Tư vấn luật doanh nghiệp, giải đáp thắc mắc về pháp luật doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả. Tư vấn luật doanh nghiệp được thực hiện bởi các luật sư, chuyên viên pháp lý có trình độ chuyên môn cao.
Mức tạm ứng và số lần tạm ứng trong hợp đồng xây dựng. Căn cứ tính toán giá dự thầu, giá đề xuất.
Tóm tắt câu hỏi:
Vì sao lại nói: Mức tạm ứng và số lần tạm ứng hợp đồng xây dựng phải được ghi cụ thể trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc trong dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu để bên nhận thầu làm cơ sở tính toán giá dự thầu, giá đề xuất? Nhà thầu căn cứ mức tạm ứng để làm cơ sở tính toán gí dự thầu, gái đề xuất như thé nào??
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
Theo quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ – CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Điều 18. Tạm ứng hợp đồng xây dựng
1. Tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
2. Việc tạm ứng hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi hợp đồng xây dựng có hiệu lực, riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng thì phải có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, đồng thời bên giao thầu đã nhận được bảo lãnh tiền tạm ứng (nếu có) tương ứng với giá trị của từng loại tiền mà các bên đã thỏa thuận.
3. Mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng phải được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Mức tạm ứng và số lần tạm ứng hợp đồng xây dựng phải được ghi cụ thể trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc trong dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu để bên nhận thầu làm cơ sở tính toán giá dự thầu, giá đề xuất.
4. Bảo lãnh tạm ứng hợp đồng:
a) Đối với hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng, trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị và loại tiền tương đương khoản tiền tạm ứng hợp đồng. Không bắt buộc phải bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đối với các hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng và các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu.
b) Trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì từng thành viên trong liên danh phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng cho từng thành viên, trừ trường hợp các thành viên trong liên danh thỏa thuận để nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho bên giao thầu.
c) Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm dần tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa các bên.
5. Mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có), trường hợp đặc biệt thì phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép hoặc Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh; Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn, tổng công ty đối với trường hợp Người có thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ; mức tạm ứng tối thiểu được quy định như sau:
a) Đối với hợp đồng tư vấn:
– 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng.
– 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng.
b) Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình:
– 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng.
– 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng.
– 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
c) Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC và EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: 10% giá hợp đồng.
d) Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu nêu tại Điểm a, b, c Khoản này, thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.
đ) Tiền tạm ứng được thu hồi dần qua các lần thanh toán, mức thu hồi của từng lần do hai bên thống nhất ghi trong hợp đồng nhưng phải bảo đảm tiền tạm ứng được thu hồi hết khi giá trị thanh toán đạt 80% giá hợp đồng đã ký kết.
6. Bên nhận thầu phải sử dụng tạm ứng hợp đồng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích của hợp đồngxây dựng đã ký.
7. Đối với việc sản xuất các cấu kiện, bán thành phẩm có giá trị lớn, một số vật liệu phải dự trữ theo mùa thì bên giao thầu, bên nhận thầu thỏa thuận kế hoạch tạm ứng và mức tạm ứng để bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Pháp luật quy định mức tạm ứng và số lần tạm ứng hợp đồng xây dựng phải được ghi cụ thể trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc trong dự thảo hợp đồng xây dựng gửi cho bên nhận thầu để bên nhận thầu làm cơ sở tính toán giá dự thầu, giá đề xuất vì trong đầu tư xây dựng cơ bản khối lượng công việc thường rất lớn, không thể nhà thầu nào có thể bỏ toàn bộ tiền để làm toàn bộ hợp đồng thi công công trình từ đầu đến cuối.
Đây vừa là biện pháp bảo đảm với bên nhận thầu về việc bên giao thầu sẽ thanh toán khối lượng hoàn thành theo tiến độ vừa là biện pháp hỗ trợ tài chính của bên giao thầu nhằm tạo điều kiện cho bên nhận thầu có nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công, hời gian thi công công trình thường kéo dài, tránh thiệt hại cho nhà thầu nên nếu không tạm ứng thì nhà thầu khó đủ sức để theo hết dự án. Hơn nữa, trong xây dựng rủi ro rất lớn, việc tạm ứng là việc chủ đầu tư chia sẻ rủi ro với nhà thầu.
Cách tính giá dự thầu, giá đề xuất của nhà thầu:
Theo quy định của Điều 4 Luật đấu thầu 2013, giá dự thầu là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu, báo giá, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Dựa vào nội dung, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu và quy định về giá gói thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013.
Điều 35. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng gói thầu
2. Giá gói thầu:
a) Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;
Như vậy, ta có thể thấy, dựa vào cách xác định giá gói thầu, nhà thầu tính giá dự thầu, giá đề xuất trên cơ sở các chi phí được nêu trong giá gói thầu như sau:
– Chi phí để thực hiện KL;
– Phí, lệ phí, thuế;
– Dự phòng phát sinh;
– Dự phòng trượt giá
– Rủi ro (nếu có).
Trong đó tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng. Như vậy, tạm ứng hợp đồng xây dựng cũng là một trong các căn cứ để nhà thầu tính toán được giá thầu, giá đề xuất.