Trên thực tế, không ít người bán đã bị khách hàng "bùng tiền" sau khi thực hiện giao dịch mua bán. Vậy thì, mua hàng không trả tiền có bị phạt tiền hay phạt tù hay không?
Mục lục bài viết
1. Mua hàng không trả tiền có bị phạt tiền hay phạt tù không?
1.1. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua hàng không trả tiền:
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện nay cụ thể là tại Điều 430 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành thì có quy định về hợp đồng mua bán tài sản, trong đó ghi nhận, hợp đồng mua bán tài sản được coi là một hình thức thỏa thuận của các bên, theo đó thì bên bán sẽ chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho bên mua và đồng thời thì bên mua sẽ trả tiền cho bên bán. Ngoài ra theo quy định tại Điều 440 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của bên mua, cụ thể như sau:
– Bên mua phải có nghĩa vụ thanh toán tiền theo đúng thời hạn và đúng địa điểm, đúng với số tiền mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật;
– Đối với trường hợp mà các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng sẽ được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản đó. Nếu như trường hợp các bên không có thoả thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì khi đó bên mua sẽ phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
Như vậy có thể thấy, trả tiền cho bên bán được coi là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của bên mua. Nếu như mua hàng mà không trả tiền sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với hành vi mua hàng không trả tiền thì sẽ căn cứ tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì các chủ thể có thể bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi thực hiện hành vi vi phạm đó là dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn, không trả tiền khi mua hàng với mục đích để chiếm đoạt tài sản của người khác.
1.2. Mua hàng không trả tiền có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Đối với câu hỏi: nếu mua hàng không trả tiền thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Câu trả lời là có nếu như hành vi mua hàng không trả tiền đủ yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), về tội “lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của người khác”. Trường hợp nếu như người mua cố tình dùng những thủ đoạn gian dối hoặc người mua dùng những thủ đoạn và trốn hoặc bất kỳ thủ đoạn nào khác với mục đích không trả số tiền đã mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ, hoặc người mua đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành một trong các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản … thì khi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm trên theo quy định của pháp luật.
Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được xem là hành vi gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu, với nguy hiểm cho xã hội và hành vi đã được tính toán cân nhắc là hoạt động có ý thức và ý chí của chủ thể, được thực hiện dưới hình thức hành động phạm tội. Hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm tài sản khá đa dạng. Như vậy thì loại tội phạm này được thể hiện trước hết ở dấu hiệu: người phạm tội đã nhận được tài sản một cách hợp pháp từ chủ sở hữu, căn cứ pháp lý của việc nhận tài sản là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, mà cụ thể ở đây là hợp đồng mua bán. Hành vi chiếm đoạt của loại tội phạm này có thể biểu hiện qua các thủ đoạn như gian dối, bỏ trốn, hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Tiêu biểu nhất là thủ đoạn bỏ trốn. Đây là trường hợp người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi nhận tài sản một cách hợp pháp đã bỏ trốn và ý thức cố tình không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Bỏ trốn để trốn tránh việc trả nợ là trường hợp người vay hoặc người mua nhận tài sản từ các hình thức hợp đồng khác nhau nhưng khi đến thời hạn thanh toán họ đã bỏ khỏi nơi cư trú hoặc cố tình giấu địa chỉ không cho chủ đã biết cho đến khi bị phát hiện và bắt giữ.
Theo quy định trên, tùy vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả khác nhau, người mua hàng không trả tiền có thể bị xử lý hình sự với mức phạt lên đến 20 năm tù.
2. Khởi kiện đòi tiền khách hàng khi mua hàng không thanh toán:
Về nguyên tắc theo như đã phân tích ở trên thì khi mua hàng, bên mua đã nhận hàng thì phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên bán đủ tiền và theo đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận, và nếu như hai bên có thỏa thuận với thời gian chậm trả thì khi hết thời hạn thỏa thuận đó bên mua sẽ phải trả đủ tiền cho bên bán. Như vậy có thể thấy, khi khách hàng không thanh toán tiền thì đầu tiên sẽ phải dùng phương pháp thương lượng và thỏa thuận, có thể liên hệ với khách hàng nhiều lần để đòi nợ. Nếu Như không thỏa thuận được thì sẽ khởi kiện ra tòa án, tranh chấp dân sự trong trường hợp này có tầm quan giải quyết của tòa án căn cứ theo Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện hành. Cụ thể là có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi mà khách hàng đang sinh sống và yêu cầu họ trả lại số tiền theo như các bên đã thỏa thuận (căn cứ theo Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Về án phí, thì bên khởi kiện sẽ phải tiến hành nộp án phí, mức án phí sẽ do pháp luật quy định và nếu như thắng kiện thì sẽ được tòa án tuyên án, khi đó bị đơn sẽ phải trả lại án phí. Đồng thời xét về tính khả thi, các chủ thể có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình sẽ phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án và quyết định có hiệu lực của tòa án cũng như phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án theo pháp luật thi hành án hiện nay. Rồi phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện tiến hành thi hành án thì khi đó sẽ bị cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Hiện nay ghi nhận một số biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:
– Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
– Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
– Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ;
– Khai thác tài sản của người phải thi hành án;
– Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ;
– Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Như vậy, việc thực hiện cưỡng chế này phụ thuộc vào bên khách hàng của bạn có tài sản hay không để có thể thực hiện được biện pháp cưỡng chế.
3. Mẫu đơn tố cáo mua hàng không trả tiền:
Dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho quý khách hàng mẫu đơn tố cáo mua hàng không trả tiền, khách hàng có thể tải mẫu đơn và thay đổi thông tin để phù hợp với hoàn cảnh và phù thuộc với trường hợp của khách hàng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…, ngày … tháng … năm …
ĐƠN TỐ CÁO
Kính gửi: …..
Họ và tên tôi: …
Sinh ngày: …
Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu số: …
Ngày cấp: … Cấp tại: …
Hộ khẩu thường trú:
Chỗ ở hiện tại: …
Số điện thoại liên hệ: …
Tôi làm đơn này tố cáo và đề nghị Quý cơ quan tiến hành điều tra, khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng sau:
Họ và tên tôi: …
Sinh ngày: …
Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu số: …
Ngày cấp: … Cấp tại: …
Hộ khẩu thường trú:
Chỗ ở hiện tại: …
Số điện thoại liên hệ: …
Sự việc cụ thể như sau: …
Từ những sự việc trên, có thể khẳng định anh/chị … đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền là … đồng.
Qua thủ đoạn và hành vi như trên, anh/chị … đã chiếm đoạt tổng giá trị tài sản có giá trị là … đồng của tôi.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nay tôi viết đơn này tố cáo anh/chị … lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Kính đề nghị quý cơ quan giải quyết cho những yêu cầu sau đây:
– Xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử anh/chị … về đúng người và đúng tội;
– Buộc anh/chị … phải trả lại tiền cho tôi tổng cộng là … đồng.
Tôi cam kết toàn bộ nội dung đã trình bày trên là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên.
Kính mong được xem xét và giải quyết. Xin chân thành cảm ơn.
Người tố cáo
(ký và ghi rõ họ tên)
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2015);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.