ Đông Âu sang tới Đông Á; Điều này sẽ là một trở ngại lớn đến việc thực hiện mưu đồ làm bá chủ thế giới của Mỹ. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc Mỹ là nước tư bản giàu mạnh nhất, quốc gia này nắm độc quyền về vũ khí nguyên tử nên đã cho mình có quyền được phép lãnh đạo thế giới.

Một số biện pháp Mỹ sử dụng để mưu đồ chống lại Liên Xô như:

–  Sự ra đời của kế hoạch Mácsan.

–  Việc thành lập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chủ chương của Liên Xô: Không giống như Mỹ mong muốn của Liên Xô là duy trì hòa bình – an ninh thế giới và ra sức bảo vệ thành quả mà chủ nghĩa xã hội đã có được, cũng như đẩy mạnh phát triển phong trào cách mạng của các dân tộc trên thế giới. Chính vì điều này mà hai nước Mỹ và Liên Xô không đội trời chung về tư tưởng và luôn mong muốn kìm hãm gạt bỏ nhau. 

3. Tác động của chiến tranh lạnh:

Tình hình:

Các cuộc chạy đua vũ trang trong suốt quá trình chiến tranh lạnh làm tiêu hao kinh tế khiến cho con người phải chịu đựng sự khó khăn do đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai và ô nhiễm môi trường do sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, các cuộc chạy đua khoa học kĩ thuật mang lại cho nhân loại nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt nhất là khoa học vũ trụ, con người lần đầu tiên đưa tàu không gian ra ngoài Trái Đất có thể đặt chân lên một hành tinh khác. Nhiều công trình khoa học được phát minh, tạo tiền đề cho sự phát triển văn minh nhân loại về sau. Trong gian chiến tranh lạnh xảy ra, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phát triển ngày càng mạnh mẽ và lan rộng ra khắp thế giới. Từ  cuối thế kỷ XX và sang và sang thế kỉ XIX, đa số các quốc gia trên thế giới đã giành được độc lập. Đồng thời là sự vươn lên của các nước như Trung Quốc, Nhật bản và các nước Tây Âu đã tạo ra các trung tâm kinh tế mới, đối trọng với Mỹ và làm thay đổi cán cân kinh tế. Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đã làm thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, làm tăng nhu cầu hợp tác quốc tế, xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển trở thành xu thế chung trên phạm vi toàn cầu.

Hậu quả:

– Sau khi cuộc chiến này kết thúc, thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Thậm chí có lúc còn đứng trước nguy cơ bùng nổ của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

– Bên cạnh đó, các cường quốc trong cuộc chiến này đã phải chi ra một khối lượng khổng lồ về tiền bạc và sức người để chế tạo ra các loại vũ khí hủy diệt phục vụ chiến tranh.

– Đời sống nhân dân của nhiều nước bị giảm sút nghiêm trọng. Đồng thời, tình hình xã hội cũng luôn xảy ra sự bất ổn do phải đầu tư quá nhiều về kinh phí và sức người phục vụ cho cuộc chạy đua vũ trang cũng như tham vọng của giới cầm quyền.

– Chiến tranh lạnh kết thúc, khi cả đôi bên đã quá mệt mỏi và tiêu tốn nhiều tiền của. Trong đó, chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các Liên Xô và các nước Đông Âu. Cục diện thế giới mới được hình thành, kéo theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội.

4. Mỹ muốn thiết lập trật tự thế giới nào sau chiến tranh lạnh:

Trật tự thế giới được xem như tiêu chí cơ bản định đoạt thực trạng các mối quan hệ quốc tế hiện có hoặc sẽ có của thế giới. Trật tự này được xác lập bằng các hiệp ước, hiệp định và luật pháp quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Sự xác lập đó có thể thông qua con đường bạo lực hoặc không bạo lực, sử dụng sức mạnh quân sự hoặc thỏa hiệp ngoại giao. Vì vậy, trật tự thế giới thường phản ánh thế so sánh lực lượng giữa các quốc gia dân tộc, giữa các thế lực chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự to lớn có ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.

Quan niệm về trật tự thế giới chỉ mang tính tương đối. Vì rằng trật tự thế giới là cái vừa định hình vừa khó định hình; vừa cụ thể vừa trừu tượng; vừa tương đối ổn định vừa không ổn định với hàm nghĩa linh hoạt. Trong năm thế kỷ qua, lịch sử thế giới đã diễn ra sáu thời kỳ trật tự đa cực và chỉ một lần là hai cực. Thời kỳ trật tự hai cực do Liên Xô và Mỹ đứng đầu mỗi cực. Nhưng ngay từ những năm 60, 70 thế kỷ XX cũng đã có đánh giá thế giới đang chuyển sang đa cực, khi xuất hiện 2 trung tâm kinh tế mới là Tây Âu, Nhật Bản và việc Trung Quốc công khai tách khỏi phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Có thể nói, vào thời gian đó đã xuất hiện hình thái chiến lược “hai siêu cường và nhiều cường quốc” cùng với trên một trăm nước mới thoát khỏi chế độ thuộc địa thực dân hợp thành phong trào Thế giới thứ ba trên vũ đài quốc tế.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại, đưa ra chiến lược toàn cầu mới, mưu toan thâu tóm toàn bộ thế giới vào “kỷ nguyên hòa bình Mỹ”, biến thế kỷ XXI là “Thế kỷ Mỹ”. Mưu đồ này được thể hiện trong bài báo “Thời điểm đơn cực” của Nhà báo Mỹ C. Crao-tham-mơ trên tờ Các vấn đề đối ngoại số 1/1991 và được nhấn mạnh như sau: “Thế giới sau chiến tranh lạnh không phải là đa cực mà là đơn cực. Mỹ là siêu cường duy nhất có sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế không ai có thể thách thức và là tay chơi quyết định trong bất cứ cuộc xung đột nào ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà Mỹ dính líu vào”(2). Như vậy, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, khái niệm và chiến lược đơn cực mang ý nghĩa tuyệt đối, không phù hợp với hình thái chiến lược mới và không được dư luận quốc tế đồng tình, đi vào ngõ cụt. Vì thế, một quan niệm mới xuất hiện mang tên “Thế giới một siêu cường nhiều cường quốc”. Song, thực chất không có gì khác so với khái niệm thế giới đơn cực với hàm nghĩa tương đối.

Với chiến lược “Vượt trên ngăn chặn”, “Vượt lên hòa bình”, Tổng thống G. Bu-sơ (cha) ngày 11-9-1990 tuyên bố “thiết lập trật tự thế giới mới”, phát động chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991) và đưa lực lượng tới đóng quân lâu dài ở Trung Đông. Không bằng lòng với chiến lược “Dính líu và mở rộng” của chính quyền B. Clin-tơn, bị xem là “ủy mị” “giữ nguyên trạng”. Chính quyền G. Bu-sơ (con) đưa ra chiến lược toàn cầu mới với 3 nội dung cốt lõi: mở rộng quyền đơn phương đánh đòn phủ đầu thành học thuyết chiến tranh phòng ngừa mới; dân chủ hóa các nước Hồi giáo Trung Đông và thay đổi chế độ chính trị ở các nước mà Mỹ liệt vào “Trục ác quỷ” dám chống lại Mỹ; thực hành ngoại giao đơn phương, giảm bớt sự tùy thuộc của Mỹ vào các liên minh truyền thống và các tổ chức quốc tế kể cả Liên hợp quốc. Những yếu tố này được thể chế hóa trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2002. Dựa chủ yếu vào thế lực “bảo thủ mới” trong Đảng Cộng hòa, Tổng thống G. Bu-sơ (con) ngang nhiên tuyên bố với thế giới rằng các nước không thể giữ thái độ mập mờ, mà phải lựa chọn hoặc Mỹ hoặc các thế lực chủ nghĩa khủng bố. Sau chiến tranh chống lực lượng Ta-li-ban ở áp-ga-ni-xtan, bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước đồng minh (Pháp, Đức…), Mỹ đã phát động chiến tranh ồ ạt, chớp nhoáng xâm lược Iraq (3-2003). Tuy lật đổ được Tổng thống X. Hu-xê-in và mặc dù duy trì liên tục một đội quân chiếm đóng lớn trang bị vũ khí công nghệ cao tối tân nhất nhưng Mỹ vẫn bị sa lầy, lính Mỹ bị chết và thương vong nhiều, chi phí tốn kém hơn bất cứ cuộc chiến tranh cục bộ nào của Mỹ trước đây.

