Hiện nay, rất nhiều gia đình nào cũng có vật nuôi trong nhà, pháp luật đã quy định về nguyên tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi. Vậy nên hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi sẽ phải chịu những chế tài hành chính, cụ thể quy định này như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt hành vi hành hạ, đánh đập vật nuôi:
Hành vi hành hạ, đánh đập vật nuôi là hành vi vi phạm quy định pháp luật, không tuân thủ đối xử nhân đạo với vật nuôi trong hoạt động chăn nuôi, có thể hiểu là hành vi đối xử tàn ác; sử dụng vũ lực để đánh đập, bắt trói, giam cầm hoặc không cho ăn, không cho uống, không chăm sóc… vật nuôi. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền, bên cạnh đó, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung, ngoài ra còn có biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm như sau:
* Hành vi vi phạm: Đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Hình phạt chính: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
* Hành vi vi phạm: Cơ sở giết mổ tập trung không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ hoặc đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ hoặc không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
Hình phạt chính: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
* Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ.
– Hình phạt chính:
+ Đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
+ Đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
+ Đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
+ Đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
– Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm, trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là đối với cá nhân, nếu là tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm. Ngoài ra, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm. Việc xử phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của
2. Một số quy định khác của pháp luật đối với vật nuôi:
Theo quy định của Luật Chăn nuôi, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi, ví dụ chó mèo…
Việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong hoạt động chăn nuôi được pháp luật quy định cụ thể tại điều 69 Luật Chăn nuôi 2018. Trong chăn nuôi, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động chăn nuôi phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Đảm bảo cho vật nuôi có không gian sống và điều kiện chăn nuôi phù hợp, có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và đảm bảo vệ sinh cho vật nuôi; phòng bệnh, điều trị bệnh tật theo quy định của pháp luật về thú y; Không được hành hạ, đánh đập vật nuôi hoặc gây tổn hại về thể chất, tinh thần cho vật nuôi.
Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải đảm bảo các điều kiện sau: Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi, cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi, không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi, có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Vật nuôi sử dụng trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác phải được đối xử nhân đạo theo các quy định nêu trên. Đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.
Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào cũng không được hành hạ, đánh đập, ngược đãi vật nuôi, bởi lẽ đây là là hành vi vi phạm quy định pháp luật, không tuân thủ đối xử nhân đạo với vật nuôi trong hoạt động chăn nuôi. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nếu thấy hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi thì nên báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để họ xử lý, cơ quan chức năng có thể là Trạm Kiểm lâm, Công an, Sở Thú y, Hay Liên đội trưởng, chủ tịch UBND phường, xã. Ngoài ra, có thể liên hệ với các tổ chức bảo vệ động vật, các nhóm hoạt động tình nguyện bảo vệ động vật để được hỗ trợ và giúp đỡ.
3. Ý nghĩa của những quy định của pháp luật đối với việc nuôi vật nuôi:
Theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018, tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi; đồng thời có nghĩa vụ bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi Nghị định 14/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 là một biện pháp hết sức hữu hiệu để thực hiện nguyên tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi, đây là tín hiệu đáng mừng nhất đối với cộng đồng những người yêu động vật, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong quan điểm nhận thức trong việc nuôi vật nuôi. Bởi lẽ, trước đó, đã có không ít vụ việc vật nuôi bị bạo hành và đối xử tàn nhẫn bởi pháp luật đang còn khá lỏng lẻo trong lĩnh vực này. Chẳng hạn có vụ con chó bị ném từ tầng 24 của khách sạn xuống đất đã khiến cộng đồng vô cùng rất bức xúc, phẫn nộ, và còn rất nhiều vụ việc gây bức xúc khác.
Vật nuôi cũng là những sinh vật cảm nhận được nỗi đau và có nhu cầu cơ bản như ăn uống, sinh sản và xây dựng tổ ấm, chúng cũng có tình cảm, khả năng học hỏi và thông minh tương đương với những động vật khác như chó, vịt, heo, và người.Hành vi ngược đãi, đánh đập vật nuôi không chỉ gây đau đớn, chấn thương, mà còn có thể gây tổn thương về tâm lý và sức khỏe tinh thần của chúng. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu hành vi hành hạ đánh đập của các tổ chức cá nhân có thể gây ra các vấn đề như hoang tưởng, áp lực tâm lý hoặc nhu cầu phục vụ quyền lực.
Bảo vệ vật nuôi có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng sinh học. Bên cạnh đó một số vật nuôi còn là người bạn đồng hành tuyệt vời của con người, giúp con người có nhiều niềm vui trong cuộc sống, việc bảo vệ vật nuôi không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, mà còn là nhiệm vụ văn hóa của chúng ta.
Để giảm thiểu hành vi đánh đập, hành hạ chó mèo, chúng ta có thể làm những việc sau: Nâng cao nhận thức của mọi người về quyền lợi của động vật, tăng cường giáo dục và huấn luyện về chăm sóc, nuôi dưỡng và đối xử với vật nuôi.
Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình cảm động vật và ý nghĩa của việc bảo vệ động vật, cần có sự thay đổi tư duy của xã hội về vấn đề bảo vệ động vật, đó là thay vì coi động vật là tài sản của con người, ta cần coi chúng là những sinh vật có cảm xúc và quyền sống riêng, cuối cùng, cần tăng cường quản lý, kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi và giết mổ động vật.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Nghị định 14/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi
Luật Chăn nuôi năm 2018