Việc xây dựng cần phải tuân thủ các quy định khác nhau trong đó có quy định về cấp, thoát nước. Trường hợp có vi phạm về quy định cấp, thoát nước thì mức xử phạt hành vi vi phạm quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấp, thoát nước:
1.1. Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấp nước:
– Hành vi vi phạm quy định về ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước, kế hoạch phát triển cấp nước sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 43 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Áp dụng hình thức xử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi dưới đây:
+ Không thực hiện việc ký thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền về dịch vụ cấp nước theo quy định;
+ Không thực hiện việc lập và trình các cơ quan có thẩm quyền về việc phê duyệt kế hoạch phát triển cấp nước hàng năm và dài hạn trong khu vực phục vụ của đơn vị theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Bắt buộc phải ký thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền về việc thực hiện dịch vụ cấp nước.
+ Bắt buộc phải thực hiện việc lập và trình các cơ quan có thẩm quyền trong việc phê duyệt kế hoạch phát triển cấp nước hằng năm và dài hạn trong khu vực phục vụ của đơn vị theo quy định.
– Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng mạng lưới cấp nước sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 44 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó:
Áp dụng hình thức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện việc báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và báo cáo định kỳ tới các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về việc cấp nước ở địa phương và trung ương.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện báo cáo theo quy định.
Áp dụng hình thức xử phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Không thực hiện việc thông báo cho các khách hàng sử dụng nước để có các biện pháp dự trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước một cách kịp thời;
+ Không đảm bảo được các quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn về kỹ thuật trong việc thiết kế, bảo trì, xây lắp, sử dụng và kiểm tra các thiết bị của khách hàng sử dụng nước được đấu nối vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước;
+ Có hành vi vi phạm các quy định về chất lượng dịch vụ tại các điểm đấu nối với nước sạch được sử dụng trong mục đích sinh hoạt;
+ Vi phạm các quy định về việc sử dụng hoặc bảo vệ mạng lưới cấp nước.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Phải đảm bảo theo quy chuẩn và các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định trong việc thiết kế;
+ Phải đảm bảo về chất lượng dịch vụ;
+ Thực hiện việc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong trường hợp có vi phạm về việc bảo vệ hoặc sử dụng mạng lưới cấp nước.
Áp dụng mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Không đảm bảo được áp lực nước tối thiểu của các họng nước cứu hỏa theo tính toán của mạng lưới đường ống;
+ Không đảm bảo được chất lượng trong việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt theo quy chuẩn kỹ thuật đã được quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải đảm bảo được áp lực nước tối thiểu của các họng nước cứu hỏa theo tính toán của mạng lưới đường ống;
+ Buộc phải đảm bảo được chất lượng trong việc cung cấp nước sạch trong sinh hoạt theo các quy chuẩn kỹ thuật đã được quy định.
Áp dụng mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Khi cần áp dụng các biện pháp cấp nước tạm thời nhưng không thực hiện hoặc việc thực hiện các biện pháp này không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở những khu vực chịu tác động trong thời gian khắc phục sự cố;
+ Không trang bị và lắp đặt các hệ thống trụ cứu hỏa theo quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải thực hiện các biện pháp cấp nước tạm thời trong trường hợp cần thiết phải áp dụng để đáp ứng được nhu cầu của sinh hoạt của người dân ở các khu vực chịu tác động trong thời gian khắc phục sự cố;
+ Buộc phải thực hiện việc lắp đặt hệ thống các trụ cứu hỏa theo quy định.
Áp dụng mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Có hành vi gây ô nhiễm nước sạch chưa được sử dụng hoặc phát tán các chất độc hại hoặc bệnh truyền nhiễm bệnh dễ lây nhiễm trong mạng lưới cấp nước sạch;
+ Thực hiện việc chuyển nhượng kinh doanh dịch vụ cấp nước nhưng không được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải khôi phục lại tình trạng nước sạch ban đầu theo quy định.
+ Buộc phải xin ý kiến và được chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển nhượng kinh doanh dịch vụ cấp nước.
Hành vi vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch cấp nước sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 45 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó:
Áp dụng mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu có hành vi không tuân thủ các quy hoạch về cấp nước đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tham gia hoạt động cấp nước.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải tuân thủ các quy hoạch về cấp nước đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tham gia hoạt động cấp nước.
Áp dụng mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Thực hiện dự án đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước mà dự án đó không phù hợp với các kế hoạch phát triển về cấp nước đã được phê duyệt.
+ Không thực hiện đầu tư phát triển mạng phân phối hoặc đầu nối tới các khách hàng sử dụng nước sau khi đã có kế hoạch phát triển cấp nước được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phù hợp với các kế hoạch phát triển về cấp nước đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Buộc phải thực hiện đầu tư phát triển mạng phân phối đầu nối tới các khách hàng.Đã sử dụng nước.
Hành vi vi phạm quy định về hợp đồng dịch vụ cấp nước sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 46 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó:
Áp dụng mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu có hành vi không thực hiện việc kiểm định các thiết bị đo đếm nước theo yêu cầu và thời hạn đã được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường quy định.
Buộc thực hiện việc tổ chức kiểm định các thiết bị đo đếm nước.
1.2. Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về thoát nước:
Hành vi vi phạm quy định về sử dụng hệ thống thoát nước sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 47 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
Áp dụng mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng nếu có hành vi Không được sự chấp thuận bằng văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà đã sử dụng hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ.
Buộc phải trình văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét và chấp thuận bằng văn bản khi có nhu cầu làm hợp đồng dịch vụ cấp nước.
Áp dụng mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng nếu có hành vi đấu nối các hệ thống thoát nước của công trình trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung không đúng theo các quy định về đầu nối.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc đấu nối theo đúng quy định.
Áp dụng mức phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:
+ Không thực hiện việc quản lý tài sản đã được đầu tư từ nguồn vốn của chủ sở hữu công trình thoát nước và xử lý nước thải theo như nội dung về trong hợp đồng quản lý và vận hành hệ thống thoát nước đã được ký kết.
+ Trong việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải không thực hiện việc bảo vệ an toàn, hiệu quả và tiết kiệm theo quy định.
+ Không tổ chức và xây dựng triển khai việc thực hiện các quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
+ Không tham gia phối hợp với các đơn vị cấp nước hoặc trực tiếp tổ chức việc thu tiền dịch vụ thoát nước theo quy định hoặc không thực hiện việc thiết lập các cơ sở dữ liệu và quản lý các hộ thoát nước đầu nối vào hệ thống thoát nước do mình quản lý.
+ Không đưa các thông tin về thỏa thuận đầu nối cho những chủ thể có nhu cầu.
+ Không duy trì được sự ổn định dịch vụ thoát nước theo quy định.
+ Không thực hiện việc báo cáo theo định kỳ đã được quy định tới chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thoát nước.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải tổ chức xây dựng, triển khai việc thực hiện các quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
+ Buộc phải tham gia phối hợp với các đơn vị cấp nước hoặc trực tiếp tổ chức việc thu tiền dịch vụ thoát nước theo quy định, thực hiện việc thiết lập các cơ sở dữ liệu.Và quản lý các hộ thoát nước bắt đầu nối vào hệ thống thoát nước do mình quản lý.
+ Đưa các thông tin về thỏa thuận đầu nối cho những chủ thể có nhu cầu.
+ Buộc thực hiện việc báo cáo định kỳ quy định tới chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động về cấp thoát nước.
2. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cấp, thoát nước:
Căn cứ quy định tại Điều Điều 73, Điều 74, Điều 75, Điều 76, Điều 78, Điều 79 và Điều 80 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về cấp, thoát nước bao gồm các cơ quan, cá nhân sau:
– Thanh tra viên xây dựng;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành;
– Chánh Thanh tra Sở Xây dựng;
– Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng;
– Công an nhân dân;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết
Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng