Việc cho mượn, thuê thiết bị vô tuyến điện phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Vậy mức phạt cho mượn, thuê thiết bị vô tuyến điện mới nhất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về đối tượng được mượn, thuê thiết bị vô tuyến điện:
Theo quy định có thể hiểu thiết bị vô tuyến điện là thiết bị thu, phát hoặc thu – phát các ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng sóng vô tuyến điện.
Căn cứ Điều 25 Văn bản hợp nhất
– Trường hợp đã được cấp giấy phép để khai thác thì tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu phương tiện giao thông có trang bị thiết bị vô tuyến điện, chủ sở hữu đài vô tuyến điện nghiệp dư có thể thỏa thuận cho tổ chức, cá nhân khác thuê, mượn thiết bị vô tuyến điện, việc thỏa thuận có thể được thực hiện bằng hình thức văn bản và phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện.
– Điều kiện của bên thuê, bên mượn thiết bị vô tuyến điện là phải đáp ứng quy định về đối tượng được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định.
– Điều kiện của bên cho thuê, cho mượn và bên thuê, bên mượn thiết bị vô tuyến điện phải tuân thủ quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Điều 19 văn bản hợp nhất này quy định đối tượng được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện bao gồm: Tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; người nước ngoài sử dụng đài vô tuyến điện nghiệp dư hoặc tần số vô tuyến điện cho mục đích khác theo quy định.
Điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đó là:
+ Tổ chức, cá nhân phải sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện vào mục đích và nghiệp vụ vô tuyến điện mà pháp luật không cấm.
+ Đối với tổ chức đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để thiết lập mạng viễn thông thì phải có giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông.
+ Tổ chức, cá nhân phải có giấy phép hoạt động báo chí hoặc được quyền phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức, cá nhân phải có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi, phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện hoặc có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi.
+ Tổ chức, cá nhân phải có thiết bị vô tuyến điện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ.
+ Tổ chức, cá nhân phải cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và an toàn bức xạ vô tuyến điện.
+ Tổ chức, cá nhân phải có Chứng chỉ vô tuyến điện viên đối với các trường hợp theo quy định như: Người trực tiếp khai thác thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động hàng hải, di động hàng không, vô tuyến điện nghiệp dư phải có chứng chỉ vô tuyến điện viên, trừ trường hợp đã có chứng chỉ tương đương theo quy định.
Tại Điều 32 Thông tư 04/2021/TT-BTTTT hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện quy định trước khi bàn giao thiết bị vô tuyến điện cho bên thuê thì bên cho thuê phải gửi văn bản thông báo đến Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực sở tại ít nhất 05 ngày làm việc.
2. Mức phạt cho mượn, thuê thiết bị vô tuyến điện mới nhất:
Điều 62 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về thuê, mượn thiết bị vô tuyến điện như sau:
– Hành vi ký kết hợp đồng cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện thiếu một trong các nội dung theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
+ Hành vi không sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện khi có thay đổi về nội dung Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.
+ Hành vi không lập hồ sơ cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện theo quy định
+ Hành vi không lưu giữ đúng quy định các hồ sơ, tài liệu trong quá trình cho thuê, cho mượn và sau khi chấm dứt việc cho thuê, cho mượn
+ Hành vi gửi hồ sơ cho thuê, cho mượn không đúng thời hạn quy định đến Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực sở tại.
– Thực hiện một trong các hành vi sau thì bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
+ Hành vi cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện không đúng đối tượng. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
+ Hành vi thông báo không đúng thời hạn quy định đến Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực sở tại trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ hợp đồng cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện.
– Hành vi không thông báo đến Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực sở tại trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ hợp đồng cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
3. Mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng thiết bị vô tuyến:
Căn cứ Điều 64 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện như sau:
– Hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác thì bị xử phạt theo hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường thì bị xử phạt theo hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi thiết bị đang lưu thông trên thị trường.
– Hành vi sản xuất, nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không duy trì chất lượng phù hợp với điều kiện kỹ thuật và khai thác tương ứng thì bị xử phạt theo hình thức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi thiết bị đang lưu thông trên thị trường; buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc buộc tái chế hoặc buộc tái xuất thiết bị vô tuyến điện do thực hiện hành vi vi phạm.
Điều 66 Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp khẩn cấp như sau:
– Hành vi không thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện sau khi sử dụng tạm thời tần số và thiết bị vô tuyến điện chưa được cấp giấy phép để gọi cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản thì bị xử phạt theo hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Hành vi không phát thông báo khi phát thử để kiểm tra khả năng hoạt động của thiết bị vô tuyến điện trên tần số sử dụng cho mục đích cấp cứu thì bị xử phạt theo hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 27/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Tần số vô tuyến điện
Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT 2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông