Hiện nay, thực tế vẫn tổn tại việc sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác để phục vụ cho công việc giảng dạy của mình. Vậy theo quy định hiện nay thì mức phạt sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác:
Chị Nguyễn Thị Minh Bình ở Quảng Bình đặt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có một câu hỏi cần được giải đáp như sau: Trước kia tôi tôi có học và được cấp cho chứng chỉ hành nghề sư phạm, tuy nhiên do tôi làm trái ngành không công tác trong ngành giáo dục nên tôi không sử dụng đến. Gần đây tôi có nhu cầu làm việc lại trong ngành giáo dục nhưng khi tôi đi phỏng vấn xin việc thì phát hiện chứng chỉ của tôi đã mất, khi tôi tìm lại thì mới biết người em của tôi đã lấy chứng chỉ của tôi để đi giảng dạy. Theo tôi được biết hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng tôi chưa biết cụ thể ra sao? Do vậy tôi muốn hỏi luật sư là khi sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác như vậy thì bị xử phạt bao nhiêu tiền? Tôi xin cảm ơn luật sư đã giải đáp cho tôi!
Chào chị Bình, cảm ơn chị đã đặt câu hỏi cho chúng tôi, dựa trên các quy định mới nhất của pháp luật, chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của chị Bình như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
– Phạt tiền có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;
+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
– Phạt tiền có giá trị từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình.
– Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
+ Buộc công khai đầy đủ, chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Và theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về các mức phạt tiền trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như sau:
– Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân có giá trị là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng;
– Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức, trừ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 11, khoản 1 và khoản 2 Điều 16, các khoản 1, 2 và 3 Điều 21, điểm a khoản 3 Điều 22, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 27, điểm b khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 34, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36 của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân;
– Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức;
– Hộ kinh doanh, hộ gia đình có mở lớp đào tạo nghề vi phạm các quy định của Nghị định này bị áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
Như vậy, dựa theo căn cứ tại quy định nêu trên, hành vi cho người khác sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền ra, người vi phạm có thể bị buộc phải nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ đối với người có hành vi vi phạm.
2. Mức xử phạt đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về việc phạt tiền đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự được như sau:
– Đối với hành vi vi phạm được xác định dưới 10 người học thì sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng;
– Đối với hành vi vi phạm được xác định từ 10 đến dưới 20 người học thì sẽ bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng;
– Đối với hành vi vi phạm được xác định từ 20 đến dưới 30 người học thì sẽ bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng;
– Đối với hành vi vi phạm được xác định từ 30 đến dưới 40 người học thì sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 120 triệu đồng;
– Đối với hành vi vi phạm được xác định từ 40 người học trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 120 đến 150 triệu đồng.
Mức phạt được nêu trên cũng sẽ áp dụng với các vi phạm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau đây:
– Tổ chức có hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học mà không đúng với tên ngành, nghề đào tạo hoặc ngành, nghề đào tạo không được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN, GCN đăng ký hoạt động GDNN, GCN đăng ký bổ sung hoạt động GDNN, GCN đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài;
– Ngành nghề đào tạo hiện không có tên trong quyết định tự chủ mở ngành nghề đào tạo, quyết định tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài.
Ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định nêu trên thì ngoài ra cá nhân, tổ chức buộc phải thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
3. Thẩm quyền xử phạt người cho người khác sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp:
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) có quyền:
– Ra quyết định phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền có giá trị đến 10.000.000 đồng;
– Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tạii đểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền:
+ Ra quyết định phạt cảnh cáo;
+ Ra quyết định phạt tiền có giá trị đến 75.000.000 đồng;
+ Tiến hành tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Áp dụng đối với các biện pháp khắc phục hậu quả quy định.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) có quyền:
+ Ra quyết định phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền có giá trị đến 150.000.000 đồng;
+ Tiến hành tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định
Theo như quy định nêu trên, thì trường hợp người cho người khác sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của mình thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000 đồng nên theo quy định tại Điều 38 để xác định cơ quan có quyền xử phạt người này.
Trên đây là tư vấn của Luật sư Luật Dương Gia các nội dung mà liên quan đến Mức phạt sử dụng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác. Trường hợp quý bạn cần những hỗ trợ cụ thể hay những giải đáp hợp lý, cụ thể hơn thì quý bạn đọc có thể liên hệ qua số điện thoại hotline 1900.6568 thì sẽ được chúng tôi hỗ trợ tư vấn cho quý bạn đọc nhé.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định 88/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp