Để đảm bảo truyền thống tổ chức của các lễ hội cũng như xử lý các hành vi vi phạm trong tổ chức lễ hội Chính phủ đã ban hành quy định liên quan đến mức xử phạt hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên.
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội:
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa hổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về các mức xử phạt vi phạm quy định về tổ chức lễ hội như sau:
– Đối với một trong các hành vi sau đây thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng:
+ Người có hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;
+ Người nào nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;
+ Người nào mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
– Đối với một trong các hành vi sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng:
+ Người tổ chức lễ hội không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
+ Người tổ chức lễ hội có hành vi chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
– Đối với một trong các hành vi sau đây thì sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:
+ Người tổ chức lễ hội không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định;
+ Người nào có hành vi bán vé, thu tiền tham dự lễ hội;
+ Trong khu vực lễ hội không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng lại không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích;
+ Tổ chức lễ hội nhưng lại không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác;
+ Không thực hiện việc thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội.
– Đối với một trong các hành vi sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
+ Người có hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;
+ Người nào tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
– Đối với một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
+ Phục hồi những phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách của con người và truyền thống văn hóa Việt Nam;
+ Ép buộc tổ chức, cá nhân khác tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
– Đối với một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng:
+ Người thực hiện tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo;
+ Người thực hiện tổ chức lễ hội không đúng với những nội dung đã đăng ký hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Đối với một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
+ Người chủ trì tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Thực hiện việc tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;
+ Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm làm trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;
+ Có yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội nhưng không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan.
– Ngoài những hình phạt tiền thì còn các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
+ Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi được quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP;
+ Buộc phải hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP.
2. Nguyên tắc tổ chức lễ hội theo quy định hiện nay:
Căn cứ theo quy định hiện nay cụ thể tại Điều 5 Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tổ chức lễ hội như sau:
– Mục đích của việc tổ chức lễ hội là nhằm giáo dục đến thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành và phát triển đất nước; tuyên truyền về giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
– Lễ hội phải được tổ chức tại những nơi trang trọng, thiết thực, hiệu quả đặc biệt phải phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
– Nghi lễ của lễ hội phải được thực hiện rất trang nghiêm, bảo đảm được giá trị về truyền thống; không được thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
– Giáo dục, định hướng cho con người về việc hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ những xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
– Phải đảm bảo được việc thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
– Không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội để nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
– Hạn chế sử dụng nguồn quỹ từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội và Ban Tổ chức lễ hội:
3.1. Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm:
– Căn cứ theo quy định tại Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
– Thành lập và phê duyệt về quy chế làm việc của Ban tổ chức lễ hội và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động của Ban tổ chức lễ hội;
– Dựa theo quy định của Nghị định 110/2018/NĐ-CP thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội;
– Báo cáo bằng văn bản để báo cáo về kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo chậm nhất 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.
3.2. Ban tổ chức lễ hội thực hiện trách nhiệm:
– Ban tổ chức có trách nhiệm ban hành, phổ biến những quy chế làm việc và thực hiện việc phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội; nội quy về việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
– Tuyên truyền và giới thiệu những mục đích, ý nghĩa và giá trị của lễ hội trên hệ thống hoặc loa phát thanh, bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội;
– Xây dựng và triển khai những phương án để bảo đảm đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
– Ban tổ chức có trách nhiệm quy định khu vực vui chơi giải trí và khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ, bảo đảm rằng không lấn chiếm khuôn viên của di tích; treo, đặt bảng phổ biến nội dung, biển hướng dẫn ở những vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc tiếp nhận những thông tin của người tham gia lễ hội;
– Yêu cầu những người cung ứng về dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải thực hiện niêm yết công khai và phải bán đúng giá niêm yết; không được chèo kéo và ép giá; không bày bán những gian hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; không được bày bán động vật quý hiếm, các thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật;
– Không được bán vé, thu tiền vé tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; và quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội;
Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.