Mục đích khi áp dụng hình phạt án treo đối với bị cáo: Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm tính răn đe, giáo dục của pháp luật,...
Mục lục bài viết
1. Bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đối với tội phạm:
Mọi tội phạm đều phải bị trừng trị theo pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà có những hình phạt tương xứng. Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với người bị phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết phải cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội,
Cũng có người cho rằng áp dụng án treo là làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật, vì có những trường hợp không đáng cho hưởng án treo nhưng với ý định chủ quan của người thẩm phán muốn cho hưởng án treo ngay từ đầu nên Toà án hạ thấp mức phạt tù xuống để đủ điều kiện cho hưởng án treo, có những trường hợp đáng cho hưởng án treo thì lại phạt tù giam … Đó là việc con người cố ý làm sai pháp luật làm mất đi bản chất của án treo. Bởi lẽ, chúng ta đều biết, án treo không phải là một loại hình phạt mà nó chỉ là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Có nghĩa là, khi Toà án xét xử một người phạm tội, thì Toà án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, cũng như hậu quả xảy ra để ấn định mức phạt tù tương xứng với hành vi phạm tội, sau đó mới xét đến các điều kiện mà pháp luật quy định để xem xét có nên cho người đó được hưởng án treo hay không. Việc thi hành hình phạt tù đối với người phạm tội có nhiều mặt tốt trong việc cải tạo người phạm tội, nhưng bên cạnh đó không phải không có những hạn chế nhất định. Việc tước đi quyền tự do, cách ly tạm thời người phạm tội ra khỏi môi trường sống bình thường ngoài xã hội, cải tạo họ trong một môi trường đặc biệt ở trại cải tạo, bắt buộc họ phải tuân theo những nguyên tắc hầu như không thay đổi, sẽ làm cho phạm nhân trở nên thụ động. Nếu sống ở trong môi trường đặc biệt này ở một mức độ nhất định, thì tính thụ động đó sẽ trở thành một thói quen mà sau này ra tù không phải ai cũng có thể khắc phục được. Và nếu như những định kiến ngoài xã hội vẫn coi họ là những người bị tù, ngại hay sợ tiếp xúc với họ, hoặc các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế ngoài xã hội … không muốn nhận họ vào làm việc, cùng với những xáo trộn trong cuộc sống gia đình như vợ (chồng) xin ly hôn, kinh tế giảm sút … buộc họ phải tìm mọi cách để tự kiếm sống, thì điều này rất dễ tác động đến tâm lý của họ, rất dễ dẫn đến việc họ sẽ tiếp tục quay lại con đường phạm tội. Điều này cũng giải thích tại sao tỉ lệ tái phạm lại gia tăng trong giai đoạn hiện nay.
Từ những phân tích trên đây có thể thấy rằng, việc duy trì chế độ án treo là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Thực tế đã chứng minh, trong những lần sửa đổi, bổ sung BLHS trước đây đã từng có tranh cãi về việc nên duy trì án treo hay không, cuối cùng các nhà làm luật thấy rằng không thể bỏ được chế định án treo. Chế định án treo đã tồn tại liên tục từ khi nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình thành cho tới nay. Việc áp dụng án treo đúng pháp luật, không những không làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật mà ngược lại nó còn có một vai trò rất lớn trong việc giáo dục cải tạo người phạm tội có thể nhanh chóng khắc phục, sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Áp dụng đúng đắn các quy định về án treo sẽ có tác dụng tốt là không bắt người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội mà cũng đạt được mục đích giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đối với tội phạm; nhưng nếu áp dụng không đúng thì sẽ gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt như: không phát huy được tác dụng tích cực của án treo là khuyến khích người bị kết án tự cải tạo để trở thành người tốt, không thể hiện được tính công minh của pháp luật, không được nhân dân đồng tình ủng hộ, không đề cao được tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
2. Bảo đảm mục đích của hình phạt:
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Các hình phạt trong hệ thống hình phạt của Bộ luật Hình sự hiện hành được quy định rất cụ thể, rõ ràng, loại hình phạt nào được áp dụng cho hành vi phạm tội nào và giới hạn cụ thể cho từng hình phạt. Hình phạt được đặt ra, tuy nhiên hình phạt đó phải tương xứng với tính chất hoặc mức độ nguy hiểm cho xã hội của người hoặc pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, các nhà làm luật quy định các loại hình phạt khác nhau cho mỗi hành vi phạm tội khác nhau và nhiều khi ngay trong cùng một tội cũng có các hình phạt khác nhau để áp dụng tương ứng với các mức độ cụ thể.
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Đây được xem là mục đích chính và là nội dung cơ bản của bản chất hình phạt trong luật hình sự nước ta. Mục đích này không chỉ được thể hiện ngay trong nội dung các loại hình phạt mà nó còn được thể hiện ngay trong chế định khác của Bộ luật hình sự, đặc biệt là các chế định về quyết định hình phạt, các chế định về miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, về đặc xá, về xóa án tích, chế định án treo và các quy định về thi hành án phạt tù. Mục đích của hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Nội dung của mục đích này không nhằm vào người hoặc pháp nhân phạm tội mà nhằm vào cộng đồng xã hội, có tính chất răn đe và phòng ngừa. Mọi người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhìn vào hình phạt để có những xử sự đúng đắn, tôn trọng pháp luật, nếu không họ cũng có thể bị xử phạt như người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời nhắc nhở mọi người tuân thủ pháp luật. Đặt ra mục đích này vừa có tính răn đe, vừa có tính chất giáo dục để mọi người hoặc pháp nhân thương mại tránh xa nó.
Các loại hình phạt tuy có mục đích trừng trị khác nhau, nhưng nội dung chủ yếu của nó là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Án treo tuy không phải là một loại hình phạt mà là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện nhưng nó vẫn bảo đảm mục đích của hình phạt. Chế định án treo cho đến nay đã có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ sự bình yên cho xã hội. Án treo là một bản án giúp cảnh tỉnh, nhắc nhở người phạm tội và cảnh giác đối với những người xung quanh, lấy bài học đó để cố gắng kiềm chế những bản năng xấu trong con người họ khi có điều kiện phạm tội. Bên cạnh đó án treo có tác dụng giáo dục, răn đe những người xung quanh nơi người được hưởng án treo làm việc hoặc cư trú; đem lại những hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa và chống tội phạm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo sự ổn định của đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước. Như vậy, án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam không những đảm bảo được mục đích của hình phạt mà nó còn thể hiện tính nhân đạo của nhà nước ta, thể hiện sự khoan hồng và tính ưu việt với mục đích giáo dục người phạm tội.
3. Bảo đảm không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm:
Mọi hình phạt đều có mục đích bảo đảm không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm. Khi cho người phạm tội hưởng án treo,
Như vậy, khi được Tòa án tuyên cho hưởng án treo, người bị kết án phải chịu một thời gian thử thách, trong thời gian thử thách đó họ phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục họ. Nếu người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ thì họ phải chịu hậu quả do vi phạm nghĩa vụ. Áp dụng đúng pháp luật về án treo có tác dụng răn đe tội phạm, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không bắt bị cáo vào tù nhưng vẫn đạt được mục đích cải tạo, giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm; ngược lại, áp dụng không đúng sẽ gây ra các hậu quả tiêu cực cho xã hội và bản thân người bị kết án, bảo đảm không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm.
4. Góp phần giáo dục công dân tuân thủ pháp luật:
Án treo là sự kết hợp giữa trừng trị và giáo dục, giữa trừng trị và khoan hồng, nhân đạo, đó là các yếu tố hợp thành trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Án treo có tác dụng khuyến khích người bị kết án với sự giúp đỡ tích cực của xã hội, tự lao động cải tạo để trở thành người lương thiện, đồng thời cảnh cáo họ là nếu trong thời gian thử thách mà phạm tội mới do vô ý và bị phạt tù hoặc phạm tội mới do cố ý thì họ phải chấp hành hình phạt tù đã được hưởng án treo của bản án trước.
Án treo còn có tác dụng cảnh tỉnh, nhắc nhở người phạm tội, cũng như những người xung quanh lấy đó làm bài học để cố gắng tránh xa những cạm bẫy của đời thường, tránh được việc phạm tội. Đồng thời án treo cũng có tác dụng thu hút một bộ phận dân cư tham gia và việc giúp đỡ, giáo dục, giám sát người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, làm cho họ không phân biệt, xa lánh người bị kết án mà tiến lại gần gũi, giúp đỡ họ để họ cải tạo tốt hơn và sớm hoà nhập với cộng đồng từ đó góp phần giáo dục công dân tuân thủ pháp luật.