Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu,...bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và các phương tiện điện từ khác. Vậy mức xử phạt lắp đặt cáp viễn thông trên biển không phép được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt lắp đặt cáp viễn thông trên biển không phép:
Điều 34 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông quy định về giấy phép viễn thông như sau:
– Giấy phép viễn thông bao gồm có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và có giấy phép nghiệp vụ viễn thông.
– Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm có:
+ Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn là không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
+ Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn là không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
– Giấy phép nghiệp vụ viễn thông bao gồm có:
+ Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, có thời hạn là không quá 25 năm được cấp cho tổ chức lắp đặt cáp viễn thông ở trên biển cập bờ hoặc đi qua vùng nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam;
+ Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, có thời hạn là không quá 10 năm được cấp cho tổ chức thiết lập mạng dùng riêng;
+ Giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, có thời hạn là không quá 01 năm được cấp cho tổ chức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.
Theo quy định trên thì khi doanh nghiệp viễn thông thực hiện lắp đặt cáp viễn thông trên biển thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép viễn thông. Nếu doanh nghiệp thực hiện lắp đặt cáp viễn thông trên biển mà không xin giấy phép thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Khoản 4 Điều 15 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông quy định về xử phạt vi phạm các quy định về giấy phép viễn thông, Điều này quy định phạt tiền từ 140.000.000 đồng cho đến 170.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng viễn thông công cộng hoặc là cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc thực hiện lắp đặt cáp viễn thông trên biển nhưng không có giấy phép.
Như vậy, doanh nghiệp thực hiện lắp đặt cáp viễn thông trên biển mà không xin giấy phép thì sẽ bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng. Đồng thời doanh nghiệp thực hiện lắp đặt cáp viễn thông trên biển mà không xin giấy phép sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lắp đặt cáp viễn thông trên biển mà không xin giấy phép.
2. Điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển:
Căn cứ khoản 1 Điều 37 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông quy định về điều kiện để các doanh nghiệp được cấp Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, cụ thể điều này quy định tổ chức Việt Nam và tổ chức nước ngoài sẽ được cấp Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Cam kết tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam;
– Cam kết không gây ra ô nhiễm môi trường biển;
– Cam kết không thực hiện các hoạt động khác ngoài việc khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến cáp viễn thông;
– Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến tuyến cáp cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;
– Chịu sự kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa tuyến cáp ở trong vùng biển Việt Nam và chịu mọi chi phí cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn.
3. Thủ tục cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển:
Căn cứ Điều 25 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định về thủ tục cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tổ chức đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển chuẩn bị bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển (đơn đề nghị theo mẫu do chính Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành);
– Đề án lắp đặt cáp viễn thông trên biển trong đó phải xác định rõ tính chất, mục tiêu và phạm vi của tuyến cáp, những vấn đề liên quan đến khảo sát biển và hoạt động ngầm dưới biển; danh sách các thành viên góp vốn đầu tư tuyến cáp; thiết kế kỹ thuật và vị trí địa lý, dự kiến về tọa độ tuyến cáp viễn thông đề nghị lắp đặt; phương án về tổ chức thi công và phương án bảo đảm an ninh, môi trường biển.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Tổ chức đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển nộp 05 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển đã chuẩn bị nêu trên đến cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo pháp luật quy định. Mà Điều 2 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông quy định cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chính là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bước 3: Xử lý hồ sơ
– Tiếp nhận và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển:
+ Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển;
+ Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển đến Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và những cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển hợp lệ;
+ Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và những cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
– Thẩm định và xét cấp phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển:
+ Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thực hiện thẩm định và trình lên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xét cấp phép trong thời hạn là 30 ngày làm việc kể từ ngày đã nhận được ý kiến trả lời của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và những cơ quan, tổ chức có liên quan.
+ Trường hợp từ chối cấp giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép biết.
– Thực hiện: Căn cứ vào giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển đã cấp thì cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông phải phối hợp với Bộ Tổng tham mưu của Bộ Quốc phòng cho phép tàu, thuyền vào vùng biển Việt Nam để thực hiện khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa tuyến cáp viễn thông trên biển theo như giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển và các quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2018 Luật Viễn thông;
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BTTTT năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hợp nhất Nghị định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
– Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.