Kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những nội dung phải có trong Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Vậy mức phạt vi phạm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
Ẩn1. Quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán:
Khoản 1 Điều 2 của Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Kiểm toán Nhà nước có giải thích báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước chính là văn bản do Kiểm toán nhà nước lập và công bố sau mỗi một cuộc kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về các nội dung đã kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước do Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc là người được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền ký tên, đóng dấu. Theo đó, việc kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những nội dung phải có trong Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Điều 47 của Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Kiểm toán Nhà nước quy định về Lập và gửi báo cáo kiểm toán, Điều này quy định về Lập và gửi báo cáo kiểm toán như sau:
– Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán thì Kiểm toán nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán và gửi lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán.
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán sẽ phải có ý kiến bằng văn bản gửi Kiểm toán nhà nước; quá thời hạn nêu trên, đơn vị được kiểm toán không có ý kiến thì được coi là đã nhất trí với dự thảo báo cáo kiểm toán.
– Báo cáo kiểm toán được Kiểm toán nhà nước gửi cho đơn vị được kiểm toán và cơ quan có liên quan theo đúng quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày đã kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; trong trường hợp đặc biệt thì có thể được kéo dài, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
– Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương sẽ được gửi đến cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp; đối với bản báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn được gửi cho Bộ Tài chính.
– Trường hợp báo cáo kiểm toán được tổng hợp từ kết quả kiểm toán của nhiều đơn vị được kiểm toán thì Kiểm toán nhà nước gửi cho mỗi đơn vị được kiểm toán thông báo kết quả kiểm toán về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán của chính đơn vị đó trong báo cáo kiểm toán.
Như vậy, qua quy định trên, có thể hiểu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán (trong đó có nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán) đơn vị được kiểm toán phải có ý kiến bằng văn bản gửi cho Kiểm toán nhà nước; quá thời hạn trên mà đơn vị được kiểm toán không có ý kiến thì sẽ được coi là đã nhất trí với dự thảo báo cáo kiểm toán (trong đó có nội dung kết luận, kiến nghị kiểm toán).
2. Xử phạt vi phạm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán:
Căn cứ Điều 14 của Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Điều này quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chậm thực hiện gửi báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến cho Kiểm toán nhà nước đến 30 ngày so với thời hạn yêu cầu của Kiểm toán nhà nước tại báo cáo kiểm toán.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Thực hiện không đầy đủ một trong các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong khi đã có điều kiện thi hành. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có).
+ Chậm gửi báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến cho Kiểm toán nhà nước từ trên 30 ngày đến 60 ngày so với thời hạn yêu cầu của Kiểm toán nhà nước ở tại báo cáo kiểm toán.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Báo cáo sai về sự thật về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải cải chính thông tin sai sự thật. Trong đó, báo cáo sai sự thật là một trong các hành vi sau:
++ Không thực hiện việc kết luận, kiến nghị kiểm toán nhưng báo cáo đã thực hiện.
++ Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán không đúng so với số liệu, nội dung thực tế đã thực hiện, không có tài liệu xác thực.
+ Từ chối hoặc chậm gửi báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến cho Kiểm toán nhà nước từ trên 60 ngày trở lên so với lại thời hạn yêu cầu của Kiểm toán nhà nước ở tại báo cáo kiểm toán. Trong đó, từ chối gửi báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến cho Kiểm toán nhà nước là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản hoặc hình thức khác (như là: e.mail, tin nhắn, …) thông báo đến cho Kiểm toán nhà nước (bao gồm có cả các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và những người có thẩm quyền, nhiệm vụ tiếp nhận về báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán) từ chối, khẳng định không gửi báo cáo thực hiện về kết luận, kiến nghị kiểm toán theo yêu cầu tại báo cáo kiểm toán.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong khi đã có điều kiện thi hành (có điều kiện thi hành chính là trường hợp cá nhân, tổ chức phải thực hiện việc kết luận, kiến nghị kiểm toán có tiền, tài sản và có thẩm quyền để thực hiện; không gặp phải những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan có làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán). Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có).
3. Người có thẩm quyền lập biên bản hành vi vi phạm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán:
Căn cứ Điều 15 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước và Quyết định số 811/QĐ-KTNN 2023 Hướng dẫn xử phạt VPHC lĩnh vực kiểm toán Nhà nước thì những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản hành vi vi phạm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán:
– Kiểm toán viên nhà nước
– Kiểm toán trưởng
– Trường hợp người đang thi hành nhiệm vụ kiểm toán, kiểm tra thực hiện về kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhiệm vụ tiếp nhận báo cáo cáo định kỳ hoặc là nhiệm vụ khác mà không phải là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, nếu như có phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước thì sẽ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận về sự việc và chuyển ngay biên bản làm việc đến cho người có thẩm quyền để lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH 2019 hợp nhất Luật Kiểm toán Nhà nước;
– Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước;
– Quyết định số 811/QĐ-KTNN 2023 Hướng dẫn xử phạt VPHC lĩnh vực kiểm toán Nhà nước.