Khái quát về phí chợ, phí thuê ki- ốt tại các phường, thị trấn? Mức thu phí chợ, phí ki-ốt tại các phường, thị trấn ở một số địa phương?
Kinh doanh, buôn bán đang là xu hướng thu nhiều lợi nhuận được nhiều cá nhân lựa chọn, bên cạnh các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thời trang, thiết bị điện tử, đồ ăn,… được “mọc” lên lẻ tẻ tại các mặt đường phố thì nhìn chung mô hình tổ chức thành “chợ” vẫn là truyền thống của nước ta hiện nay. Các khu chợ truyền thống được xây dựng với quy mô ngày càng lớn hơn, hiện đại hơn nhưng với mức phí hợp lý đã thu hút nhiều cá nhân, hộ gia đình thuê làm nơi buôn bán. Có lẽ, nội dung mà nhiều người quan tâm nhất là mức phí chợ, phí thuê ki-ốt tại các chợ thuộc xã, phường, thị trấn, vì vậy, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc một số các nội dung liên quan và mức phí cụ thể tại một số địa phương trong cả nước.
Luật sư
Cơ sở pháp lý tham khảo
– Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
– Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
1. Khái quát về phí chợ, phí thuê ki- ốt tại các phường, thị trấn?
Theo Đại Từ điển tiếng Việt – NXB Từ điển Bách Khoa – 2003 (tr.138)Theo Đại Từ điển tiếng Việt – NXB Văn hoá Thông tin – 2004: “Chợ là nơi tụ họp giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hoá, thực phẩm hàng ngày theo từng buổi hoặc từng phiên nhất định (chợ phiên).
Khái niệm chợ thường hiểu dưới góc độ là chợ truyền thống, là khái niệm để chỉ một loại hình kinh doanh được phát triển dựa trên những hoạt động thương mại mang tính truyền thống, được tổ chức tại một điểm theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa- dịch vụ và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư. Hoạt động của chợ được thực hiện có tổ chức,đó là việc thành lập tổ quản lý, Ban quản lý chợ thành đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải các chi phí hoạt động, Quản lý điều hành các hoạt động kinh doanh của chợ theo Nội quy chợ.
Trong sự phát triển của kinh tế, cơ sở hạ tầng quốc gia, tuy nhiên, chợ vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, trong đó:
– Đối với sản xuất: Chợ là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chợ phản ảnh nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hàng hóa của từng địa phương.
– Đối với phát triển thương mại: Chợ đã góp phần tăng giá trị ngành thương mại trên địa bàn và tăng thu ngân sách, thể hiện vai trò quan trọng trong việc tham gia bình ổn thị trường.
– Đối với phát triển xã hội và giải quyết việc làm: Chợ là nơi giải quyết việc làm cho nhiều người lao động đặc biệt là những người lao động phổ thông không đòi hỏi trình độ. Chợ thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
Chợ có thể được phân loại theo tính chất mua bán gồm:
Chợ bán buôn: Các chợ này có doanh số bán buôn chiếm tỷ trọng cao trên 60-70%, thường tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn, có phạm vi hoạt động lớn tập trung khối lượng hàng hoá lớn.
Chợ bán lẻ: là những chợ thuộc cấp xã, phường (liên xã, liên phường), cụm dân cư hàng hoá qua chợ chủ yếu là bán lẻ, bán chủ yếu cho người tiêu dùng trực tiếp hàng ngày.
Ky-ốt (theo tiếng Pháp là “kiosque”)- quầy hàng (quầy bán hàng) được hiểu là một địa điểm bán hàng hóa với quy mô nhỏ thường được xây dựng và cấu trúc với các ô vuông hoặc hình tròn tại các khu chợ tập trung, được cá nhân, hộ gia đình thuê với mức phí do chủ thể có thẩm quyền quyết định.
Khi thực hiện kinh doanh tại các điểm kinh doanh tại chợ (bao gồm quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m2/điểm.) người kinh doanh phải nộp phí theo quy định.
Đánh giá khách quan thực tế các chợ ở các phường, thị trấn mặc dù đã có sự phát triển ở một số địa phương, nhưng ở một số nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa xứng tầm với các yêu cầu của chợ văn minh và hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp … Vệ sinh môi trường chợ không đảm bảo, cơ sở vật chất rất sơ sài, các công trình phụ trợ như hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điểm thu gom rác rất tạm bợ và có nhiều chợ không có, diện tích quầy sạp kinh doanh nhỏ, khoảng 4-5 m2.
Chợ xã, phường, thị trấn là chợ loại 3: Là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. Chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.
Phí chợ là loại phí thu từ các tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích mặt bằng để mua bán, kinh doanh trong khu vực chợ (trừ các tổ chức, cá nhân đã nộp tiền thuê mặt bằng, hạ tầng chợ để mua bán, kinh doanh thông qua đấu giá hoặc thỏa thuận hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
2. Mức thu phí chợ, phí ki-ốt tại các phường, thị trấn ở một số địa phương?
Mức thu phí chơ, phí ki- ốt ở mỗi địa phương là có sự khác nhau, căn cứ vào quy mô, cơ sở hạng tầng và loại chợ thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định mức thu phí chợ “chuẩn” phù hợp nhất.
Đối tượng thực hiện nộp là người bán hàng sử dụng diện tích bán hàng cố định hoặc không cố định bán hàng tại các Chợ trên địa bàn.
Đối tượng thực hiện thu là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Chợ, bao gồm: Ban Quản lý Chợ, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi được giao quản lý hoạt động kinh doanh Chợ, các tổ chức, cá nhân được phép đầu tư và được cấp phép kinh doanh hoạt động Chợ.
Dưới đây là một số mức phí tại một số địa phương, cụ thể
Theo Quyết định 507/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 217/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái:
Chợ hạng 3 (có dưói 200 điểm kinh doanh)
1. Kinh doanh cố định không có quầy (ki ốt)
a. Kinh doanh cố định có mái che (do nhà nước hoặc tổ chức kinh doanh khai thác chợ đâu tư xây dựng) thuộc phạm vi chợ
– Tại các chợ trừ thị trấn Trạm Tẩu, thị Irấn Mù Cang Chải và chợ xã: 30.000 Đồng/m2/tháng
– Chợ tại thị trấn Trạm Tẩu, thị trấn Mù Cang Chải: 10.000 Đồng/m2/tháng
– Chợ xã: 5.000 Đồng/m2/tháng
b. Kinh doanh cố định khác thuộc phạm vi chợ
– Tại các chợ trừ thị trấn Trạm Tấu, thị trấn Mù Cang Chải và chợ xã: 10.000 Đồng/m2/tháng
– Chợ tại thị trấn Trạm Tẩu, thị trấn Mù Cang Chải: 5.000 Đồng/m2/tháng
– Chợ xã: 2.000 Đồng/m2/tháng
c. Kinh doanh lưu động
– Tại các chợ trừ thị trấn Trạm Tấu, thị trấn Mù Cang Chải và chợ xã: 3.000 Đồng/ngày
– Chợ tại thị trấn Trạm Tẩu, thị trấn Mù Cang Chải: 2.000 Đồng/ngày
– Chợ xã: 1.000 Đồng/ngày
d. Kinh doanh cố định có thuê quầy (ki ốt): 50.000 Đồng/m2/tháng
Theo quyết định số 27 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai,Ban hành Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các mức thu tại chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Quyết định này ban hành khá cụ thể, chi tiết, trong đó xác định 3 nội dung thu:
– Thu đầu tư: Là khoản thu tiền thuê đất khi giao đất và chi phí đầu tư hạ tầng chợ bao gồm: Nhà lồng chợ, mái nhà lồng chợ, đường nội bộ, vỉa hè, hệ thống cấp nước thoát nước, hệ thống điện, hệ thống xử lý nước thải, cầu thang cuốn, xây dựng sạp hàng, quầy hàng, ki-ốt, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (đầu tư ban đầu), sửa chữa nâng cấp nhỏ.
– Thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ: Là khoản thu để bù đắp cho công tác quản lý, sắp xếp ngành hàng kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chi phí duy trì hoạt động nhà vệ sinh công cộng tại chợ; các chi phí như: Điện, nước, bảo trì, mua sắm thiết bị phòng cháy chữa cháy, mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy nhà lồng chợ, cấp thoát nước (sử dụng cho mục đích hoạt động chung của chợ), trông giữ hàng hóa ban đêm tại chợ (nếu có), thông tin tuyên truyền.
– Thu đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vận tải cơ giới vận chuyển hàng hóa ra, vào chợ: Là khoản thu để bù đắp cho công tác quản lý, chi phí sửa chữa đường nội bộ xung quanh chợ.
Mức thu đối với hộ kinh doanh cố định
Đơn vị tính: Đồng/m2/tháng
STT | Loại hình chợ | Nhóm 1 | Nhóm 2 | Nhóm 3 | Nhóm 4 |
1 | Chợ đầu mối, chợ hạng 1 | 50.000 | 42.000 | 30.000 | 25.000 |
2 | Chợ hạng 2 | 40.000 | 36.000 | 25.000 | 22.000 |
3 | Chợ hạng 3 | 30.000 | 24.000 | 20.000 | 18.000 |
4 | Chợ đêm | 50.000 | 36.000 | 30.000 | 25.000 |
Mức thu đối với hộ kinh doanh không cố định
Đơn vị tính: Đồng/hộ/ngày
(tương ứng với diện tích đất chiếm không quá 3 m2/hộ)
STT | Loại hình chợ | Nhóm 1 | Nhóm 2 | Nhóm 3 | Nhóm 4 |
1 | Chợ đầu mối, chợ hạng 1 | 4.000 | 3.500 | 3.000 | 2.500 |
2 | Chợ hạng 2 | 3.500 | 3.000 | 2.500 | 2.000 |
3 | Chợ hạng 3 | 2.500 | 2.000 | 1.500 | 1.000 |
Mức giá thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước
Đối với hộ kinh doanh cố định (mức thu đã bao gồm thuế giá trị gia tăng)
– Chợ đầu mối mức giá tối đa không quá 250.000 đồng/m2/tháng.
+ Chợ hạng 1, hạng 2, hạng 3 mức giá tối đa không quá 60.000 đồng/m2/tháng.
+ Chợ đêm mức giá tối đa không quá 100.000 đồng/m2/tháng.
– Đối với hộ kinh doanh không cố định
+ Chợ đầu mối mức giá tối đa không quá 50.000 đồng/hộ/ngày (tương ứng với diện tích đất chiếm 3 m2).
+ Chợ hạng 1, hạng 2, hạng 3, chợ đêm mức giá tối đa không quá 10.000 đồng/hộ/ngày (tương ứng với diện tích đất chiếm 3 m2).
+ Trường hợp hộ kinh doanh không cố định sử dụng nhiều hơn 3m2/hộ thì mỗi diện tích tăng thêm áp dụng mức thu tăng thêm tương ứng.
Nhìn chung, mức thu phí không quá cao so với địa điểm kinh doanh khá thuật lợi và mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ thể kinh doanh tại các địa điểm kinh doanh của chợ.