Hiện nay, nhiều ngư dân đang sử dụng những ngư cụ cấm để thực hiện việc khai thác thủy hải sản. Vậy theo quy định hiện nay thì mức xử phạt khi sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản bị cấm.
Mục lục bài viết
- 1 1. Mức xử phạt khi sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản bị cấm:
- 2 2. Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản:
- 3 3. Truy cứu trách nhiệm hình đối với người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản bị khi nào?
- 4 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản là bao lâu?
1. Mức xử phạt khi sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản bị cấm:
Căn cứ theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 27 Nghị định 42/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về ngư cụ khai thác thủy sản như sau:
– Đối với hành vi vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Đối với hành vi không đánh dấu ngư cụ hoặc đánh dấu ngư cụ không đúng quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Đối với hành vi sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp hoặc thả neo tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp, trừ trường hợp bất khả khángthì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
– Đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài các hình phạt tiền thì ngoài ra còn các hình thức xử phạt bổ sung:
– Tịch thu ngư cụ cấm sử dụng cho việc khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này;
– Tước quyền sử dụng Giấy phép về khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, thì người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản nếu mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản và tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm.
2. Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản như sau:
-Đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
-Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Phạt tiền đối với những hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau:
-Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét thì sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
-Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
-Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
-Đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài các hình phạt tiền thì ngoài ra còn các hình thức xử phạt bổ sung:
– Tiến hành tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 Điều này;
– Tiến hành tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Như vậy, hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản là vi phạm pháp luật, cho nên từng hành vi cụ thể tùy theo mức độ thì sẽ được quy định mức phạt khác nhau và cũng sẽ có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tương ứng.
3. Truy cứu trách nhiệm hình đối với người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản bị khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản như sau:
Người nào có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ các nguồn lợi về thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào có hành vi gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này những vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xóa án tích mà còn vi phạm:
+ Người có hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
+ Người có hành vi khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;
+ Người có hành vi khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;
+ Người có hành vi phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
+ Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Người có hành vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
– phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm đối với phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người có hành vi gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Người có hành vi phạm tội mà làm chết người;
+ Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người có hành vi gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Người có hành vi mà làm chết 02 người trở lên;
+ Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
Như vậy, đối với trường hợp người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã nêu trên.
4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản được xác định là một năm; trừ các trường hợp vi phạm hành chính liên quan về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu tàu cá, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được xác định là hai năm.
Theo đó, thì thời hiệu để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản được xác định là 01 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017;
– Nghị định 42/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.