Như vậy, từ năm 1991 tới khi xâm lược Iraq (3-2003), trước các đối thủ tiềm tàng như Nga bị suy yếu nghiêm trọng, Trung Quốc mới bắt đầu trỗi dậy, Ấn Độ chưa ra khỏi thời kỳ kinh tế trì trệ, Nhật Bản lâm vào suy thoái kéo dài, Liên minh châu Âu bị chia rẽ, Mỹ là đế quốc toàn cầu có sức mạnh áp đảo so với bất cứ đối thủ cạnh tranh nào khác, đã ngang nhiên tìm cách thao túng tình hình quốc tế, tìm cách thọc sâu vào không gian hậu Xô-viết, mưu toan thực hiện chiến lược đơn cực, đơn phương bá chủ thế giới.

5. Thế giới đơn cực đang dần dịch chuyển sang đa cực:

Vị thế siêu cường của Mỹ giảm sút

Mấy năm gần đây, dư luận quốc tế, kể cả Báo cáo “Kế hoạch đến năm 2020” (Project 2020) của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (công bố ngày 6-1-2005), đều có đánh giá tương đối thống nhất như “Chủ nghĩa khu vực mới: dịch chuyển tới đa cực”, “Một siêu cường kém siêu cường hơn”, “Siêu cường duy nhất đang tụt dốc, thế giới đa cực đang lên”, “Quyền lực của Mỹ đang xói mòn”… Sự suy yếu vị thế siêu cường của Mỹ thể hiện trên nhiều mặt. Về quân sự, với một lực lượng hùng hậu chiếm đóng Iraq, lực lượng Mỹ bị căng kéo dàn trải, tạo ra mối nghi ngờ là Mỹ khó lòng phát động một đòn đánh phủ đầu mới ở nơi khác. Qua cuộc chiến tranh Iraq và Áp-ga-ni-xtan, lực lượng quân sự Mỹ bộc lộ nhiều hạn chế và dễ bị tổn thương. Về kinh tế thể hiện nhiều điểm yếu như: đồng đô-la Mỹ bị suy giảm, ngoại thương và ngân sách thường xuyên bị thâm hụt, Mỹ từng là chủ nợ chuyển thành con nợ khổng lồ ở cả trong và ngoài nước. Về văn hóa, đạo lý, Mỹ đã bất chấp luật pháp quốc tế, thi hành chính sách ngoại giao đơn phương, không chịu ký nhiều hiệp ước quốc tế, nhất là hiệp định Ki-ô-tô về giảm khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính, đàn áp dã man tù nhân ở Abu Gra-ip (I-rắc) và Guan-ta-na-mô (Cu-ba), thu hẹp dân chủ ở trong nước…

Hậu quả là chỉ số tín nhiệm của nhân dân thế giới kể cả Tây Âu đối với Mỹ ở mức thấp nhất từ trước đến nay. ở trong nước, nhân dân Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, ngày càng chống lại việc đưa con em họ tới Iraq; Đảng Dân chủ đã đánh bại Đảng Cộng hòa của Tổng thống G. Bu-sơ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thứ hai (2006).

Bước sang nhiệm kỳ hai, đúng như dự báo của “Kế hoạch đến 2020”, Chính quyền G. Bu-sơ đã phải điều chỉnh chính sách đối ngoại bá quyền, gạt ra khỏi bộ máy quyền lực nhiều nhân vật bảo thủ mới, tìm cách hàn gắn mâu thuẫn với châu Âu “cũ” và linh hoạt hơn trong chính sách dân chủ hóa Trung Đông và “Trục ma quỷ”.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các cường quốc

Đồng thời với sự suy giảm vị thế chiến lược của Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu là sự vươn lên mạnh mẽ của các nước mới trỗi dậy, bao gồm các nước thuộc Liên Xô – Đông Âu cũ, bốn con rồng châu á, Trung Quốc, ấn Độ, Brazil và các nước đang phát triển. Kể từ năm 2005, GDP của “thế giới” mới trỗi dậy – tính theo sức mua tương đương – chiếm trên 50% GDP toàn cầu, tức vượt GDP tính theo sức mua tương đương của các nước phát triển. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái con số trên là 30%. Với cách tính này, GDP của “thế giới” mới trỗi dậy cũng chiếm trên một nửa sự tăng trưởng của sản lượng toàn thế giới năm 2005.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )