Mượn xe của bạn đi cầm cố bị xử lý như thế nào? Quy định về cấm cố tài sản.
Mượn xe của bạn đi cầm cố bị xử lý như thế nào? Quy định về cấm cố tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Em xin phép hỏi vấn đề như sau: Em trai em cho bạn làm cùng mượn 1 chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng và bị người bạn đó mang đi cắm ở hiệu cầm đồ (giấy tờ xe để trong cốp xe nên hiệu cầm đồ đã giữ). Em đã báo công an phường nhưng họ hẹn nay hẹn mai vẫn chưa lấy xe ở hiệu cầm đồ ra. Cho em hỏi là cứ kéo dài thời giạn như vậy thì hiệu cầm đồ có bán xe của em trai em đi không? Và giờ em phải làm gì để lấy được xe ra? (Em biết hiệu mà xe bị mang đi cầm và xe vẫn còn trong hiệu. Còn người bạn mang xe đi cầm kia đã trốn). Em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ Điều 512 Bộ luật dân sự 2005: "Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được."
Em trai bạn cho người khác mượn xe nghĩa là cho phép người đó được sử dụng chiếc xe trong một khoảng thời gian hợp lý.
Điều 326 Bộ luật dân sự 2005:“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
Em trai bạn chỉ cho mượn (cho phép sử dụng xe trong một thời gian nhất định) nhưng không đồng ý cho người đó mang xe đi cầm cố nên người đó không có quyền cầm cố xe của bạn. Như vậy, việc cầm cố giữa người cầm cố và người nhận cầm cố không có giá trị vì người mang xe đi cầm cố không có quyền cầm cố.
Như vậy, người nhận cầm cố là người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Theo quy định tại Điều 256 Bộ luật dân sự 2005: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó. Trong trường hợp này em trai bạn có quyền yêu cầu người đang nhận cầm cố chiếc xe trả lại xe cho mình, nếu họ không trả lại thì em trai bạn có quyền khởi kiện tại tòa án để được giải quyết.
Hiện nay, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 144/2016/QH13 lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015, nay vẫn áp dụng quy định tại Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009. Như bạn trình bày, người này tự ý mang xe của em bạn đi cầm cố, không có sự đồng ý của em bạn thì người này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.
– Nếu trước khi mượn xe máy, người bạn này đã có ý định chiếm đoạt tài sản thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009:
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
– Nếu sau khi mượn xe xong, người bạn này đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưnggây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này."
Để đảm bảo quyền lợi cho em bạn, em bạn nên làm đơn tố cáo gửi tới Cơ quan công an cấp huyện nơi em bạn đang sinh sống hoặc nơi người bạn mượn xe cư trú cuối cùng để yêu cầu giải quyết.