Chứng thư số là một dạng chứng thư điện tử hỗ trợ xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật. Theo pháp luật hiện hành thì mức phạt vi phạm quy định về định dạng chứng thư số quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt vi phạm quy định về định dạng chứng thư số:
Hiện nay, khi thực hiện việc cấp chứng thư số, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng và quá trình này phải tuân thủ quy định về định dạng chứng thư số theo quy chế chứng thực của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 107 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP thì các tổ chức nếu có hành vi vi phạm về điều kiện hoạt động thì đối với hành vi vi phạm dưới đây sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
– Theo quy định, việc gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phải được thực hiện theo đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, tổ chức không tuân thủ việc xin ra hạn theo đúng thời hạn quy định thì sẽ áp dụng mức xử phạt nêu trên;
– Nếu không đáp ứng được các điều kiện cấp phép của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đồng thời cũng không đảm bảo những điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng của cơ quan tổ chức và nhân sự hoặc về kỹ thuật;
– Thực hiện bất kỳ hành động không tuân thủ quy định về định dạng chứng thư số;
– Cố tình thực hiện thay đổi tên, giao dịch hoặc thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng lại không thực hiện thủ tục đề nghị thay đổi nội dung giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức cũng đã được quy định rõ với các nội dung. Mức phạt tiền quy định từ chương II đến chương VII tại Nghị định này sẽ được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Điều 106 của Nghị định này. Theo đó, trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như tổ chức để mức phạt tiền sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, tổ chức nếu không tuân thủ quy định về định dạng chứng thư số có thể bị xử phạt hành chính đến mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng còn trong trường hợp có cùng hành vi vi phạm nhưng cá nhân là người vi phạm gì mức tiền đó là từ đồng đến 10 triệu đồng
2. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khi cá nhân, tổ chức vi phạm về định dạng chứng thư số:
Căn cứ theo quy định tại Điều 120 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị Định 14/2022/NĐ-CP thì việc phân định thẩm quyền trong việc xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến định dạng chứng thư số được ghi nhận rõ ràng đối với Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn toàn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vấn đề vi phạm quy định về định dạng chứng thư số.
Bên cạnh đó, tại Điều 115 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị Định 14/2022/NĐ-CP cũng đã ghi nhận về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp. Cá nhân này đều có thẩm quyền xử phạt theo đúng chức năng quản lý của mình và áp dụng hình thức xử phạt, bao gồm:
– Tiến hành áp dụng hình thức phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm;
– Trong một số trường hợp có thể áp dụng mức phạt tiền tùy thuộc vào hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng. Đồng thời, đối với trường hợp phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử thì các cá nhân này cũng có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, mức xử phạt giữa các cấp khác nhau cũng sẽ áp dụng mức phạt tiền được quy định khác nhau;
– Ngoài ra, có thể sử dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm như tiến hành tịch thu các tang vật phương tiện. Riêng đối với thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh thì có quyền được tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc tiến hành đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;
– Trong pháp luật điều chỉnh về vấn đề định dạng chứng thư số thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tùy vào từng trường hợp được quy định tại điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020. Đối với thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong mọi trường hợp hiện tại Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm sửa đổi 2020.
Lưu ý rằng: để áp dụng được chính xác thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm của các tổ chức cá nhân liên quan đến định dạng chứng thư số thì phải xem xét đến mức tiền tối đa mà các cá nhân là chủ thể Ủy ban nhân dân xã huyện hay tỉnh được áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức. Trên thực tế, có trường hợp thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được phép áp dụng đối với hình thức vi phạm của cá nhân, còn đối với trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm liên quan đi lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin sẽ không có thẩm quyền xử phạt. Vì vậy cần đặc biệt chú trọng về vấn đề xác định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm này.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức không tuân thủ quy định về định dạng chứng thư số là bao lâu?
Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức. Liên quan đến thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là 01 năm trừ các hành vi vi phạm như:
+ Khi thực hiện gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước mà theo quy định của pháp luật Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu;
+ Có hành vi vi phạm trong việc gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
+ Vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất hoặc nhập khẩu các thiết bị, phần mềm có khả năng kết nối Internet không đúng quy định, lộ trình ứng dụng công nghệ IPv6 (địa chỉ Internet mới);
+ Cố tình thực hiện hoạt động sản xuất, nhập khẩu thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy nhưng không tuân thủ quy định này là phải có chứng nhận hợp quy hoặc không công bố hợp quy hoặc không gắn dấu hợp quy theo quy định trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường;
+ Vi phạm về việc công bố hợp quy hoặc không gắn dấu hợp quy trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường trong việc tiến hành sản xuất, nhập khẩu thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy;
+ Cố tình thực hiện hành vi sản xuất, nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường thiết bị mà những vấn đề này nằm trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy hoặc thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy nhưng không duy trì liên tục chất lượng như đã được chứng nhận hoặc công bố;
+ Vi phạm đối với việc sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện được xác định là nằm trong Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường;
+ Không duy trì chất lượng phù hợp với điều kiện kỹ thuật và khai thác tương ứng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện… và một số trường hợp khác được ghi nhận tại khoản 1 Điều 67; các khoản 2 và 3 Điều 68; các khoản 2 và 3 Điều 69; các khoản 2 và 3 Điều 70; điểm b khoản 1 Điều 76 Nghị định này có thời hiệu xử phạt là 02 năm.
– Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, Thời hiệu được áp dụng đối với thời hành vi vi phạm hành chính khi không tuân thủ quy định về định dạng chứng thư số là 01 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.