Để được công nhận tốt nghiệp thì cần phải đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn về học phần, số tín chỉ và các nội dung bắt buộc khác. Vậy mức xử phạt đối với hành vi công nhận tốt nghiệp cho người chưa đủ điều kiện được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt công nhận tốt nghiệp cho người chưa đủ điều kiện:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, vi phạm quy định về thi, vi phạm quy định về tổ chức đánh giá kết quả học tập và xét công nhận tốt nghiệp. Theo đó có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi công nhận tốt nghiệp cho người chưa đủ điều kiện tốt nghiệp. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi gây rối hoặc có hành vi đe dọa dùng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào nhằm mục đích ngăn cản người dự kiểm tra, ngăn cản người dự thi và người tổ chức kiểm tra, người tổ chức thi, người thanh tra thi, những chủ thể được xác định là giáo viên coi thi và chấm thi, phục vụ kiểm tra nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Phạt tiền đối với những hành vi vi phạm quy định về tổ chức kiểm tra, vi phạm quy định về tổ chức thi, vi phạm quy định về tổ chức chấm thi theo các mức phạt cụ thể như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vào khu vực tổ chức kiểm tra, vào khu vực tổ chức thi, và khu vực chấm thi khi không được phép của chủ thể có thẩm quyền, có hành vi mang theo các tài liệu và vật dụng thiết bị không được phép vào phòng thi hoặc khu vực chấm thi;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc có hành vi trợ giúp thí sinh làm bài trái quy định của pháp luật không đảm bảo tính khách quan;
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với đối tượng có hành vi viết thêm hoặc có hành vi sửa chữa nội dung của bài kiểm tra, viết thêm hoặc có hành vi sửa chữa nội dung của bài thi, sửa chữa điểm của bài kiểm tra hoặc bài thì trái quy định của pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi đánh tráo bài kiểm tra, các đối tượng có hành vi đánh tráo bài thi tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi tổ chức hoạt động chấm kiểm tra và chấm thi trái quy định nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi thi hộ người khác hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi hộ;
+ Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi làm mất bài kiểm tra hoặc mất bài thi của thí sinh.
– Phạt tiền đối với các đối tượng có hành vi tổ chức kiểm tra hoặc đánh giá kết quả học tập của người học không phù hợp với quy định của pháp luật theo các mức phạt cụ thể như sau:
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm từ 01 người học đến 05 người học;
+ Và tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm với số lượng từ 06 người học đến 10 người học;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm với số lượng từ 11 người học trở lên.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xét công nhận tốt nghiệp cho người học khi những đối tượng này chưa đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, hành vi công nhận tốt nghiệp cho người chưa đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền với mức tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên. Đồng thời người có hành vi công nhận tốt nghiệp cho người chưa đủ điều kiện tốt nghiệp còn có thể bị áp dụng hình thức khắc phục hậu quả đó là bắt buộc phải hủy bỏ kết quả xét công nhận tốt nghiệp đối với người học đó.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi công nhận tốt nghiệp cho người chưa đủ điều kiện:
Pháp luật hiện nay có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như sau:
– Thanh tra và những đối tượng được xác định là người được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang trong quá trình thi hành công vụ có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 1.000.000 đồng, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chánh thanh tra Sở lao động thương binh và xã hội, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở lao động thương binh và xã hội, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của tổng cục giáo dục nghề nghiệp có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 75.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 150.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ lao động thương binh và xã hội có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 105.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 210.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chánh thanh tra của Bộ lao động thương binh và xã hội, tổng cục trưởng của tổng cục giáo dục nghề nghiệp có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 150.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Như vậy có thể nói, thẩm quyền xử phạt đối với hành vi công nhận tốt nghiệp cho người chưa đủ điều kiện trong trường hợp này có thể thuộc về chánh thanh tra của Sở lao động thương binh và xã hội, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở lao động thương binh và xã hội hoặc trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp.
3. Điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học:
Theo khoản 1 Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có quy định về điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp đại học như sau:
– Tích lũy đủ học phần, cần phải tích số tín chỉ và sinh viên đó cũng cần phải hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;
– Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ trung bình trở lên. Có thể được xác định như sau:
+ Thứ nhất, nếu theo thang điểm 4, có những mốc cơ bản sau: Từ 3.6 đến 4.0 thì được xác định là xuất sắc; từ 3.2 đến cận 3.6 thì được xác định là giỏi; từ 2.5 đến cận 3.2 thì được xác định là khá; từ 2.0 đến cận 2.5 thì được xác định là trung bình; từ 1.0 đến cận 2.0 thì được xác định là yếu; dưới 1.0 thì được xác định là kém;
+ Thứ hai, theo thang điểm 10, có những mốc cơ bản sau: Từ 9.0 đến 10.0 thì được xác định là xuất sắc; từ 8.0 đến cận 9.0 thì được xác định là giỏi; từ 7.0 đến cận 8.0 thì được xác định là khá; từ 5.0 đến cận 7.0 thì được xác định là trung bình; từ 4.0 đến cận 5.0 thì được xác định là yếu; dưới 4.0 thì được xác định là kém.
– Tại thời điểm xét tốt nghiệp cho sinh viên đó, thì sinh viên đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
– Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.