Logo đã đăng ký với Bộ Công thương chính là biểu tượng thông báo mà doanh nghiệp bắt buộc phải làm thủ tục với Bộ Công thương mới được cấp. Vậy mức xử phạt giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương?
1.1. Hành vi giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công thương:
Logo chính là một biểu tượng được tạo thành từ văn bản và hình ảnh nhằm để nhận diện một doanh nghiệp. Một logo tốt sẽ phải thể hiện được các ngành nghề, lĩnh vực của chính công ty và giá trị của thương hiệu. Thiết kế logo chính là việc tạo ra một nhãn hiệu trực quan thật hoàn hảo cho công ty. Logo cũng có thể là một biểu tượng, chữ, đôi khi kèm dòng tagline. Logo được sử dụng phổ biến ở trang website, danh thiếp, bao bì sản phẩm, social media,…
Giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương chính là việc một số website có thực hiện gắn logo “Đã đăng ký với Bộ Công Thương” nhưng trong hồ sơ lại chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận hay chưa làm thủ tục đăng ký logo với Bộ Công Thương. Đây được xem là việc làm nguy hiểm và trái với pháp luật trong khi đó quy định pháp luật chưa hề cho phép việc này.
Trong đó, những hành vi làm sai lệch những thông tin đăng ký của sàn thương mại điện tử, của ứng dụng thương mại điện tử cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử như là:
– Giả mạo các thông tin đăng ký không tuân thủ những quy định về hình thức;
– Sử dụng logo của website hoặc của ứng dụng thương mại điện tử khi mà chưa được Bộ Công Thương công nhận;
– Sử dụng những đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác ở trên website hoặc ứng dụng thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với các thương nhân, tổ chức hay cá nhân khác;
– Sử dụng đường dẫn nhằm để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với các thông tin được công bố tại khu vực website hoặc ứng dụng có gắn đường dẫn.
1.2. Mức xử phạt giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương:
Đây chính là một trong những hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt được quy định trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
Cụ thể, hành vi giả mạo logo đã đăng ký với Bộ Công Thương hay còn nói cách khác đó là sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên trang website thương mại điện tử bán hàng hoặc các ứng dụng bán hàng khi mà chưa được duyệt hoặc được xác nhận thông báo của cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Nghị định cũng quy định xử phạt hành vi vi phạm về thiết lập trang website thương mại điện tử hoặc các ứng dụng thương mại điện tử ở trên nền tảng di động. Phạt tiền từ 1 triệu đồng cho đến 5 triệu đồng nếu như không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác các thông tin về:
– Chủ sở hữu thông tin các hàng hóa, dịch vụ;
– Thông tin về giá cả;
– Thông tin vận chuyển và giao nhận;
– Thông tin về điều kiện giao dịch chung;
– Thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng bán hàng.
Mức phạt trên cũng sẽ áp dụng đối với các hành vi nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng hoặc các ứng dụng bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không thực hiện thông báo lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, đối với hành vi là:
– Cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc có hành vi buôn bán hàng giả, các hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ hoặc các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet;
– Không thực hiện đúng theo các điều khoản của hợp đồng đã giao kết hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết sử dụng các chức năng đặt hàng trực tuyến ở trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động theo quy định.
Đáng chú ý, các website thương mại điện tử có các chức năng thanh toán trực tuyến mà không thực hiện công bố chính sách về bảo mật các thông tin thanh toán cho khách hàng ở trên website sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng cho đến 20 triệu đồng.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng cho đến 40 triệu đồng đối với hành vi là tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép các thông tin thanh toán của khách hàng ở trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc để các thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc các ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.
Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khác như là vi phạm về hoạt động đấu giá trực tuyến, hành vi về cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử.
Mức tiền phạt quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do các cá nhân thực hiện. Trường hợp mà hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.
Ngoài bị phạt tiền, thì tùy từng hành vi có thể sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng những biện pháp khắc phục hậu quả như là:
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
– Buộc thu hồi tên miền “.vn”;
– Đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
2. Ý nghĩa của logo đã đăng ký với Bộ Công thương:
Khi đã đăng ký thành công logo thì Bộ Công Thương cũng sẽ có một con dấu màu đỏ ghi là: “Đã đăng ký với Bộ Công Thương”. Và nó có ý nghĩa là chủ sở hữu đó đã tạo ra một trang web online hoặc một sàn giao dịch thương mại điện tử có cả người bán và cả người mua trao đổi với nhau về các hàng hóa như: Shopee, lazada,tiki,…
Đăng ký logo với Bộ Công Thương sẽ nâng cao được uy tín của doanh nghiệp. Điều này là khi website đã được đăng ký thành công với Bộ Công Thương, ở trên website của Bộ Công Thương sẽ hiển thị là logo xác nhận doanh nghiệp đã đăng ký thành công.
Điều này làm tăng độ tin cậy cho trang web thương hiệu của các doanh nghiệp. Khi đã đăng ký với Bộ Công Thương, những khách hàng sẽ không lo gặp phải lừa đảo hay địa chỉ không đáng tin cậy vì khi đã đăng ký với Bộ Công Thương sẽ phải nộp giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp đó hoặc CMND/CCCD đối với cá nhân.
Khi đã đăng ký thành công với Bộ Công Thương thì có nghĩa là ngay tại thời điểm đã đăng ký ở trên trang web Bộ Công Thương thì đã được phép phân phối và quảng bá một cách hợp pháp, và doanh nghiệp sẽ không vi phạm về sở hữu trí tuệ hoặc buôn bán các mặt hàng bị cấm.
3. Quy trình tạo logo đã thông báo với Bộ Công thương:
Các bước tiến hành đăng ký logo với Bộ công thương thực chất chính là thủ tục đăng ký website với Bộ Công thương và được thực hiện thông qua các bước sau:
Bước 1: Các thương nhân, tổ chức đăng ký tài khoản đăng nhập trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương.
Khi đăng ký, các thương nhân, tổ chức cần cung cấp những thông tin sau:
– Tên thương nhân; tổ chức;
– Số đăng ký kinh doanh;…
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức;
– Một số thông tin cá nhân khác.
Bước 2: Xác nhận tài khoản
Trong khoảng thời gian là 03 ngày làm việc kể từ ngày đã điền đầy đủ thông tin theo bước 1 trên thì khách hàng sẽ nhận được thông báo xác nhận đăng ký của Bộ Công thương.
Bước 3: Khai báo loại hình dịch vụ
Sau khi đã được cấp tài khoản đăng nhập trên hệ thống thì các cá nhân hay tổ chức tiến hành đăng nhập; chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; tiến hành thực hiện khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký theo quy định.
Bước 4: Phản hồi thông tin đăng ký
Trong khoảng thời gian là 07 ngày làm việc thì Bộ công thương sẽ gửi thông tin phản hồi thông qua địa chỉ hòm thư điện tử mà doanh nghiệp đã đăng ký
Bước 5: Bộ Công thương xác nhận đăng ký logo của doanh nghiệp
Trong khoảng thời gian là 05 ngày làm việc kể từ ngày mà nhận đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành xác nhận hoàn tất quá trình đăng ký logo với Bộ công thương.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 98/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.