Mua và bán thuốc giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trách nhiệm hình sự với hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Mua và bán thuốc giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trách nhiệm hình sự với hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Em có trường hợp này nhờ luật sư tư vấn giúp em. Bạn em làm nghê buôn bán dược phẩm không may mua phải thuốc giả mà bạn em không biết và đã bán đi nhiều nơi nhưng chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng. Vậy thưa luật bạn em có bị luận tội không? Xin luật sư tư vấn giúp?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý.
– Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Giải quyết vấn đề.
Căn cứ theo Điều 157 Bộ luật hình sự 1999 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định:
"Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.".
Theo pháp luật hình sự quy định bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ khi bạn đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm:
– Mặt khách quan:
Hành vi khách quan bao gồm các hành vi: sản xuất ra các loại hàng giả; mua và bán hàng giả
Đối tượng: hàng giả ở đây bao gồm hàng giả chất lượng hoặc công dụng hoặc có thể giả về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; nhãn hàng hóa
Về mặt hậu quả của tội này thì không phải là yếu tố cấu thành bắt buộc mà chỉ có ý nghĩa về định khung hình phạt, như bạn đã cung cấp thông tin bạn của bạn đã có hành vi buôn bán dược phẩm giả và chưa gây ra hậu quả nghiệm trọng thì tình tiết chưa gây hậu quả nghiêm trọng chỉ được xem xét để giảm nhẹ hình phạt.
– Chủ thể: Là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 12 Bộ luật Hình sự 1999, không mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi.
– Khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của Nhà nước, đồng thời xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe (như gây ra ngộ độc dẫn đến chết người hoặc tổn hại sức khoẻ) của người khác;
– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (động cơ vì vụ lợi).
Như vậy, mặc dù bạn của bạn đã có hành vi buôn bán hàng già là thuốc phòng, chữa bệnh và đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tuy nhiên bạn của bạn lại không có lỗi cố ý vì mục đích vụ lợi mà chỉ là do không biết và hoàn toàn vô ý trong trường hợp này nên bạn của bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội 157 Bộ luật hình sự 1999.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về hành vi buôn bán dược phẩm giả: 1900.6568
Tuy nhiên bạn của bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 11
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, bạn của bạn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi và tiêu hủy dược phẩm giả là đối tượng mà bạn của bạn đã thực hiện hành vi kinh doanh.