Xe chạy theo tuyến, theo hợp đồng phải chạy đúng tuyến cố định, đúng lịch trình đã đăng ký. Vậy mức xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình:
1.1. Quy định đối với xe chạy theo tuyến, hợp đồng, du lịch:
Điều 20 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô quy định đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định như sau:
– Phải đáp ứng các quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;
– Được niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT;
– Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải:
+ Đảm bảo đúng theo thiết kế của xe;
+ Được đánh số thứ tự lớn dần từ phía trước đến phía sau xe.
– Trên xe phải:
+ Trang bị dụng cụ thoát hiểm;
+ Đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới pháp luật quy định.
– Có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH”.
– Phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm, các nội dung chính gồm:
+ Quy định dây an toàn phải được cài chặt trước khi xe chạy và hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có);
+ Hướng dẫn sắp xếp hành lý;
+ Bảng cấm hút thuốc lá trên xe;
+ Hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có);
+ Hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
– Trong cùng một thời điểm, mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 02 tuyến vận tải hành khách cố định và lưu ý rằng, các tuyến này được phép nối tiếp nhau (có bến xe nơi đến của tuyến đã kết thúc hành trình là bến xe nơi đi của tuyến tiếp theo).
Theo đó, đối với xe chạy theo tuyến thì bắt buộc phải chạy theo tuyến cố định đã đăng ký, nhưng sẽ có thế đăng ký 02 tuyến vận tải hành khách khác nhau tại một thời điểm và các tuyến này sẽ được phép nối tiếp nhau (có bến xe nơi đến của tuyến đã kết thúc hành trình là bến xe nơi đi của tuyến tiếp theo).
Còn đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch thì trách nhiệm người lái xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch là phải thực hiện vận chuyển hành khách theo đúng hành trình, lịch trình đã báo cáo với Sở Giao thông vận tải.
1.2. Mức xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình:
Như đã phân tích ở mục trên, đối với xe chạy theo tuyến phải chạy đúng tuyến cố định đã đăng ký, còn đối với xe chạy theo hợp đồng, du lịch thì phải vận chuyển hành khách theo đúng hành trình, lịch trình đã báo cáo với Sở Giao thông vận tải. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 23
Mức phạt trên là đối với cá nhân người điều khiển phương tiện mà theo quy định của pháp luật phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình như đã đăng ký, thông báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Còn đối với tổ chức kinh doanh vận tải sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, cá nhân kinh doanh vận tải sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến đăng ký; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải được quy định tại điểm d khoản 6 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt quy định, đồng thời tổ chức thực hiện hành vi vi phạm này (xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình) còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng cho đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm. Lưu ý rằng, nếu cá nhân kinh doanh vận tải là người trực tiếp điều khiển phương tiện mà có hành vi vi phạm này (xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình) còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Như vậy, mức xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình được quy định như sau:
– Mức xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình đối với người điều khiển phương tiện (người điều khiển phương tiện không đồng thời là cá nhân kinh doanh vận tải) là phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
– Mức xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình đối với tổ chức kinh doanh vận tải là 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
– Mức xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình đối với người điều khiển phương tiện đồng thời cũng là cá nhân kinh doanh vận tải là 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
2. Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình:
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình bao gồm có:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi quản lý của địa phương mình, bao gồm:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
– Thanh tra giao thông vận tải, người được giao tiến hành thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm:
+ Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ đang thi hành công vụ;
+ Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải;
+ Thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải;
+ Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải;
+ Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
3. Nguyên tắc xử lý đối với xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình:
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình được thực hiện như sau:
– Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình của những người có thẩm quyền đã nêu ở mục trên là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp mà phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và sẽ được xác định theo tỉ lệ phần trăm đối với chức danh đó. Trong trường hợp mà phạt tiền đối với vi phạm hành chính (xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình) trong khu vực nội thành thì những chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính (xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình) do Chính phủ quy định cũng sẽ có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với những hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành.
– Thẩm quyền phạt tiền của những người có thẩm quyền nêu trên được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể;
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương;
– Trong trường hợp vi phạm hành chính (xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình) thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện;
– Trường hợp vụ việc vi phạm hành chính (xe chạy không đúng tuyến, không đúng lịch trình) có nhiều hành vi vi phạm thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
+ Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với mỗi hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
+ Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong những hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải thực hiện chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;
+ Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc những ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 12/2020/TT-BGTVT tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô;
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt.