Trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều trường hợp người làm cha, làm mẹ có những hành vi bạo hành con cái. Bạo hành ở đây không chỉ là bạo hành về mặt thể chất mà còn là bạo hành về mặt tinh thần, sử dụng những lời nói, cử chỉ gây áp lực cho con. Vậy khi cha, mẹ bạo hành tình thần con cái có bị xử phạt không?
Mục lục bài viết
1. Dấu hiệu nhận biết cha mẹ bạo hành tinh thần con:
Bạo hành tinh thần ở đây được hiểu là hành vi không sử dụng vũ lực để đe dọa, đánh đập, hành hạ hay bất kì hành vi nào gây tổn thương đến thân thể của nạn nhân.
Dấu hiệu của bạo hành tinh thần chủ yếu là dùng lời nói để chửi mắng, nhục mạ, hạ thấp danh dự và nhân phẩm của nạn nhân.
Ví dụ: Trong cuộc sống gia đình cha, mẹ thường xuyên lợi dụng vị thế của mình trong gia đình để gây áp lực liên tục đến con cái, buộc con cái phải tuân theo ý muốn của mình, nếu không tuân theo sẽ bị mắng nhiếc, chỉ trích.
Trong những năm gần đây, tình trạng bạo hành tinh thần con cái đang là một trong những vấn đề khá nhức nhối. Tuy nhiên, bạo hành tinh thần con cái lại chưa thực sự được quan tâm dẫn đến rất nhiều hệ lụy về sau
Bạo hành tinh thần không gây ra nỗi đau về thể xác nhưng nó lại để lại nỗi đau về tình thần rất lớn. Nhất là đối với trẻ em, khi mà nhận thức về xã hội còn chưa đủ thì những lời nói của cha, mẹ có thể khiến cho một đứa trẻ có những suy nghĩ lệch lạc hoặc có xu hướng bạo lực, thậm chí là những đứa trẻ có thể xảy ra những suy nghĩ cực đoan về chính bản thân mình.
Dấu hiệu nhận biết cha mẹ bạo hành tinh thần con thường rất khó nhận biết bởi những hành vi cực đoan thường được che đậy trên danh nghĩa của sự quan tâm, của tình yêu thương và trách nhiệm. Một số dấu hiệu nhận biết về tình trạng bạo hành tinh thần như sau:
+ Ở phía cha, mẹ: Cha mẹ bạo hành tinh thần con cái thường có tính tình thất thường, dễ nổi nóng, quát tháo con một cách vô lý, đổ lỗi cho con cái khi họ gặp bất kì một biến cố nào trong công việc cũng như cuộc sống
+ Ở phía con cái: Con cái khi thường xuyên bị bạo hành tinh thần thì tính cách thay đổi, ngày càng thu mình hơn, sợ những ánh mắt của những người xung quanh, có xu hướng bạo lực, ganh đua thái quá,..
2. Nguyên nhân cha mẹ bạo hành tinh thần con cái:
Vậy nguyên nhân vì sao cha, mẹ lại bạo hành tinh thần con cái:
+ Nguyên nhân có thể do đã từng là nạn nhân của những vụ bạo hành
+ Do cha, mẹ mắc những vấn đề về tâm lý, họ mang tâm trạng nặng nề, trầm cảm, rối loạn lo âu rồi từ đó vô tình sử dụng những lời nói của mình làm công cụ để bạo hành tinh thần con cái của mình
+ Nguyên nhân cũng có thể do cha hoặc mẹ lấy con cái làm công cụ để trả thù bạn đời của mình và trả thù xã hội. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp cha mẹ sử dụng con cái là công cụ để chứng tỏ bản thân mình
+ Hoặc nguyên nhân có thể do cha, mẹ nghiện rượu bia, chất kích thích, ngoại tình,…
3. Cha, mẹ bạo hành tinh thần con cái thì bị xử lý như thế nào?
3.1. Cha, mẹ bạo hành tinh thần con cái bị xử lý vi phạm hành chính:
Khi cha, mẹ bạo hành tinh thần con cái có thể bị xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
+ Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm còn phải có những biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi nêu trên, buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
Nếu cha, mẹ còn có hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý có thể bị xử phạt tại Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
– Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
+ Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;
+ Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục
+ Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu
3.2. Cha, mẹ bạo hành tinh thần con cái bị xử lý hình sự?
3.2.1. Truy cứu trách nhiệm hình sự với tội hành hạ người khác:
Theo quy định tại Điều 140
– Chủ thể của tội này chỉ có thể là người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân, trong đó nạn nhân là người bị lệ thuộc. Quan hệ lệ thuộc ở đây phát sinh do quan hệ công tác, do quan hệ tín ngưỡng,…quan hệ lệ thuộc do quan hệ về gia đình
– Hành vi khách quan của tội này là hành vi đối xử tàn ác hoặc hành vi làm nhục. Đó là những hành vi có tính chất hành hạ gây đau đớn về thể xác, về tinh thần cho người lệ thuộc. Cấu thành tội phạm của tội này không đòi hỏi hành vi này phải gây ra hậu quả thương tích hay tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc nhưng hành vi đối xử tàn ác hoặc hành vi làm nhục phải ở mức độ nhất định để có tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
– Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội này là lỗi cố ý
– Hình phạt của tội này được chia thành 02 khung chính:
+ Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
+ Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
* Phạm tội đối với người 16 tuổi, phụ nữ có thai, người gia yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ
* Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể là 31% trở lên
* Phạm tội đối với 02 người trở lên
3.2.2.Truy cứu trách nhiệm hình sự với tội làm nhục người khác:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 155
Tại khung hình phạt cơ bản có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Tại khung hình phạt tăng nặng người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu thuộc những trường hợp sau:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
+ Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình