Một số quy định về người giám sát công trình? Quy trình giám sát thi công công trình xây dựng? Thành lập tổ giám sát công trình? Một tổ giám sát công trình có thể cùng lúc giám sát nhiều công trình?
Trong một xã hội phát triển nhanh chóng và không ngừng nghỉ như ngày nay, có rất nhiều công trình ra đời và được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Trong quá trình thi công, để đảm bảo sự an toàn và chính xác thì cần có sự giám sát của một tổ giám sát công trình có năng lực về chuyên môn cao. Quy trình giám sát thi công công trình có ý nghĩa quan trọng và những vai trò to lớn đối với mỗi chủ đầu tư hay nhà thầu. Pháp luật nước ta cũng đã ban hành các văn bản pháp luật có những quy định cụ thể về hoạt động giám sát công trình. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về giám sát công trình và một tổ giám sát công trình có thể cùng lúc giám sát nhiều công trình hay không?
Luật sư
1. Một số quy định về người giám sát công trình:
1.1. Người giám sát công trình là gì?
Giám sát công trình hay còn gọi là giám sát thi công, giám sát xây dựng.
Đây là một trong những vị trí mà cần phải chịu trách nhiệm kiểm sát và theo dõi chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành để đảm bảo công trình xây dựng đạt chuẩn về thi công, an toàn lao động và thời hạn quy định.
Đối tượng đảm nhận vị trí giám sát công trình cần bắt buộc trình độ kỹ sư có chứng chỉ và hành nghề theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
Kỹ sư giám sát công trình là người đại diện chủ thầu (đầu tư xây dựng) và chịu trách nhiệm theo dõi cập nhật tình hình báo cáo và xử lý hiệu quả công việc liên quan đến công trình xây dựng.
Giám sát công trình là một trong những công việc ảnh hưởng trực tiếp tới dự án nên phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc và đúng theo quy trình, quy định theo pháp luật hiện hành.
1.2. Công việc của kỹ sư giám sát xây dựng:
Giám sát xây dựng được phân chia thành từng mảng công việc khác nhau nên công việc của mỗi giám sát xây dựng đối với từng lĩnh vực cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là một trong những lĩnh vực cơ bản trong giám sát xây dựng, cụ thể:
Công việc của giám sát công trình thi công:
– Giám sát công trình thi công thực hiện quá trình theo dõi, đánh giá, kiểm tra quá trình thi công tại hiện trường và cập nhật tình hình, thông tin để lưu vào sổ công tác.
– Giám sát công trình thi công kiểm tra, đôn đốc công nhân thi công đúng quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật.
– Giám sát công trình thi công hướng dẫn nghiệp vụ và chấm công cho công nhân đầy đủ.
– Giám sát công trình thi công nếu phát hiện sai phạm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, thì lập tức tiến hành đình chỉ thi công, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và đề xuất những phương án để xử lý nhanh và báo cáo cấp trên để xin chỉ thị.
– Những đầu mối phải chịu trách nhiệm về sai phạm và những phát sinh trong quá trình thi công.
– Giám sát công trình thi công phối hợp với các bên liên quan lập
– Giám sát công trình phải theo dõi và quản lý công trình thi công
– Giám sát công trình phải thường xuyên cập nhật những thông tin, tình trạng tiến độ công trình xây dựng tại hiện trường.
– Giám sát công trình phải kiểm tra những công tác thi công của các nhà thầu để đảm bảo sự hài hòa và thống nhất với những hạng mục chính.
– Giám sát công trình phải luôn nhanh chóng và xử lý kịp thời những sai sót trong hồ sơ, tổ chức thi công để báo cáo ngay cơ quan tiềm ẩn.- Giám sát công trình phải hướng dẫn và kiểm tra hồ sơ thực hiện quản lý chất lượng đội thi công và nhà thầu phụ.
– Giám sát công trình phải xác nhận khối lượng công việc và nghiệm thu công trình đã hoàn thành đảm bảo mục tiêu và chất lượng.
– Giám sát công trình phải tham gia và thẩm định tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật cho các dự án phân công.
– Hồ sơ các phòng ban dự thầu.
– Giám sát công trình phải thực hiện những công việc theo chỉ thị của cấp trên.
2. Quy trình giám sát thi công công trình xây dựng:
Quy trình giám sát thi công công trình xây dựng là một quy trình quan trọng và có vai trò cốt lõi, đảm bảo tính toàn diện của một công trình, về cả chất lượng, mục tiêu và cả hiệu quả sử dụng sau này. Một công trình xây dựng muốn đạt chuẩn thì các chủ đầu tư hay nhà thầu cần phải có sự đầu tư kỹ lưỡng vào quy trình giám sát thi công công trình xây dựng.
Đối với một quy trình giám sát thi công đạt chuẩn sẽ đảm bảo cho công trình sau khi hoàn hiện có độ an toàn và đạt chất lượng tốt nhất. Quy trình giám sát thi công xây dựng giúp công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo những yêu cầu về kỹ thuật đặt ra. Quy trình giám sát thi công công trình xây dựng bao gồm tám bước cơ bản như sau:
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ thiết kế:
Trước hết, bước đầu tiên đó là kiểm tra hồ sơ thiết kế công trình.
Việc kiếm tra sẽ giúp cho việc đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ thiết kế thi công của công trình xây dựng, thẩm tra dự toán và các yêu cầu kỹ thuật để nhằm mục đích phát hiện những thiếu sót từ đó sớm có những biện pháp nhằm khắc phục hậu quả hoặc bổ sung thêm những điều kiện, điều khoản nhằm đảm bảo tính an toàn và chất lượng cho công trình đó.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch giám sát thi công:
Sau khi kiểm tra hồ sơ thiết kế công trình. Các chủ thể sẽ ăn cứ vào hồ sơ thiết kế cùng với các quy định kỹ thuật khác từ đó kỹ sư chính sẽ lập một kế hoạch giám sát cụ thể để đảm bảo chất lượng công trình.
Bước 3: Đánh giá hồ sơ thiết kế thi công:
Đây là một bước quan trọng dùng để kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế thi công trong từng hạng mục nhằm mục đích để đảm bảo công trình được thực hiện theo đúng quy chuẩn và tiêu chí về kỹ thuật.
Bước 4: Giám sát từng hạng mục xây dựng:
Tại bước này các kỹ sư giám sát sẽ đảm đương trách nhiệm giám sát chặt chẽ từng hạng mục cụ thể từ đó nhằm đảm bảo các số liệu kỹ thuật đúng với thiết kế, kịp thời phát hiện ra những lỗi sai sót trong quá trình thi công.
Bước 5: Đảm bảo tiến độ thi công:
Cần phải thường xuyên đôn đốc và giám sát chặt chẽ tiến độ thi công nhằm mục đích giúp cho hoạt động thi công luôn bám sát tiến độ theo kế hoạch đặt ra.
Ngoài ra, cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thi công.
Bước 6: Quản lý giá thành xây dựng:
Trong bước này, kỹ sư cần theo sát, tính toán và báo cáo tình hình về chênh lệch giá vật liệu xây dựng tại thời điểm thi công và trên hồ sơ giấy tờ để điều chỉnh và cân đối dự toán chi phí công trình xây dựng.
Bước 7: Lập báo cáo định kỳ:
Cần thường xuyên lập báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng về những sai sót, những điểm hạn chế để từ đó là đưa ra giải pháp khắc phục để kịp thời xử lý các sai xót.
Bước 8: Nghiệm thu công trình:
Công đoạn cuối cùng của quá trình giám sát thi công công trình xây dựng là thực hiện việc từng hạng mục và toàn bộ công trình.
3. Thành lập tổ giám sát công trình:
Về việc thành lập tổ giám sát công trình của chủ đầu tư thì sẽ do chủ đầu tư quyết định thành lập, không có quy định bắt buộc phải thực hiện thành lập tổ công trình theo quy định của pháp luật.
Đối với vấn đề quản lý, giám sát chất lượng ở đây là do chủ đầu tư tự xây dựng, thực hiện.
Các chủ đầu tư có thể có một bộ phận riêng lẻ chuyên quản lý việc thực hiện thi công xây dựng công trình của mình hoặc với mỗi công trình thì cử người giám sát, thành lập tổ giám sát.
Còn đối với hệ thống quản lý chất lượng công trình là tập hợp những văn bản, quy định của chủ đầu tư, những bộ phận, cơ cấu được chủ đầu tư lập ra để quản lý chất lượng công trình. Hệ thống quản lý chất lượng công trình được xây dựng và hoạt động như thế nào thì sẽ do chủ đầu tư tự mình quyết định.
Hệ thống này chủ yếu sẽ thực hiện theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các Nghị định, Thông tư về quản lý chất lượng công trình. Trên thực tế thì Ban quản lý công trình của các công ty chính là một trong những cơ cấu, bộ phận dùng để quản lý, giám sát chất lượng chính công ty bạn.
Như vậy, ta nhận thấy, việc giám sát trên hoàn toàn là do các bên chủ động thực hiện, không có quy định nào bắt buộc các bên phải thành lập tổ chức giám sát này.
4. Một tổ giám sát công trình có thể cùng lúc giám sát nhiều công trình?
Căn cứ Điều 120 Luật Xây dưng 2014 quy định giám sát thi công xây dựng công trình như sau:
“Điều 120. Giám sát thi công xây dựng công trình
1. Công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công.
Nhà nước khuyến khích việc giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ.
2. Việc giám sát thi công xây dựng công trình phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng;
b) Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và
c) Trung thực, khách quan, không vụ lợi.
3. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng được lựa chọn phải có đề xuất về giải pháp giám sát và quy trình kiểm soát chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, biện pháp quản lý hồ sơ tài liệu trong quá trình giám sát và nội dung cần thiết khác.”
Theo quy đinh trên, việc giám sát thi công xây dựng công trình phải đảm đảm tính xuyên suốt cả quá trình thi công, từ khi khởi công đến khi hoàn thành; nghiệm thu công trình. Việc một tổ giám sát thi công công trình xây dựng cùng một lúc giám sát 2 công trình sẽ không bảo đảm được tính xuyên suốt quá trình giám sát; có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lương công trình. Vì vậy, một tổ giám sát công trình xây dựng không thể cùng lúc giám sát nhiều công trình xây dựng.