Lĩnh vực lao động là một lĩnh vực khá rộng và thường xuyên xảy ra các tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động vì vậy để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động pháp luật đã có những quy định liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, tiền lương.
Mục lục bài viết
- 1 1. Một số mức phạt hành chính mới trong lĩnh vực lao động năm 2023:
- 1.1 1.1. Những vi phạm liên quan đến thực hiện hợp đồng lao động:
- 1.2 1.2. Những vi phạm liên quan đến sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
- 1.3 1.3. Những vi phạm liên quan đến vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:
- 1.4 1.4. Những vi phạm liên quan đến việc lập hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:
- 2 2. Tổng hợp mức phạt hành chính liên quan đến tiền lương:
1. Một số mức phạt hành chính mới trong lĩnh vực lao động năm 2023:
Tính đến thời điểm năm 2023 nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động mới nhất đó là nghị định số 12/2022/NĐ-CP. Theo nghị định này ta có thể xác định được một số mức phạt mới được áp dụng đó là:
1.1. Những vi phạm liên quan đến thực hiện hợp đồng lao động :
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động nếu có những hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định. Trong năm 2023 sẽ có một số mức phạt mới đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc thực hiện hợp đồng như là:
Thứ nhất, đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Mức phạt này áp dụng đối với những đối tượng có hành vi quấy rối nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS
Thứ hai, khi người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức, ngược đãi lao động sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Mức phạt này áp dụng đối với những trường hợp có hành vi cưỡng bức, ngược đãi nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS
Thứ ba, khi người sử dụng lao động có hành vi bắt người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho mình thì cũng sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng
1.2. Những vi phạm liên quan đến sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:
Việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động cũng cần phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Vì vậy, khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
Trừ những trường hợp người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng bị trục xuất, người lao động chết, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích, người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải thì khi người sử dụng lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động mà không thông báo bằng văn bản cho người lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
1.3. Những vi phạm liên quan đến vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:
Theo quy định của pháp luật hiện hành khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, trường hợp nếu người sử dụng lao động không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Mức phạt này chỉ áp dụng trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm với mỗi người lao động tối đa không quá 75.000.000 đồng
1.4. Những vi phạm liên quan đến việc lập hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:
Khi người sử dụng lao động lập hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt này áp dụng trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm nhưng chưa đến mức bị truy cứu TNHS và làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng
2. Tổng hợp mức phạt hành chính liên quan đến tiền lương:
Như chúng ta đã biết tiền lương chính là một khoản tiền mà người lao động được nhận từ người sử dụng lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc. Pháp luật lao động đã có những quy định rất cụ thể liên quan đến mức lương và nguyên tắc trả lương cho người lao động, ví dụ như khi người sử dụng lao động trả lương theo công việc hoặc chức danh thì mức lương theo công việc và chức danh thì không đươc thấp hơn mức lương tối thiểu; người sử dụng lao động phải đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động khi cùng làm một công việc. Ngoài ra người sử dụng lao động còn phải trả lương trực tiếp cho người lao động đúng hạn và đầy đủ…..
Liên quan đến vấn đề tiền lương của người lao động do thường xuyên xảy ra các tranh chấp và nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, pháp luật đã có những quy định rất chi tiết trong việc xử phạt những vi phạm của người sử dụng lao động, cụ thể như:
2.1. Mức phạt liên quan đến việc xây dựng bảng lương:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 1, nghị định 12/2022/NĐCP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi sau:
Một là, khi người sử dụng lao động không thực hiện việc công bố công khai thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế thưởng tại nơi làm việc trước khi thực hiện
Hai là, trước khi ban hành chính thức bảng lương thì người sử dụng lao động không xây dựng thang lương, bảng lương
Ba là, người sử dụng lao động khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng mà không tham khảo ý kiến của tổ chức đại người người lao động
Bốn là, người sử dụng lao động không thực hiện việc thông báo bảng kê trả lương hoặc có thực hiện nhưng không đúng theo quy định
Năm là, người sử dụng lao động phân biệt giời tính, trả lương không bình đẳng
2.2. Mức phạt liên quan đến vấn đề trả lương cho người lao động:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, điều 1, nghị định 12/2022/NĐ-CP ta có thể xác định được một số hành vi liên quan đến việc trả lương cho người lao động mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt như sau
Một là, người sử dụng lao động sẽ bị phạt theo các mức nếu vi phạm từ 01 người đến 10 người thì bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng; từ 11 người đến 50 người thì bị phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng; từ 51 người đến 100 người thì bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; từ 101 người đến 300 người thì bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng; từ 301 người trở lên thì bị phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với các hành vi:
– Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
– Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm;
– Người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động;
– Người sử dụng lao động hạn chế, can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;
– Người sử dụng lao động ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc chỉ định mua của đơn vị;
– Người sử dụng lao động tự khấu trừ tiền lương của người lao động;
– Khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công mà người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động;
– Đối với những lao động có những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm mà người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động;
– Trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật mà người sử dụng lao động không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động;
– Trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động mà người sử dụng lao động không trả đủ tiền lương cho người lao động.
Hai là, người sử dụng lao động có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu thì sẽ bị áp mức phạt như sau: vi phạm từ 01 người đến 10 người thì bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; từ 11 người đến 50 người thì bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng; từ 51 người trở lên thì bị phạt từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng. Ngoài ra, người sử dụng lao động buộc phải trả đủ tiền tương cộng với lãi trả chậm, trả thiếu cho người lao động trên mức tiền lương của họ, mức lãi phải trả là mức lãi suất gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Ba là, người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật cho người lao động thì bị áp mức phạt như sau: vi phạm từ 01 người đến 10 người thì bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng; từ 11 người đến 50 người thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến triệu đồng; từ 51 người đến 100 người thì bị phạt tiền từ triệu đến 12 triệu đồng; từ 101 người đến 300 người thì bị phạt tiền từ 12 triệu đến 15 triệu đồng; từ 301 người trở lên thì phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng. Ngoài ra buộc người sử dụng lao động phải trả đủ khoản tiền lương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cộng với lãi suất của số tiền đó,mức lãi phải trả là mức lãi suất gửi không kỳ hạn caao nhất cuẩ các ngân hàng thương mại nhà nước.
Như vậy, từ những lập luận và phân tích như trên có thể thấy rằng hiện tại pháp luật đã có những quy định rất cụ thể và chi tiết về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, liên quan đến tiền lương.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng.