Mua bằng Trung học phổ thông giả. Hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Mua bằng Trung học phổ thông giả. Hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi luật sư, nếu một người chỉ chỗ cho người khác mua bằng THPT giả khi được hỏi. Và chỗ đó được đăng trên mạng xã hội. Thì người chỉ chỗ đó sẽ bị phạt như thế nào. Xin cảm ơn luật sư.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định như sau:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo đó: hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ sẽ bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra người thực hiện hành vi có thể phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, trong Nghị định 138/2013/NĐ-CP không quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi giới thiệu người tiêu thụ văn bằng, chứng chỉ giả. Theo mục d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: "Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.", để xác định trách nhiệm đối với người giới thiệu nơi làm bằng giả cần xác định người giới thiệu người tiêu thụ văn bằng, chứng chỉ giả có tham gia vào hoạt động mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, có tham gia làm giả văn bằng hoặc chứng chỉ hay không. Nếu như, người đó, có tham gia vào hoạt động làm giả văn bằng, chứng chỉ thì mới bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc mua bán thể hiện ở việc người giới thiệu phải nhận được một khoản lợi ích vật chất từ hoạt động mua bán văn bằng, chứng chỉ giả.
Ngoài ra, Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:
"1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng."
Theo đó, người nào làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ bị làm giả của cơ quan, tổ chức nhằm lừa dối các cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người thực hiện các hành vi trên có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Bên cạnh đó, người nào cùng thực hiện hành vi trên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội trên với vai trò đồng phạm.