Phiếu lý lịch tư pháp chính là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh rằng cá nhân có hay không có án tích. Vậy mức thu phí cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức thu phí cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân:
Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án mà đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng về thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã ở trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Phiếu lý lịch tư pháp chính là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh rằng cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay là không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã ở trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Mục đích của việc cấp lý lịch tư pháp đó chính là:
– Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay là không có án tích, có bị cấm hay là không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã ở trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
– Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người mà đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
– Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê về tư pháp hình sự.
– Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Điều 7 Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất về Luật Lý lịch tư pháp quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Điều này quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:
– Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc là đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
– Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
– Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ cho công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo đó, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
Điều 2 Thông tư 244/2016/TT-BTC phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định công dân Việt Nam, người nước ngoài khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp phí theo đúng quy định tại Thông tư 244/2016/TT-BTC phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Thêm nữa, Điều 3 Thông tư 244/2016/TT-BTC phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chính là tổ chức thu phí về lý lịch tư pháp.
Như vậy, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình thì phải nộp phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) hoặc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình được quy định tại Điều 4 Thông tư 244/2016/TT-BTC phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, theo Điều này thì phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:
– Phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người
– Phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm có cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người
– Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong cùng một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu nhằm để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Những trường hợp được miễn phí cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân:
Căn cứ Điều 5 Thông tư 244/2016/TT-BTC phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định về các trường hợp miễn phí khi yêu cầu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, theo Điều này thì những đối tượng sau sẽ được miễn phí khi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho mình:
– Trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em hiện hành (là người dưới 16 tuổi).
– Người cao tuổi theo quy định tại Luật người cao tuổi hiện hành (công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên).
– Người khuyết tật theo quy định tại Luật người khuyết tật hiện hành.
– Người thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
– Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã mà có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Người cư trú tại các xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về quản lý và sử dụng phí cấp phiếu lý lịch tư pháp:
Căn cứ Điều 7 Thông tư 244/2016/TT-BTC phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp thì quy định về quản lý và sử dụng phí cấp phiếu lý lịch tư pháp như sau:
– Tổ chức thu phí là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia được trích lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho những nội dung chi theo quy định của pháp luật. Nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo như chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. Số tiền trích để lại cho tổ chức thu phí sẽ được xác định là 100% và được phân bổ như sau:
+ Tổ chức thu phí trích chuyển cho Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát phối hợp trong công tác xác minh là 60% số tiền phí được để lại, tương ứng với số lượng hồ sơ yêu cầu xác minh mà đã được hoàn thành, để trang trải cho những nội dung liên quan đến cung cấp thông tin lý lịch tư pháp mà pháp luật quy định. Việc trích chuyển được thực hiện thông qua Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, mỗi quý một lần trên cơ sở là tổng số hồ sơ yêu cầu xác minh đã được Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia xác nhận. Trong trường hợp có nhiều cơ quan phối hợp xác minh thông tin, thì ngoài các khoản trích chuyển cho Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát thì tổ chức thu phí hỗ trợ cho mỗi cơ quan khác thực hiện xác minh 25.000 đồng/yêu cầu.
+ Tổ chức thu phí sử dụng số tiền phí còn lại để trang trải chi phí cho những nội dung chi theo quy định tại Điều 5
– Đối với tổ chức thu phí cấp phiếu lý lịch tư pháp là Sở Tư pháp:
+ Tổ chức thu phí trích 4% số tiền phí thu được chuyển về tài khoản của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sử dụng trang trải chi phí cho những nội dung chi quy định tại Điều 5 của
+ Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo các quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP thì sẽ trích 4% số tiền phí thu được chuyển về tài khoản của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sử dụng trang trải chi phí cho những nội dung chi quy định tại Điều 5 của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, sẽ trích lại 81% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho những nội dung chi theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Nộp 15% số tiền phí đã thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 244/2016/TT-BTC phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;
– Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2020 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất về Luật Lý lịch tư pháp.