Mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký website thương mại điện tử khi kinh doanh qua mạng? Đăng ký website bán hàng qua mạng? Có phải đăng ký hoạt động cho website giải trí không? Đối tượng thông báo website thương mại điện tử bán hàng?
Trong thời đại 4.0 thì việc bùng nổ internet dẫn đến việc kinh doanh hàng hóa hay cung ứng dịch vụ trên mạng xã hội diễn ra là điều thiết yếu. Hiện nay, để thực hiện hoạt động thương mại điện tử bằng website thì cần đăng ký thông báo với Bộ Công thương. Vậy nếu không thực hiện đăng ký thông báo website thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích về các vấn đề này.
Theo quy định của pháp luật thì toàn bộ các website thương mại điện tử bán hàng và các website cung ứng dịch vụ thương mại điện tử thì đều bắt buộc phải tham gia khai báo website với Bộ Công thương.
Việc khai báo website với Bộ Công thương giúp cho cơ quan nhà nước quản lý, hoàn thiện hệ thống thông tin, điều kiện, điều khoản giao kết giữa người bán và người mua trên các trang mạng trực tuyến, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của cả người bán và người mua. Một website được khai báo sẽ nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu của trang web đó từ đó, khiến cho người tiêu dùng trực tuyến yên tâm, tin tưởng hơn so với các website chưa đăng ký/thông báo – không được gắn logo dẫn tới đường link trang của Bộ Công thương.
Cá nhân, tổ chức sử dụng website để kinh doanh thì phải có trách nhiệm đăng ký tại trang web chính thức của Bộ Công thương là www.online.gov.vn – Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Nếu cá nhân, tổ chức sử dụng website để kinh doanh mà không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt cụ thể liên quan đến các hành vi khai báo website như sau:
+ Cá nhân, thương nhân thực hiện hành vi vi phạm thuộc một trong những trường hợp sau thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
- Đối với website thương mại điện tử bán hàng: không nộp bổ sung hồ sơ khi thông báo theo quy định pháp luật; khi các thông tin liên quan đến website có sự thay đổi mà không thực hiện thông báo sửa đổi, bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: không thực hiện bổ sung hồ sơ khi đăng ký theo quy định pháp luật; sau khi đã đăng ký mà thực hiện trình tự thủ tục hay về hình thức, quy cách công bố thông tin trên website không đúng theo quy định pháp luật.
+ Cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm trong những trường hợp sau đây thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
- Nếu trong quá trình thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tạo dựng website thương mại điện tử bán hàng mà không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
- Nếu nội dung thông tin của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lúc công bố không đúng với nội dung thông tin đã được đăng ký trước đó với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Nếu cá nhân, thương nhân cố tình tái phạm hoặc thực hiện vi phạm nhiều lần thì còn áp dụng xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử trong vòng thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
+ Cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
- Không thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc tạo dựng nên website thương mại điện tử bán hàng.
- Nếu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký có sự thay đổi thông tin liên quan mà không thực hiện thủ tục khai báo sửa đổi, bổ sung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Nếu cá nhân, thương nhân cố tình tái phạm hoặc thực hiện vi phạm nhiều lần thì còn áp dụng xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử trong vòng thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
Luật sư
+ Cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm trong các trường hợp sau đây thì bị áp dụng xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
- Không thực hiện hoạt động đăng ký khi tạo dựng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Không thực hiện thủ tục đăng ký lại website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi tiến hành nhận chuyển nhượng lại website từ chủ sở hữu trước.
- Thực hiện hành vi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khác với nội dung hồ sơ đăng ký website.
- Khi thực hiện hoạt động đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà cố tình khai báo hoặc cung cấp các thông tin không đúng sự thật.
- Có hành vi giả mạo thông tin (thông tin cá nhân, thương nhân, tổ chức, thông tin liên hệ, địa chỉ hoặc trụ sở,…) khi thực hiện hoạt động đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
- Sau khi nhận được thông báo chấm dứt hoạt động đăng ký hoặc bị hủy bỏ đăng ký từ Bộ Công thương mà vẫn cố tình tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trên website đó.
Nếu cá nhân, thương nhân cố tình tái phạm hoặc thực hiện vi phạm nhiều lần trong các hành vi vi phạm thuộc các trường hợp tại điểm 1, 2, 3, 4 nêu trên thì còn áp dụng xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử trong vòng thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
Nếu cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm thuộc các trường hợp tại điểm 2, 3, 5, 6 nêu trên thì sẽ bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi lại tên miền “.vn” hoặc địa chỉ đã được cung cấp trước đó.
Áp dụng phạt tiền với mức tiền trên là hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với cá nhân và thương nhân là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm. Nếu các hình vi vi phạm này mà do tổ chức hoặc thương nhân là tổ chức thực hiện thì áp dụng hình thức xử phạt hành chính phạt tiền với mức tiền gấp hai lần so với cá nhân thực hiện. Còn các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả được áp dụng như nhau với cả cá nhân, thương nhân (gồm cả cá nhân hoạt động thương mại và tổ chức được thành lập hợp pháp và độc lập).
Sau thời điểm Nghị định 185/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/01/2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương đã phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan thực hiện các biện pháp để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm để bảo vệ cho an toàn giao dịch trên mạng, tạo ra và bảo đảm lòng tin của người mua hàng. Từ việc phát hiện và xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ góp phần giúp thương mại điện tử phát triển một cách minh bạch và đảm bảo cho người tham gia giao dịch có lòng tin hơn.
Vậy để tạo lập, công bố, sử dụng website đúng pháp luật và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra hình thức xử phạt thì cá nhân, thương nhân, tổ chức thiết lập website cần thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký với Bộ Công thương theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký website thương mại điện tử:
Theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, cá nhân, tổ chức lập website để kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử www.online.gov.vn.
Hồ sơ đăng ký và quy trình đăng ký thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư số 47/2014/TT-BCT.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương không tuân thủ việc đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể được quy định tại Điều 81 Nghị định này. Theo đó, mức phạt cụ thể như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định;
…
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.”
Như vậy, trường hợp cá nhân, tổ chức không thông báo thiết lập website thương mại điện tử hoặc có thông báo nhưng chưa được xác nhận đăng ký mà vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh trên website thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tương ứng như trên.
2. Đăng ký website bán hàng qua mạng:
Tóm tắt câu hỏi:
Em muốn hỏi Luật sư, em có mở shop thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh, nay em làm bảng hiệu tên shop và website bán hàng qua mạng. Vậy em cần đăng ký bảng hiệu ở đâu và website ở đâu? Cảm ơn Luật sư nhiều!
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, việc viết, đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu, sau đây gọi chung là viết, đặt biển hiệu, tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân dưới các hình thức bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn néon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam không phải xin phép nhưng phải tuân theo những quy định quy định tại
– Mỹ quan, chữ viết biển hiệu:
a- Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan;
b- Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.
– Vị trí biển hiệu: Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
– Nội dung biển hiệu:
a- Tên cơ quan chủ quản trực tiếp, nếu có;
b- Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c- Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;
d- Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);
đ- Địa chỉ giao dịch, số điện thoại, nếu có;
e- Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.
Thứ hai, căn cứ Điều 24
1. Là thương nhân, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
2. Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
3. Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.
Bạn có thể thực hiện quy trình thông báo theo hướng dẫn tại Thông tư số 47/2014/TT-BTC quy định về quản lý website thương mại điện tử:
Quy trình thông báo
1. Việc tiếp nhận, xử lý thông báo website thương mại điện tử bán hàng được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn. Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:
– Tên thương nhân, tổ chức, cá nhân;
– Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
– Các thông tin liên hệ.
Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức, cá nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;
– Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.
Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử bán hàng và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.
Bước 4: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Xác nhận thông tin khai báo đầy đủ, hợp lệ;
– Cho biết thông tin khai báo chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ. Khi đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin theo yêu cầu. Bạn theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân không có phản hồi thì hồ sơ thông báo sẽ bị chấm dứt và phải tiến hành thông báo lại hồ sơ từ Bước 3.
Xác nhận thông báo
Thời gian xác nhận thông báo: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, tổ chức, cá nhân. Khi xác nhận thông báo, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức, cá nhân qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng, thể hiện thành biểu tượng đã thông báo. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin thông báo tương ứng của thương nhân, tổ chức, cá nhân tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Thay đổi, chấm dứt thông tin đã thông báo
1. Trong trường hợp có sự thay đổi một trong những thông tin quy định tại Khoản 2 Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP hoặc ngừng hoạt động website thương mại điện tử bán hàng đã thông báo, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thông báo về Bộ Công Thương trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi có sự thay đổi thông tin hoặc ngừng hoạt động.
2. Việc thay đổi, chấm dứt thông tin thông báo về website thương mại điện tử bán hàng được thực hiện trực tuyến thông qua tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp khi thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành thông báo theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 47/2014/TT-BTC .
3. Thời gian xác nhận việc thay đổi, chấm dứt thông tin thông báo: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đầy đủ, chính xác do thương nhân, tổ chức, cá nhân gửi về Bộ Công Thương.
Cập nhật thông tin thông báo định kỳ
1. Mỗi năm một lần kể từ thời điểm được xác nhận thông báo, thương nhân, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cập nhật thông tin thông báo bằng cách truy cập vào tài khoản trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và khai báo thông tin theo mẫu.
2. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ cập nhật thông tin, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân không tiến hành cập nhật, Bộ Công Thương sẽ gửi thông báo nhắc nhở thông qua tài khoản của thương nhân, tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Trong vòng 15 ngày kể từ khi gửi thông báo nhắc nhở, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân vẫn không có phản hồi thì Bộ Công Thương hủy bỏ thông tin thông báo trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
3. Có phải đăng ký hoạt động cho website giải trí không?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi, tôi là một cá nhân muốn làm 1 website mạng xã hội về giải trí, hài hước. Để có thêm thu nhập duy trì website, tôi nhận đặt các banner quảng cáo sản phẩm (như của Lazada, thegioididong,…) gắn lên website của mình. Vậy tôi có cần phải đăng ký không? Nếu có thì đăng ký như thế nào và nộp thuế như thế nào? Xin luật sư giải đáp giúp tôi! Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Điều 6 Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như sau:
“1. Các mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử.
2. Thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật.
3. Người bán trên các mạng xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.”
Căn cứ theo quy định của khoản 1 Điều 6 Thông tư số 47/2014/TT-BCT và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì các trường hợp sau phải đăng ký hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử:
+ Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
+ Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
+ Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
Như vậy, căn cứ từ những nội dung trên, trường hợp bạn muốn làm một website mạng xã hội về giải trí, hài hước, có nhận các banner quảng cáo sản phẩm gắn lên website của mình thì không phải tiến hành đăng ký tới Sở Công thương, tuy nhiên, nếu webstie của bạn có cho phép người tham gia được mở gian hàng hay đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ thì phải đăng ký với Sở Công thương.
Để đăng ký, trước hết bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm có:
+ Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tự
+ Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Quyết định thành lập ( với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư
+ Đề án cung cấp dịch vụ
+. Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
+ Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.
+. Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).
Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.
Sau khi đã đăng ký và hoạt đông, bạn có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
4. Đối tượng thông báo website thương mại điện tử bán hàng:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, em 22 tuổi hiện đang ở Mỹ được 7 tháng, có thẻ xanh 10 năm và tính lấy quốc tịch. Em muốn 1 mình làm website tin tức Việt Nam về giải trí (chủ yếu về phim, nhạc, thời trang, ngôi sao nước ngoài) và về giới trẻ, các vấn đề xã hội. Không đăng tin về chính trị. Bài viết chủ yếu là lấy nguồn tin về dịch, hoặc tự tổng hợp lại. Tất nhiên em cũng muốn kiếm tiền từ website qua google adsense và các thương hiệu bán hàng Việt Nam, nước ngoài. Vậy em có cần về nước đăng ký giấy phép lập trang báo điện tử, khai thuế với nhà nước Việt Nam không? Em mua hosting và tên miền nước ngoài, máy chủ server nước ngoài. Hay nếu em chỉ làm 1 lĩnh vực duy nhất về giải trí nước ngoài thì sao ạ??
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Bảng C bảng biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam với WTO thì đối với hầu hết các dịch vụ cung cấp thông qua mạng internet cụ thể là lập 1 website tin tức thì không phải yêu cầu hiện diện thương mại hay hiện diện thể nhân mà có thể cung cấp trực tiếp qua biên giới. Tức là khi bạn đã cung cấp dịch vụ từ nước ngoài thì bạn không phải làm thủ tục đăng ký thương mại điện tử tại Việt Nam, không phải khai thuế, và thủ tục thành lập sẽ do quy định pháp luật nơi bạn đang sống điều chỉnh. Tuy nhiên nếu bạn có nhu cầu cung cấp và đăng ký thành lập một trang website kinh doanh tại Việt Nam, tên miền tại Việt Nam thì bạn có thể làm thủ tục đăng ký với Bộ Công thương Việt Nam. Căn cứ quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCT:
“Điều 8. Đối tượng thông báo website thương mại điện tử bán hàng
Đối tượng thông báo website thương mại điện tử bán hàng bao gồm:
1. Thương nhân.
2. Tổ chức mà trong chức năng, nhiệm vụ có bao gồm việc tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động thương mại điện tử.
3. Cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân và không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh.”
Luật sư tư vấn về website thương mại điện tử bán hàng:1900.6568
“Điều 9. Quy trình thông báo
1. Việc tiếp nhận, xử lý thông báo website thương mại điện tử bán hàng được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.
2. Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:
– Tên thương nhân, tổ chức, cá nhân;
– Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
– Các thông tin liên hệ.
…”.