Hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn còn kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Vậy mức phạt nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng:
Câu hỏi: Chị Nga ở Gia Lai có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau:
Chào Luật sư. Tôi là chủ một hộ kinh doanh hoạt động trong việc buôn bán phân bón tại tỉnh Gia Lai đã được hơn 10 năm. Hiện nay, sau khi cán bộ xuống kiểm tra và xác định trong số phân bón tôi nhập khẩu về có hơn 50 bì phân bón có chất lượng không đảm bảo. Hơn 50 bì phân bón đó tôi nhập khẩu với giá 120 triệu đồng. Tôi bị lập biên bản và phạt 25 triệu đồng như vậy có đúng quy định không ạ? Tôi hoàn toàn không biết số lượng phân bón tôi nhập khẩu về là không đạt chuẩn. Rất mong Luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Chào chị! Chúng tôi gửi tới chị câu trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón bao gồm:
– Đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung trong Giấy phép nhập khẩu phân bón sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
– Phạt tiền đối với những hành vi nhập khẩu phân bón mà không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng hoặc chưa được công nhận phân bón được lưu hành tại Việt Nam mà không có Giấy phép nhập khẩu phân bón hoặc không có Giấy phép nhập khẩu phân bón đối với trường hợp phân bón nhập khẩu quy định phải có giấy phép, cụ thể như sau:
+ Đối với trường hợp lô phân bón có giá trị dưới 20.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng;
+ Đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
+ Đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
+ Đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
+ Đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón như sau:
– Buộc tái xuất phân bón đối với những hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 31/2023/NĐ-CP trong trường hợp cá nhân, tổ chức nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng (trừ trường hợp phân bón chỉ có chỉ tiêu chất lượng không bảo đảm là pHH2O, độ ẩm, khối lượng riêng hoặc tỷ trọng) hoặc chưa được công nhận phân bón được lưu hành tại Việt Nam mà không có Giấy phép nhập khẩu phân bón hoặc không có Giấy phép nhập khẩu phân bón đối với trường hợp phân bón nhập khẩu quy định phải có giấy phép. Trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy;
– Buộc tái chế lại phân bón đối với những hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 31/2023/NĐ-CP trong trường hợp cá nhân, tổ chức đã nhập khẩu phân bón đã được công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam chỉ có chỉ tiêu chất lượng là pHH2O, độ ẩm, khối lượng riêng hoặc tỷ trọng không bảo đảm chất lượng. Đối với trường hợp không thể tái chế thì áp dụng theo thứ tự ưu tiên sau đây: buộc tái xuất; buộc tiêu hủy;
– Buộc tái xuất lại phân bón đối với những hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 31/2023/NĐ-CP trong trường hợp nhập khẩu phân bón đã hết hạn sử dụng. Đối với trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy;
– Buộc phải nộp lại Giấy phép nhập khẩu phân bón đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 31/2023/NĐ-CP cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì hành vi vi phạm về nhập khẩu phân bón có thể bị xử phạt tới 25.000.000 đồng với cá nhân và phạt tới 50.000.000 triệu đồng với tổ chức. Do đó, đối với hơn 50 bì phân bón được chị nhập khẩu về có giá 120 triệu được cán bộ lập biên bán với mức phạt 25 triệu đồng là đúng với quy định hiện nay.
2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng là bao lâu?
Câu hỏi: Chị Hương ở Hà Tĩnh có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau:
Chào Luật sư. Tôi đang buôn bán phân bón tại Hà Tĩnh đã được hơn 4 năm. Hiện, tôi bị lập biên bản và phạt tiền đối với hành vi nhập khẩu phân bón không đảm bảo chất lượng. Vì tôi buôn bán nhỏ lẻ nên tôi cần phải xoay tiền để đóng phạt. Vậy, cho tôi hỏi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng là bao lâu?
Rất mong Luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Chào chị! Chúng tôi gủi tới chị câu trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng như sau:
Thời hiệu để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt là 01 năm. Thời hiệu để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp sau:
– Vi phạm hành chính về trường hợp bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
– Vi phạm hành chính về trường hợp sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng.
– Vi phạm hành chính về trường hợp sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.
Theo đó, thời hiệu để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng là 02 năm.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
– Phân định thẩm quyền thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp sẽ có thẩm quyền đối với việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này.
Ngoài ra, thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định 31/2023/NĐ-CP như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
+ Ra quyết định phạt cảnh cáo;
+ Ra quyết định phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt (trừ phân bón); phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về phân bón;
+ Thực hiện tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tiến hành tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền xử phạt người nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng có trị giá 100.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt.