Hiện nay, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, có thể là do hoàn cảnh khó khăn hoặc không đủ khả năng tài chính để có thể lo cho con cái một cuộc sống tốt nhất, cha mẹ đẻ đã có mong muốn cho con làm con nuôi của một gia đình khác. Vậy muốn cho con đi làm con nuôi thì cần phải làm như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Muốn cho con đi làm con nuôi thì phải làm thế nào?
Trước hết, con nuôi theo quy định của pháp luật là khái niệm để chỉ người được nhận làm con nuôi sau khi thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và chấp nhận. Khi đó, việc nuôi con nuôi sẽ là sự kiện pháp lí xác lập mối quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Trên thực tế, với mong muốn để cho con cái có một môi trường phát triển tốt hơn, nhiều gia đình đã có nhu cầu cho con được trở thành con nuôi trong một gia đình khác. Khi có nhu cầu muốn con đi làm con nuôi tại một gia đình khác, cha mẹ đẻ cần phải thực hiện được các thủ tục do pháp luật quy định. Cụ thể như sau:
Bước 1: Xem xét điều kiện để trở thành con nuôi của người con. Nếu nhận thấy người còn đáp ứng đầy đủ điều kiện để có thể trở thành con nuôi thì sẽ chuẩn bị bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định về thành phần hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước. Theo đó, cha mẹ đẻ cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ và tài liệu sau đây:
– Giấy khai sinh của người được giới thiệu làm con nuôi;
– Giấy khám sức khỏe của người được giới thiệu làm con nuôi do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp huyện trở lên cung cấp;
– Ảnh chụp toàn thân, nhìn thẳng của người được giới thiệu làm con nuôi, có thời gian không vượt quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
– Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở các cơ sở nuôi dưỡng;
– Trong trường hợp con được làm con nuôi có yếu tố nước ngoài thì cha mẹ đẻ cần phải chuẩn bị thêm các loại giấy tờ căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Luật nuôi con nuôi năm 2010, văn bản thể hiện đặc điểm và sở thích thói quen đáng lưu ý của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi, các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh đã thực hiện hoạt động tìm kiếm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em tuy nhiên không thành công.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cha mẹ đẻ còn phải nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền đó là Sở tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Khi nhận thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, sau đó giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch.
Bước 3: Tham gia lễ trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
2. Muốn cho con đi làm con nuôi thì cần phải xem xét điều kiện gì?
Trước hết, khi muốn cho con đi làm con nuôi, cha mẹ trẻ cần phải xem xét xem người con đó có đủ điều kiện để được nhận làm con nuôi hay không.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định về người được nhận làm con nuôi. Cụ thể bao gồm:
– Trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi;
– Đối với những trẻ em trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Được cha dượng nhận làm con nuôi hoặc được mẹ kế nhận làm con nuôi;
+ Được cô ruột, cậu ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột nhận làm con nuôi.
– Một người sẽ chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người đang trong mối quan hệ là vợ chồng;
– Nhà nước hiện nay khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, nhận trẻ em bị bỏ rơi hoặc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm con nuôi.
Theo đó thì có thể nói, nếu đứa trẻ đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nêu trên thì cha mẹ có thể xem xét để thực hiện thủ tục cho con đi làm con nuôi cho một gia đình khác. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định về sự đồng ý cho làm con nuôi. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc nhận nuôi con nuôi bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi, nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi đã chết hoặc mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì bắt buộc phải có sự đồng ý của người còn lại. Nếu trong trường hợp cả cha đẻ và mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi đều đã chết hoặc mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc đều không xác định được thì cần phải được sự đồng ý của những người giám hộ. Trong trường hợp trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên được nhận làm con nuôi thì cần phải được sự đồng ý của chính trẻ em đó.
Thứ hai, người đồng ý cho làm con nuôi phải được cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích của việc nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con sau khi người con đó được nhận làm con nuôi.
Thứ ba, sự đồng ý cần phải được thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện, không bị ép buộc, không bị đe dọa, không bị mua chuộc, vụ lợi hoặc không kèm theo bất kỳ yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất nào khác.
Thứ tư, cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi đứa trẻ đó đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.
Như vậy có thể nói, khi nhận con nuôi bắt buộc phải được sự đồng ý của cha mẹ trẻ, nếu đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên thì cha mẹ đẻ có thể xem xét để tiến hành thủ tục cho con đi làm con nuôi theo quy định tại Luật nuôi con nuôi năm 2010.
3. Hệ quả của việc nuôi con nuôi được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 24 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 có quy định cụ thể về hệ quả của việc nuôi con nuôi. Theo đó, hệ quả của việc nuôi con nuôi được quy định cụ thể như sau:
– Kể từ ngày giao nhận con nuôi phải giữa cha mẹ nuôi và người được nhận làm con nuôi phát sinh đầy đủ quyền/nghĩa vụ giữa cha mẹ và con theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, giữa con người và các thành viên khác trong gia đình của cha mẹ nuôi cũng sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, pháp luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải ra quyết định thay đổi họ tên của người được nhận làm con nuôi. Quá trình thay đổi họ tên của người được nhận làm con nuôi khi con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên bắt buộc phải được sự đồng ý của người con nuôi đó;
– Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi theo quy định của pháp luật sẽ được xác định theo dân tộc của cha mẹ nuôi;
– Ngoại trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, thì kể từ ngày giao nhận con nuôi trên thực tế, cha mẹ đẻ sẽ không còn quyền và nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng, nuôi dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, định đoạt tài sản riêng, quản lý tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
Theo đó thì có thể nói, khi thực hiện hoạt động nhận nuôi con nuôi, sẽ phát sinh đầy đủ các hệ quả của việc nuôi con nuôi theo như phân tích nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật nuôi con nuôi 2010;
–
–
– Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 19/2011 hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi.
THAM KHẢO THÊM: