Khi tham gia lao động, người lao động làm việc cho công ty, đơn vị sử dụng lao động sẽ phải ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc tham gia bảo hiểm xã hội vừa là quyền vừa là trách nhiệm của người lao động.Vậy, người lao động làm việc một tháng bao nhiêu ngày thì phải đóng BHXH?
Mục lục bài viết
1. Làm việc bao nhiêu ngày thì phải đóng bảo hiểm xã hội?
Người lao động là phía yếu thế trong quan hệ lao động, sức lao động của con người có giới hạn, chính vì vậy để đảm bảo lợi ích cho họ, Nhà nước đã tổ chức loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người lao động và người sử dụng lao động tham gia. Bảo hiểm xã hội được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tử tuất, lương hưu, thất nghiệp,… căn cứ vào mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội nhằm thay thế hoặc bù đắp thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu hoặc khi người lao động mất.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2
Theo đó, theo quy định của luật hiện hành thì người lao động khi ký kết hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động từ 01 tháng trở nên sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thời gian làm việc đóng bảo hiểm xã hội với người lao động trong thời gian từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng mà không làm việc và không hưởng tiền lương thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trừ trường hợp người lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Như vậy, nếu người lao động nghỉ làm việc từ dưới 14 ngày thì đơn vị sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hợp đồng lao động đã ký.
Đối với tháng đóng bảo hiểm thì luật không quy định cụ thể ngày làm việc trong tháng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng lao động mà phụ thuộc vào thỏa thuận, nội quy lao động giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động, mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có số ngày làm việc khác nhau. Chẳng hạn có doanh nghiệp tính lương 22 ngày làm việc/tháng, nhưng cũng có những doanh nghiệp tính lương 26 ngày làm việc/tháng, …
Lưu ý: Trong trường hợp người lao động không làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng nhưng người lao động có hưởng lương thuộc các trường hợp nghỉ hằng năm; trường hợp nghỉ theo lịch nghỉ hằng năm cộng với nghỉ việc riêng có hưởng lương như kết hôn, con đẻ hoặc con nuôi kết hôn, cha ,mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi của người lao động hoặc cha mẹ của vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hoặc vợ, chồng mất; hoặc các trường hợp khác theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên quy định của Bộ luật lao động năm 2019, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì đơn vị sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
2. Mức xử phạt khi công ty không ký hợp đồng, không đóng bảo hiểm:
Theo quy định, công ty và người lao động có quyền thỏa thuận về thời gian thử việc tùy thuộc vào mức độ phức tạp của công việc, cụ thể: không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp; không quá 60 ngày đối với chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc cần trình độ chuyên môn trung cấp, kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 06 ngày đối với các công việc khác. Thông thường sau khi kết thúc thời gian thử việc nếu người lao động đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định.
– Trường hợp công ty không thực hiện giao kết hợp đồng, giao kết không bằng văn bản, giao kết không đúng loại hợp đồng, không đầy đủ nội dung hợp đồng với người lao động thì vi phạm quy định Theo Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức xử phạt như sau:
+ Đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động: phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
+ Đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động: phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
+ Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động: Phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
+ Đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động: phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
+ Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động: phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng;
….
Ngoài mức phạt trên, công ty buộc phải khắc phục hậu quả bằng các biện pháp sau:
+ Khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động;
+ Đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động;
…
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
– Trường hợp công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể:
+ Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc: Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
+ Không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
+ Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.
Ngoài ra, công ty còn phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cơ quan bảo hiểm xã hội, nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
3. Người lao động nên làm gì khi công ty không đóng bảo hiểm xã hội?
Người lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi không đóng bảo hiểm khi có căn cứ cho rằng việc không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người lao động có thể thực hiện các biện pháp sau:
+ Gửi đơn khiếu nại trực tiếp tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn công ty;
+ Gửi đơn khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội;
+ Có thể yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết .
Trong trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, hoặc giải quyết hòa giải với phía người sử dụng lao động không thành, hết thời hạn giải quyết khiếu nại, hòa giải mà công ty không giải quyết, không đóng bảo hiểm thì có quyền khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm.
Căn cứ pháp lý:
– Luật lao động năm 2019;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.