Mục đích, ý nghĩa của việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Yêu cầu của việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
Mục lục bài viết
1. Mục đích, ý nghĩa của việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở xã, phường:
Mục đích của giáo dục pháp luật được xem xét trên nhiều góc độ tùy thuộc vào đối tượng giáo dục, cấp độ giáo dục cũng như hình thức giáo dục. Nhìn chung, mục đích giáo dục có thể mang tính lâu dài hoặc trước mắt nhưng đều hướng tới ba vấn đề cơ bản:
Một là giáo dục pháp luật nhằm nâng cao khả năng nhận thức pháp lý, sự hiểu biết pháp luật, hình thành tri thức pháp luật cần thiết cho các chủ thể (với tính cách là đối tượng nhận thức hay là đối tượng của giáo dục). Đây là mục đích hàng đầu của giáo dục pháp luật bởi lẽ sự hiểu biết pháp luật có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển của tư duy pháp lí, định hướng các hành vi của chủ thể trên thực tế.
Tri thức pháp luật tạo nên cơ sở khẳng định lòng tin vào các giá trị của pháp luật, các chuẩn mực pháp lý cần thiết giúp cho các chủ thể chủ động xác lập hành vi và chịu trách nhiệm về hành vi. Tri thức pháp luật không thể là sự hiểu biết đơn giản, phiến diện về một số khía cạnh pháp luật nào đó mà nó mang tính hệ thống, logic. Do đó, giáo dục pháp luật là hoạt động có vai trò quan trọng đối với quá trình mở rộng khối lượng tri thức pháp lý, nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật một cách toàn diện, thống nhất đối với chủ thể.
Hai là giáo dục pháp luật nhằm khơi dậy tình cảm, lòng tin và thái độ đúng đắn đối với pháp luật. Để hình thành lòng tin và đem lại thái độ đúng đắn, tích cực đối với pháp luật ở mỗi người cần phải giải quyết nhiều vấn đề có liên quan, trong đó giáo dục pháp luật là hoạt động cơ bản. Chúng ta biết rằng lòng tin vào pháp luật là lòng tin vào công lí, lẽ công bằng được tạo lập
bởi chính pháp luật. Lòng tin chỉ có giá trị đích thực khi nó đem lại thái độ chủ động trong xử sự phù hợp với pháp luật và được hình thành trên tri thức pháp luật cần thiết (nếu không sẽ là niềm tin mù quáng, phản tác dụng). Giáo dục pháp luật không đơn thuần là chỉ để hiểu biết về các quy định của pháp luật mà cao hơn nữa là để pháp luật được “sống” trong tư duy, hành vi của mọi người, để khơi dậy tình cảm, lòng tin và thái độ đúng đắn ở mỗi người đối với pháp luật. Cần giáo dục tình cảm công bằng, khoan dung, ý thức trách nhiệm, thái độ không khoan nhượng trước các hành vi vi phạm pháp luật và thái độ tôn trọng pháp luật, pháp chế.
Ba là giáo dục pháp luật nhằm hình thành thói quen xử sự theo pháp luật với động cơ tích cực. Tri thức pháp luật không thể là những nội dung lý luận thuần tuý mà nó phải được hiện thực hóa thông qua các hoạt động pháp lý thực tiễn. Mục đích của giáo dục pháp luật không chỉ cung cấp những kiến thức lí luận hoặc các quy định pháp luật cụ thể mà quan trọng hơn là tạo lập được thói quen xử sự theo pháp luật ở mỗi loại chủ thể trong xã hội. Thói quen này được hình thành không phải là thụ động, vô thức mà dựa trên nền tảng của động cơ về hành vi hợp pháp, tích cực. Trên thực tế, để có thói quen xử sự hợp pháp không những đòi hỏi con người phải thu nạp lượng kiến thức pháp lý cần thiết mà còn trải qua quá trình chuyển hoá chủ quan về mặt tâm lý.
Trong những năm gần đây, cùng với thành tựu bước đầu của sự đổi mới và do chính sự nghiệp đổi mới, xu thế hội nhập WTO, trong xã hội ta đã dần dần xuất hiện nhu cầu và lợi ích chung “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Nhu cầu và lợi ích đó không những bắt nguồn từ những đòi hỏi của việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền mà còn bắt nguồn từ những đòi hỏi phải nâng cao trình độ văn hóa pháp lý cho mỗi công dân. Tìm hiểu vai trò để phát huy vai trò của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc nâng cao ý thức pháp lý và văn hóa pháp lý của công dân, chúng ta cần phải hiểu thế nào là văn hóa pháp lý và ý thức pháp luật.
Văn hóa pháp lý là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa nói chung. Văn hóa pháp lý quy định ý thức pháp luật của một xã hội, chất lượng của hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt tính ổn định của trật tự pháp luật trong nước. Văn hóa pháp lý của mỗi nước phụ thuộc vào văn hóa pháp lý của mỗi cá nhân công dân. Mỗi cá nhân có văn hóa pháp lý nghĩa là phải có trình độ kiến thức về các quy phạm pháp luật hiện hành, có thái độ tôn trọng đối với pháp luật, hình thành những xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật, có sự đánh giá và phản ứng đúng đắn đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân khác. Như vậy, văn hóa pháp lý chỉ có thể hình thành và phát triển trên cơ sở giáo dục pháp luật. Đời sống pháp luật có phạm vi rộng lớn, tính chất đa dạng, phức tạp, bao gồm: hệ thống các văn bản pháp luật, các tài liệu, các ấn phẩm và thông tin pháp lý, tình trạng pháp chế, công tác tổ chức, thi hành và áp dụng pháp luật của các cơ quan Nhà nước, tập thể xã hội, thái độ, hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với pháp luật hiện hành… Các yếu tố trên khi tác động vào các giác quan của con người, được con người ghi nhận bằng các cảm giác, tri giác để hình thành các biểu tượng, khái niệm. Các tri thức càng phong phú tức là con người càng hiểu biết đầy đủ, chính xác đời sống pháp luật và trình độ ý thức của chủ thể càng nâng cao. Điều này đúng như GS. TSKH Đào Trí Úc đã khẳng định:
Xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong các cơ quan nhà nước và xã hội làm cho: Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật; để mọi người Việt Nam làm tròn bổn phận công dân trong điều kiện công dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta như Đại hội Đảng lần thứ IX của Đảng đề ra.
Hiện nay, lượng tri thức pháp luật của công dân nước ta đã được nâng cao do điều kiện kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng thông tin được nâng cấp.So với các tỉnh, thành phố khác, lượng tri thức pháp luật của người dân Hà Nội khá cao. Tuy vậy, trên thực tế người dân hay lúng túng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, không có những xử sự tích cực trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ hình thành hệ thống tri thức pháp luật cho công dân, tạo ra trong mỗi người tình cảm đối với pháp luật trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về pháp luật, để mỗi người thấy rằng pháp luật được ban hành trước hết là nhằm mục đích bảo vệ các quyền và tự do chân chính của công dẫn, bảo đảm an ninh xã hội, an toàn cho mỗi con người. Dù pháp luật có đưa ra những hình phạt, nhiều khi là rất nặng nhưng mục đích chính vẫn là bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân khỏi bị xâm phạm. Giáo dục pháp luật cho nhân dân cũng nhằm mục đích để mọi người hiểu về giá trị xã hội của pháp luật. Điều đó cũng giúp cho con người có được tình cảm đối với pháp luật. Có thể nói tình cảm đối với pháp luật là kết quả của sự am hiểu pháp luật và hành vi chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, chấp hành một cách tự giác pháp luật và con người thấy được tự do thật sự, tự do được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, cũng có thể nói rằng, con người chấp hành pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh một khi họ có tình cảm đối với pháp luật, niềm tin vào pháp luật. Để nâng cao văn hóa pháp lý và xây dựng ý thức pháp luật cho nhân dân, cần phải sử dụng đồng bộ, tổng hợp tất cả các phương tiện, phương pháp và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở xã, phường là một phương thức quan trọng nhằm mục thức pháp luật cho công dân.
PBGDPL ở cơ sở xã là một quá trình tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, chuyển tải nội dung pháp luật cho mọi người dân trên các địa bàn xã, phường từ học sinh tiểu học, thanh niên, phụ nữ, cho đến tất cả những người đang sống và làm việc tại địa bàn cơ sở. Họ chính là những người thực hiện pháp luật trên thực tế, ý thức và việc thực hiện pháp luật của họ phản ánh hiệu quả pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho mọi người đều hiểu biết pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật là vấn đề đặc biệt quan trọng, là đòi hỏi khách quan. Chính vì vai trò to lớn của công tác PB, GDPL đối với quá trình quản lý Nhà nước, dân chủ hóa đời sống xã hội và hình thành, phát triển văn hóa pháp lý ở người dân mà ngay từ Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI đã xác định: Cần coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật;..các cán bộ quản lý các cấp từ Trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật. Cần phải sử dụng nhiều hình thức và phương pháp phong phú để nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp lý cho nhân dân.
2. Yêu cầu của việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở:
Yêu cầu chung đối với việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở là phải:
– Đề cao tính Đảng trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quá trình mở rộng và phát huy dân chủ đời sống xã hội; để xây dựng được cần tiến hành phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở để pháp luật đến với mọi người dân. Song song với phổ biến, giáo dục pháp luật, phải không ngừng đảm bảo, đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL ở cơ sở. Ngày nay, với chủ trương tăng cường hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân, nhiều đợt sinh hoạt chính trị đã có một số nội dung và kiến thức pháp luật theo tính chất của việc học tập chính trị. Chẳng hạn, trong các đợt nghiên cứu các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết của các Đại hội Đảng, cương lĩnh và chiến lược, các nghị quyết của nhiều Hội nghị Trung ương trong từng vấn đề, bên cạnh những giải pháp kinh tế xã hội, chính trị tư tưởng, bao giờ cũng có những nội dung có tính chất pháp luật. Chẳng hạn, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng nói về nhiệm vụ và phương hướng đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, trong đó có nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật kỷ cương, tăng cường pháp chế, trong đó có những vấn đề mới mẻ, ví dụ như xây dựng Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm…
– Bảo đảm tính khoa học, tính chuẩn xác, truyền đạt trung thành văn bản. Trong thực tế hiện nay, chức năng giải thích pháp Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng đáng tiếc là Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa thực hiện tốt chức năng này. Do vậy, trên thực tế, việc giải thích luật lại là việc của Chính phủ, của
– Bảo đảm tính đại chúng: phù hợp với đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng
Đối tượng PB, GDPL ở cơ sở với đặc điểm là đại bộ phận nhân dân, những người có thu nhập trung bình, những người lao động tự do, nhiều thành phần và các ngành nghề khác nhau. Chính vì vậy, phổ biến, giáo dục pháp luật phải đảm bảo các yếu tố như: dễ hiểu (chính xác, ngắn gọn về ngôn từ trong khi giải thích), dễ nhớ (không dài dòng, dễ thuộc đối với nhiều người từ các em học sinh đến các cụ cao tuổi), dễ áp dụng(rõ ràng, cụ thể). Phổ biến, giáo dục pháp luật phải đảm bảo được 3 yếu tố nói trên mới có thể dễ dàng “chuyển hóa” đến từng cá nhân thông qua các môi trường như: tổ, đội sản xuất; lớp học, nhóm học, gia đình, cho đoàn, phân đoàn thanh niên, tổ dân phố, cụm dân cư… Đảm bảo được tính đại chúng trong PB, GDPL ở cơ sở sẽ góp phần nâng cao tính khả thi của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống của đại bộ phận nhân dân.
– Chọn được hình thức phù hợp
Việc đưa nội dung pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân là rất cần thiết, nhưng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đại bộ phận nhân dân ở các khu dân cư thì cần thiết phải có hình thức thích hợp. Nghiên cứu các “kênh” phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở nước ta cho thấy, sự hiểu biết pháp luật thường qua các kênh như: qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua học tập chính trị và quản lý, thông qua thảo luận các dự án pháp luật; qua đào tạo, qua hoạt động của các cơ quan áp dụng pháp luật; qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử; qua kinh nghiệm bản thân thông qua hoạt động quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động ở những cương vị khác nhau trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức quần chúng, trong quá trình giải quyết hoặc được giải quyết những vấn đề khác nhau, thông qua những vụ việc công dân tự tranh tụng lên cơ quan Nhà nước (về hành chính, dân sự, về lao động, hình sự…), qua môi trường công tác, nơi học tập, nơi sinh sống, thông qua bạn bè, đồng nghiệp… Trong các “kênh”, các hình thức trên đây thì thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, Internet; qua các đợt sinh hoạt chính trị như bầu cử, lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo luật; qua công tác đào tạo cán bộ là những hình thức phù hợp để PB, GDPL ở cơ sở. Luôn tìm tòi, sáng tạo những hình thức mới đế PBGDPL ở cơ sở là một yêu cầu cần thiết đối với người cán bộ tuyên truyền.
– Yêu cầu đối với người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở phải là những người có kiến thức pháp lý nhất định; có nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có khả năng nói và viết; có khả năng hoà đồng và giao tiếp; biết tích luỹ tư liệu, kiến thức; có kiến thức nhất định về tâm lý học tuyên truyền; tuỳ từng vị trí công tác, địa bàn hoạt động, cần phải có những hiểu biết về xã hội, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền nhất định.
– Yêu cầu đối với đội ngũ chính quyền cơ sở phải trong sạch, vững mạnh, có trình độ pháp luật nhất định, không vi phạm, xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trong công tác thi hành pháp luật phải minh bạch, đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hạch sách, gây khó khăn, phiền hà cho người dân trong quá trình thi hành pháp luật.