Dán nhãn năng lượng là hoạt động mang tính bắt buộc mà các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo thực hiện đối với sản phẩm của mình. Dưới đây là bài phân tích về mức xử phạt vi phạm về dán và sử dụng nhãn năng lượng.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định của pháp luật và dán nhãn năng lượng:
- 2 2. Mức xử phạt vi phạm về dán và sử dụng nhãn năng lượng:
- 3 3. Quy định của pháp luật về việc đăng ký dán nhãn năng lượng:
- 4 4. Kiểm tra, giám sát thực hiện dán nhãn năng lượng:
- 5 5. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến dán nhãn năng lượng:
1. Quy định của pháp luật và dán nhãn năng lượng:
Dán nhãn năng lượng là việc dán, gắn, in, khắc nhãn năng lượng lên sản phẩm, bao bì, hoặc hiển thị nhãn năng lượng điện tử trên sản phẩm. Văn bản hợp nhất 23/VBHN-BCT năm 2020 quy định về việc dán nhãn năng lượng như sau:
– Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng đến Bộ Công Thương, doanh nghiệp được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin đã công bố trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng và thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng.
– Nhãn năng lượng được sử dụng thống nhất theo quy định của Bộ Công Thương.
– Nhãn năng lượng phải có các thông tin cơ bản sau:
+ Tên nhà sản xuất/nhập khẩu đầy đủ hoặc viết tắt;
+ Mã hiệu phương tiện, thiết bị;
+ Thông tin về mức tiêu thụ năng lượng;
+ Tiêu chuẩn hoặc quy định áp dụng.
– Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng khác để thực hiện việc dán nhãn năng lượng.
– Nhãn năng lượng có thể được thay đổi kích thước tăng, giảm theo tỷ lệ của nhãn để phù hợp với phương tiện, thiết bị nhưng không được gây nhầm lẫn, che lấp hoặc ảnh hưởng tới thông tin ghi trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những thông tin, nội dung cơ bản nhất về dán nhãn năng lượng. Nó được xem là quy chuẩn áp dụng chung, để các cá nhân, tổ chức phải áp dụng thực hiện.
2. Mức xử phạt vi phạm về dán và sử dụng nhãn năng lượng:
Theo quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm về dán và sử dụng nhãn năng lượng được quy định cụ thể như sau:
– Đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng được sản xuất, nhập khẩu, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhãn năng lượng sai quy cách như gắn nhãn năng lượng lên phương tiện, thiết bị hoặc bao gói có kích thước không phù hợp, thay đổi kích thước tăng giảm không theo tỉ lệ, hoặc hành vi làm che lấp, gây nhầm lẫn ảnh hưởng tới thông tin ghi trên nhãn năng lượng theo quy định, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
– Mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi tiếp tục dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị đó đã hết hạn sử dụng.
– Đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
+ Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần thứ nhất;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng sau khi đã bị phạt cảnh cáo theo quy định tại Điểm a Khoản này.
+ Đối với hành vi cung cấp sai thông tin hiệu suất năng lượng trên nhãn năng lượng so với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị được cơ quan có thẩm quyền cấp, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
+ Đối với hành vi dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng; dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi chưa được cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
– Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
+ Buộc thu hồi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đã cấp đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng được sản xuất, nhập khẩu.
+ Đình chỉ dán nhãn năng lượng đối với hành vi tiếp tục dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị đó đã hết hạn sử dụng trong thời hạn 06 tháng;
+ Buộc thu hồi sản phẩm đã dán nhãn năng lượng đối với hành vi dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng; dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị khi chưa được cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.
3. Quy định của pháp luật về việc đăng ký dán nhãn năng lượng:
– Theo quy định của pháp luật, trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó phải lập 01 bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng và gửi về Bộ Công Thương.
– Hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng bao gồm các giấy tờ, tài liệu cơ bản sau đây:
+ Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ doanh nghiệp đăng ký dán nhãn so sánh hay nhãn xác nhận theo mẫu.
+ Kết quả thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm cấp cho model sản phẩm;
+ Đối với trường hợp việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm nước ngoài, cần có tài liệu chứng minh phòng thử nghiệm nước ngoài đã đáp ứng đủ điều kiện.
+ Mẫu nhãn năng lượng dự kiến.
– Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tài liệu, doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ qua mạng internet tại Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương hoặc gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương.
4. Kiểm tra, giám sát thực hiện dán nhãn năng lượng:
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất 23/VBHN-BCT năm 2020, việc kiểm tra, giám sát thực hiện dán nhãn năng lượng được tiến hành như sau:
– Định kỳ hoặc đột xuất, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra việc dán nhãn năng lượng của doanh nghiệp.
– Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm, doanh nghiệp thực hiện dán nhãn năng lượng có trách nhiệm lập báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Công Thương (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững) và Sở Công Thương theo phương thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị đã được sản xuất, tiêu thụ và được dán nhãn năng lượng trong năm liền kề trước kỳ báo cáo theo mẫu.
– Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm, các tổ chức thử nghiệm có trách nhiệm lập báo cáo bằng văn bản gửi Bộ Công Thương (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững) theo phương thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính về số lượng, chủng loại phương tiện, thiết bị đã được thử nghiệm để dán nhãn năng lượng trong năm liền kề trước kỳ báo cáo theo mẫu.
5. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến dán nhãn năng lượng:
Pháp luật quy định về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến dán nhãn năng lượng như sau:
– Tổ chức, cá nhân có thể gửi khiếu nại về việc dán nhãn năng lượng đến Bộ Công Thương để giải quyết theo pháp luật về khiếu nại.
– Phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng có khiếu nại được lưu mẫu và kiểm tra bởi tổ chức thử nghiệm độc lập.
– Trường hợp mẫu kiểm tra phương tiện, thiết bị trên thị trường được thử nghiệm không đạt yêu cầu, Bộ Công Thương xem xét quyết định việc kiểm tra tại doanh nghiệp.
– Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khiếu nại phải chịu toàn bộ chi phí thử nghiệm trong trường hợp khiếu nại không đúng.
– Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng phải chịu toàn bộ chi phí thử nghiệm; chi phí liên quan đến xử lý, khắc phục lỗi; các hình thức xử phạt và hình thức xử phạt bổ sung khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp phương tiện, thiết bị không đạt theo quy định.
Có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành, đăng ký dán nhãn năng lượng là nhiệm vụ mà các cá nhân cần phải đảm bảo tiến hành thực hiện. Đồng thời, trong quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến đăng ký dán nhãn năng lượng, nếu quyền và lợi ích của mình không được đảm bảo, các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có quyền thực hiện khiếu nại.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 23/VBHN-BCT năm 2020;
Nghị định 134/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP.