Trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông? Xác định lỗi gây thiệt hại khi va chạm giao thông.
Trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông? Xác định lỗi gây thiệt hại khi va chạm giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào quý luật sư. Sau đây tôi xin trình bày sự việc và mong quý công ty tư vấn và giúp đỡ gia đình tôi trong trường hợp sau. Sự việc: Vào lúc 17h ngày 15/11/2016, cháu họ của tôi (2 tuổi) băng qua đường quốc lộ 12A (đường có hai làn xe), cháu đã qua gần hết làn đường bên kia. Nhưng có một chiếc ô tô (1,25 tấn) chạy trên về và do tài xế xe không để ý ra cháu nên khi phát hiện thì tài xế đánh lái sang làn đường khác khiến cháu tôi chết. (Nếu tài xế không đánh lái hoặc phanh dừng lại thì đã không xảy ra chuyện gì vì cháu tôi đã qua gần hết làn đường bên kia). Đoạn đường đó rất thẳng và bằng không có chướng ngại vật. Vậy nhờ quý công ty giải đáp và tư vấn cho tôi một số câu hỏi sau đây:
1. Nếu ra tòa xử thì mức đền bù cho gia đình cháu tôi là bao nhiêu. Nếu tòa yêu cầu đền bù 100 triệu nhưng gia đình họ chỉ đưa 40 triệu và không chịu trả hết thì phải làm như thế nào?
2. Ví dụ tòa yêu cầu bồi thường 100 triệu nhưng gia đình họ không chịu trả đồng nào và chấp nhận án tù treo thì khi đó bên bị nạn vừa mất con vừa mất tiền. Vậy họ làm như thế có được không?
3. Vì xe của họ có bảo hiểm nên bên bảo hiểm sẽ chi trả khoảng 70 triệu để đền bù thiệt hại cho người chết. Nhưng họ lại đưa 50 triệu hoặc không đưa cho gia đình bị nạn thì pháp luật có thể can thiệp không.
4. Người gây tai nạn bảo vì cháu tôi dưới 6 tuổi nên khi ra đường không có người lớn dẫn dắt nên xảy ra tai nạn họ không sai. Và nếu có đền thì chỉ là trên tình cảm. Họ nói vậy đúng không à. Mong quý công ty giúp đỡ cho tôi. Vì nhà ở quê nên am hiểu pháp luật hạn chế. Mong quý công ty tư vấn. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
Xem thêm: Mức phạt người rải đinh ra đường? Mức phạt hành vi rải đinh ra đường?
– Luật giao thông đường bộ 2008
2. Nội dung tư vấn
Vì vụ việc xảy ra trước năm 2017 nên áp dụng Bộ luật dân sự 2005 (hết hiệu lực ngày 01/01/2017).
Trước tiên, với những thông tin bạn cung cấp chưa thể xác định chính xác lỗi của các bên trong vụ việc nói trên mà cần căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan công an để giải quyết vụ việc. Như vậy, có ba trường hợp có thể xảy ra:
+ Nếu vụ việc được xác định là xảy ra do lỗi hỗn hợp- cả hai bên cùng có lỗi thì việc bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định tại Điều 617 Bộ luật dân sự 2005:
“Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình”
+ Nếu lỗi hoàn toàn thuộc về người bị hại thì người gây thiệt hại không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng theo quy định tại Điều 617 Bộ luật dân sự 2005:
“Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”
+ Nếu vụ việc xảy ra hoàn toàn do lỗi của người gây thiệt hại thì họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho toàn bộ thiệt hại xảy ra.
Xem thêm: Trường hợp nào lái xe được rời khỏi hiện trường tai nạn giao thông?
Căn cứ khoản 5 Điều 32 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
"Điều 32. Người đi bộ
5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường."
Người bị thiệt hại trong tình huống này là cháu họ bạn, vì cháu của bạn mới 2 tuổi, khi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại cần phải có người lớn dắt. Nhưng khi cháu bạn sang đường không có người lớn dắt qua đường, cháu còn quá nhỏ nên cháu chưa có năng lực hành vi dân sự để xem xét yếu tố lỗi, vụ việc xảy ra khi cháu bé một mình qua đường quốc lộ nên nhiều khả năng sẽ được xác định là lỗi hỗn hợp với một phần lỗi của cha mẹ hay người giam hộ trực tiếp của cháu bé khi thiếu sự quản lý, chăm sóc với cháu bé. Nên cha mẹ của cháu bé cũng được xác định là có lỗi dẫn đến thiệt hại của cháu trong trường hợp này. Đối với người điều khiển xe ô tô cần xem xét yếu tố lỗi trong trường hợp này, nếu người điều khiển xe ô tô khi tham gia giao thông chấp hành đúng quy định của luật giao thông đường bộ, đi đúng làn đường, phần đường, đi đúng tốc độ, không sử dụng chất kích thích….không phải là nguyên nhân gây tai nạn giao thông thì sẽ không phải bồi thường thiệt hại. Còn nếu người điều khiển xe ô tô không chấp hành đúng luật giao thông đường bộ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Do đó, cần phải xác đinh mức độ lỗi của người điều khiển xe ô tô để xác định mức bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi.
Về mức bồi thường, vì thiệt hại xảy ra là tính mạng con người nên về nguyên tắc pháp luật không quy định mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp này mà sẽ chỉ đưa ra những quy định khung và cần đến sự thỏa thuận giữa các bên. Cụ thể, Điều 610 Bộ luật dân sự 2005:
“Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c)
Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Trên cơ sở đó, căn cứ vào những thông tin từ vụ việc bạn cung cấp thì người gây thiệt hại trong tình huống này sẽ phải bồi thường các khoản chi phí bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Nếu hai bên không thể đi đến thỏa thuận thì Tòa án sẽ quyết định một mức bồi thường thiệt hại cụ thể trên cơ sở xem xét, đánh giá tất cả các yếu tố về lỗi, thiệt hại…
>>> Luật sư tư vấn bồi thường thiệt hại qua tổng đài: 1900.6568
Về trường hợp bên gây thiệt hại không thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Bạn cần hiểu rằng, trong trường hợp vụ việc được đưa ra Tòa án do hai bên không thống nhất được với nhau về việc giải quyết thì phán quyết của Tòa án có giá trị bắt buộc thi hành với các bên và được đảm bảo thi hành bởi quyền lực Nhà nước. Nếu bên gây thiệt hại không thực hiện nghĩa vụ bồi thường như nội dung quyết định của Tòa án thì bạn và người nhà có quyền làm đơn đến cơ quan thi hành án để được đảm bảo quyền lợi. Ngay cả trong trường hợp người gây thiệt hại bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong tình huống này thì người này vẫn có nghĩa vụ thực hiện việc bồi thường thiệt hại với tư cách là thực hiện phần nghiã vụ dân sự trong vụ án hình sự.