Thực tế hiện nay, vẫn có phản ánh của người dân về việc cây xăng tự ý đóng cửa, ngừng bán mà không có lý do chính đáng. Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật, vậy mức xử phạt cụ thể như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quyền và nghĩa vụ của chủ cây xăng bán xăng, dầu:
Theo quy định cửa hàng xăng dầu phải có đủ các điều kiện theo quy định để được cấp giấy phép chứng nhận thì mới đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Căn cứ Điều 26 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-BCT 2021 hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu thì chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu có nghĩa vụ kiểm soát cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình, phải niêm yết giá bán các loại xăng dầu và bán đúng giá niêm yết; chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu niêm yết, bán ra theo quy định…
Cơ sở kinh doanh xăng dầu khi muốn đóng cửa, ngừng bán thì phải gửi văn bản xin phép cơ quan có thẩm quyền cụ thể là Sở Công thương nơi cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và phải nêu rõ thời hạn tạm ngừng và lý do ngừng bán xăng dầu.
Khi được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản thì mới được tạm ngừng bán xăng, dầu, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng.
2. Mức xử phạt cây xăng tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu:
Như vậy, dù vì bất cứ lý do nào, trừ lý do bất khả kháng (thiên tai, lũ lụt, cháy…) thì cây xăng cũng không được tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu mà phải gửi thông báo và được sự chấp thuận của Sở Công thương nơi cấp giấy phép kinh doanh xăng, dầu. Nếu không thực hiện theo thủ tục này là cây xăng đã vi phạm quy định và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Việc quy định xử phạt đối với hành vi này là bởi vì việc tự ý đóng cửa cây xăng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng. Việc tạm ngưng hoạt động của nhiều cây xăng do nhiều nguyên nhân như: Không có đủ nguồn cung do lượng tiêu thụ xăng dầu của người dân tăng cao, không có đủ nhân lực. Tuy nhiên không được tự ý đóng mà phải xin phép, bên cạnh đó nhiều cây xăng cũng không có lý do chính đáng, bởi lẽ không thể hết xăng dầu được, theo quy định các đơn vị kinh doanh xăng dầu trong bể chứa phải đủ dự trữ từ 20 đến 30 ngày nên không thể có chuyện hết xăng, dầu được, mà có thể nhiều cây xăng vì mục đích vụ lợi giữ xăng dầu để chờ giá xăng tăng hơn rồi bán ra. Đây là những hành vi pháp luật nghiêm cấm và có mức xử phạt nghiêm khắc để răn đe.
Tại khoản 4 Điều Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCT 2022 quy định mức phạt đối với hành vi này như sau:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với việc thực hiện hành vi không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm mức phạt bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.
Như vậy, hành vi tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu của cơ sở kinh doanh xăng dầu sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra căn cứ tại Điều 35 Văn bản này, một số hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động bán lẻ xăng dầu cũng có mức xử phạt được quy định như sau:
– Hành vi không ghi hoặc không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
– Hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
– Hành vi không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với đối tượng thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
+ Hành vi không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
+ Hành vi giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
– Hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, nếu như cây xăng có hành vi tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu với mục đích găm hàng, giữ xăng, dầu chờ tăng giá bán thì tùy tính chất, mức độ, của hành vi vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội đầu cơ, cụ thể như sau:
– Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp: Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, khi cửa hàng xăng dầu tự ý đóng cửa thì có thể bị phạt tiền thấp nhất từ 10.000.000 đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Thẩm quyền xử phạt hành vi tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu:
Theo quy định tại Điều 56 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thì Chủ tịch ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức. Có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức đối với các hành vi vi phạm khác trong đó có các hành vi liên quan đến hoạt động bán lẻ xăng dầu.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này.
Do hành vi tự ý đóng cửa cây xăng, ngừng bán xăng dầu có mức phạt là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức vậy nên Ủy ban nhân dân các cấp đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 17/VBHN-BCT 2021 hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí