Công tác đánh giá hiện trạng môi trường không thể được thực hiện thì sẽ không thể thống kê các phương án bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng các công trình. Vậy mức phạt đối với hành vi cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường. Căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Luật bảo vệ môi trường năm 2022 có quy định về vấn đề thực hiện hoạt động đánh giá tác động và đánh giá thực trạng môi trường. Theo đó thì quá trình đánh giá tác động môi trường sẽ do các đối tượng được xác định là chủ dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện quá trình đánh giá tác động môi trường thông qua các đơn vị tư vấn có đầy đủ điều kiện. Quá trình đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu tính khả thi hoặc soạn thảo các loại tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng trên thực tế. Kết quả đánh giá tác động môi trường sẽ được thể hiện bằng báo cáo đánh giá tác động môi trường để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và theo quy định của pháp luật hiện nay thì mỗi dự án đầu tư sẽ phải lập một báo cáo đánh giá tác động và đánh giá hiện trạng môi trường. Như vậy có thể nói, công tác đánh giá hiện trạng môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hành vi cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 55 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, cản trở quá trình thanh tra và kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó thì hành vi cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường có mức xử phạt cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Gây khó khăn cho công tác điều tra và công tác nghiên cứu kiểm soát, gây khó khăn cho công tác đánh giá hiện trạng môi trường hoặc hoạt động công vụ của người có thẩm quyền;
– Có lời nói hoặc hành động đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào, có hành vi lăng mạ xúc phạm danh dự nhân phẩm đối với người đang thi hành công vụ;
– Từ chối chấp nhận quyết định thanh tra kiểm tra, từ chối chấp nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ chối chấp nhận quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền;
– Không tổ chức hoạt động đối thoại về vấn đề bảo vệ môi trường theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hành vi bảo vệ môi trường hoặc theo đơn khiếu nại tố cáo, phù hợp với đơn khởi kiện của tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, người có hành vi gây khó khăn cho công tác đánh giá hiện trạng môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên.
2. Thẩm quyền xử phạt cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường:
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường. Cụ thể như sau:
– Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến năm 1.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị dưới 10.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
-Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền lên đến 1.000.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Như vậy có thể nói, hành vi cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường theo như phân tích nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền cao nhất lên đến 10.000.000 đồng. Như vậy thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở công tác đánh giá hiện trạng môi trường thuộc về chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Nội dung chính của báo cáo công tác đánh giá tác động môi trường:
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 của Luật bảo vệ môi trường năm 2022 có quy định về những nội dung chính cần phải thể hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó thì báo cáo đánh giá tác động môi trường cần phải bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:
– Xuất xứ của các dự án đầu tư, thông tin cơ bản của chủ dự án đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành hoạt động phê duyệt dự án đầu tư, căn cứ pháp lý và căn cứ kĩ thuật trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, phương án đánh giá tác động môi trường và phương án khác được sử dụng trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Sự phù hợp của dự án đầu tư đối với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh hoặc phù hợp với quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường và các quy định khác của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
– Đánh giá việc lựa chọn công nghệ và lựa chọn hạng mục công trình cùng với quá trình hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;
– Điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội cùng với vấn đề đa dạng sinh học, quá trình thực hiện hoạt động đánh giá hiện trạng môi trường và nhận dạng từ các đối tượng bị tác động, các yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư, quá trình thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án đầu tư đó;
– Vấn đề nhận dạng và đánh giá theo quy định của pháp luật, quá trình dự báo các tác động môi trường và các chất thải phát sinh trong các giai đoạn thực hiện dự án đầu tư liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, quy mô và tính chất của các loại chất thải và tác động đến các vấn đề về sinh học và di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa xã hội và các yếu tố nhạy cảm khác, các tác động do giải phóng mặt bằng và quá trình di dân hoặc tái định cư của người dân trong trường hợp có phát sinh, vấn đề nhận dạng và đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư;
– Công trình và các biện pháp thu gom xử lý chất thải phù hợp với quy định của pháp luật;
– Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình thực hiện dự án đầu tư đến môi trường, tổng hợp các phương án cải tạo và các phương án phục hồi môi trường trong trường hợp xảy ra vấn đề không mong muốn, các phương án bồi hoàn đa dạng sinh học trong trường hợp xét thấy cần thiết, các phương án phòng ngừa và ứng phó đối với sự cố môi trường;
– Chương trình quản lý giám sát môi trường và kết quả tham vấn của các chủ thể có thẩm quyền, kết luận và kiến nghị cam kết của chủ dự án đầu tư.
Theo đó thì có thể nói, công tác đánh giá hiện trạng môi trường là một trong những nội dung cần thiết cần phải trình bày trong báo cáo đánh giá tác động môi trường theo phân tích nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2022;
– Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.