Trong những năm qua, pháp luật về giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng nói riêng đã và đang từng bước được hoàn thiện. Dưới đây là một số vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng nổi bật có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Một số vụ án về tranh chấp về hợp đồng tín dụng nổi bật:
Vụ án thứ nhất: Vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Yên Châu và Anh Hoàng Văn Tuấn, chị Vi Thị Phương, Ông Vi Văn Vinh, bà Hà Thị Nương, Ông Lò Khánh Hòa, bà Lò Thị Sỏi. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Anh Trần Văn Công, chị Đào Thị Hằng, ông Vi Văn Ngọc, anh Vì Văn Mạnh. Ngày 04 tháng 02 năm 2010, ông Hoàng Văn Tuấn và Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cùng ký hợp đồng tín dụng số 7903, theo đó ông Hoàng Văn Tuấn vay của Ngân hàng với tổng số tiền là 500.000.000 đồng, thời hạn vay là 10 tháng kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2010, lãi suất cho vay là 12%/năm (với 1,0%/tháng), lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Để đảm bảo việc thanh toán nợ gốc và lãi suất cho ngân hàng theo sự thỏa thuận của các bên, ông Hoàng Văn Tuân đã dùng tài sản của người khác để thế chấp bao gồm:
– Tài sản là đất với diện tích 349,5 mét vuông trong đó đất thổ cư 299,5 mét vuông, đất trồng cây lâu năm 50 mét vuông, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Vì Văn Vinh. Trên đất có 01 nhà ở lợp ngói diện tích 70 mét vuông;
– Tài sản là đất, điện tích 720 mét vuông là đất nông nghiệp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Vi Văn Vinh;
– Tài sản là nhà, đất với tổng diện tích cả đất thổ cư và đất nông nghiệp là 21.539 mét vuông, bao gồm đất thổ cư 400 mét vuông, đất nông nghiệp 21.139 mét vuông, trên đất có nhà ở, bếp và công trình phụ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Lò Khánh Hòa;
– Hộ gia đình ông Vi Văn Quỳnh có thế chấp tài sản là đất với tổng diện tích là 10.556 mét vuông, nhưng sau khi yêu cầu hộ gia đình ông Vi Văn Quỳnh đã chấp hành phần nghĩa vụ thế chấp của mình. Do vậy Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Yên Châu đã xóa thế chấp cho gia đình ông Vi Văn Quỳnh.
Khi xác lập hợp đồng các bên đã phân định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, cam kết thực hiện đầy đủ các điều khoản của hợp đồng nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng ông Hoàng Văn Tuấn đã bỏ trốn khỏi địa phương. Nay yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Yên Châu buộc các hộ ông Lò Khánh Hòa, vợ là Vì Thi Soái và ông Vi Văn Vinh, vợ là Hà Thị Nương phải có trách nhiệm giao tài sản thế chấp để ngân hàng phát mãi thu nợ khoản tiền gốc thực tế còn lại là 380.000.000 nợ lãi suất là 490.643.609. Tổng cộng cả tiền gốc và lãi suất là 870.643.609.
Tại bản án sơ thẩm số 01/2015/KDTM-ST ngày 10/8/2015 của Tòa án nhân dân huyện Yên Châu đã quyết định: Chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Yên Châu ngày 30/11/2014 về việc đề nghị bên thứ ba giao tài sản thế chấp.
Vụ án thứ hai: Việc giải quyết vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hiền. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ông Hà Văn Hải, bà Hà Thị Sinh.
Phia nguyên đơn trình bày: Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sơn La (sau đây gọi tắt là ngân hàng) cho bà Nguyễn Thị Thu Hiền vay tiền theo hợp đồng tín dụng hạn mức gồm 3 đợt như sau: Ngày 13/8/2012 số tiền vay là 900.000.000, ngày 17/12/2012 số tiền vay là 100.000.000, ngày 21/01/2013 số tiền vay là 1.000.000.000. Để đảm bảo các khoản vay, bà Nguyễn Thị Thu Hiền và ông Hà Văn Hải, bà Hà Thị Sinh đã thế chấp cho Ngân hàng các tài sản bao gồm: a) Quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Nguyễn Thị Thu Hiền, b) Quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cập ngày 11/01/1995 mang tên ông Hà Văn Hải. Đến ngày 07/05/2013, bà Hiền nợ Ngân hàng tổng số tiền là 2.084.617.778, gồm: Nợ gốc trong hạn 1 là 100.000.000, nợ gốc quá hạn 900.000.000, nợ lãi trong hạn: 70.969.778, nợ lãi quá hạn 13.650.000. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu:
– Tòa án buộc bà Nguyễn Thị Thu Hiền phải trẻ 2.084.617.778 tiền gốc và tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn cho đến ngày thì hành án xong;
– Đề nghị phát mại tài sản thế chấp của bà Hiền, ông Quỳnh, ông Hải, bà Sinh để trả nợ cho ngân hàng;
– Buộc bà Hiền và các bên bảo lãnh thứ 3 là ông Hải, bà Sinh phải dùng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền định đoạt của bà Hiền và bên thứ ba để thanh toán số tiền vay còn lại sau khi đã phát mại tài sản bảo đảm;
– Buộc bà Hiền dùng toàn bộ nguồn doanh thu từ hoạt động kinh doanh của gia đình để trả nợ cho Ngân hàng.
Phía bị đơn (bà Nguyễn Thị Thu Hiền) trình bày: Bà Hiền và gia đình ông bà Hải, Sinh quen biết nhau nên ông Hải bà Sinh có nhờ bà đứng ra vay ngân hàng giúp số tiền là 1.000.000.000 để làm ăn, vì bà có giấy phép kinh doanh. Ông Hải bà Sinh nhất trí thế chấp quyền sử dụng đất và nhà của mình cho Ngân hàng. Sau khi ngân hàng giải ngân một tỷ đồng, bà Hiền đã giao đủ số tiền 1 tỷ đồng cho bà Sinh, ông Hải. Hàng tháng bà Sinh là người ra ngân hàng trả lãi. Bà Hiền nhất trí trả cho Ngân hàng khoản nợ 1 tỷ đồng của bà vay. Tuy nhiên, khoản nợ 1 tỷ đồng bà vay hộ cho ông Hải, bà Sinh thì bà đề nghị ông Hải bà Sinh phải có trách nhiệm trả cho ngân hàng nếu không trả thì đề nghị phát mại tài sản đảm bảo của ông Hải, bà Sinh.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/2013/KDTM-ST ngày 04/9/2013, Tòa án nhân dân thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã quyết định: Buộc bà Nguyễn Thị Thu Hiền phải trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Sơn La số tiền nợ gốc: 2.000.000.000, nợ lãi 203.534.445, số tiền lãi tính đến ngày 02/9/2013. Tổng cộng 2.203.534.445. Tiền lãi phát sinh đến khi thi hành án xong.
2. Phân loại các tranh chấp về hợp đồng tín dụng:
Việc phân loại tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng thương mại với khách hàng doanh nghiệp tuy là vẫn để có tính lý thuyết thuần túy, nhưng lại có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Điều này thể hiện ở chỗ, nhờ có phân loại mà các nhà làm luật mới có cơ sở lý thuyết để đưa ra các quy định hợp lý, khách quan và hiệu quả về từng loại tranh chấp và cơ chế cụ thể để giải quyết các tranh chấp đó trong thực tiễn. Về lý thuyết, có thể phân loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng dựa trên các tiêu chí cơ bản như sau:
Thứ nhất, nếu dựa vào tiêu chí đối tượng của tranh chấp, tranh chấp hợp đồng tín dụng có thể được phân loại gồm:
(i) Tranh chấp về quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay;
(ii) Tranh chấp về nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay;
(iii) Tranh chấp về số tiền vay và lãi suất cho vay, tranh chấp về thời hạn vay vốn, thời hạn tính lãi quá hạn, thời hạn bảo đảm tiền vay;
(vi) tranh chấp về tiền phạt vi phạm hợp đồng và/hoặc tiền bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng vay.
Thứ hai, nếu dựa vào tiêu chí thành phần chủ thể của quan hệ tranh chấp, có thể phân loại tranh chấp hợp đồng tín dụng thành các loại gồm:
(i) Tranh chấp phát sinh giữa hai bên là ngân hàng cho vay với bên kia là khách hàng vay vốn;
(ii) Tranh chấp phát sinh giữa ngân hàng với khách hàng vay vẫn và với bên thứ ba (ví dụ bên thế chấp, bên bảo lãnh, bên được ủy quyền quản lý tài sản bảo đảm …);
(ii) Tranh chấp phát sinh giữa ngân hàng (với tư cách là bên nhận bảo đảm) với bên bảo đảm trong giao dịch bảo đảm tiền vay ngân hàng.
Thứ ba, nếu dựa vào tiêu chí nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, có thể phân chia tranh chấp hợp đồng tín dụng thành hai loại gồm:
(i) Tranh chấp phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng từ phía bên cho vay,
(ii) Tranh chấp phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng tín dụng từ phía khách hàng vay vốn.
3. Hậu quả pháp lý của tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng:
Tranh chấp hợp đồng tín dụng là tình trạng bất bình thường của quan hệ hợp đồng và tình trạng này chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả bất lợi về cả khía cạnh kinh tế lẫn khía cạnh pháp lý cho các bên liên quan. Ở mức độ khái quát, những hậu quả bất lợi xảy ra cho các bên liên quan do tình trạng tranh chấp hợp đồng tín dụng được thể hiện ở những phương diện cơ bản sau đây.
Thứ nhất, về hậu quả kinh tế: Tình trạng tranh chấp giữa các bên liên quan đến hợp đồng tín dụng chắc chắn sẽ gây tốn kém về tiền bạc, gia tăng chi phí cho các bên do phải tìm cách để loại trừ mâu thuẫn xóa bỏ xung đột lợi ích. Việc áp dụng những phương pháp, cách thức khác nhau để giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng có thể gây ra mức độ tốn kém khác nhau. Chẳng hạn, qua khảo sát cho thấy việc các bên giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa giải chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn so với việc giải quyết tranh chấp bằng cơ chế tài phán (trọng tài hoặc tòa án), trong đó cơ chế tòa án luôn được đánh giá là tốn kém nhất cho các bên tranh chấp, thậm chí cho cả Nhà nước là chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, thông qua cơ quan đặc biệt là tòa án do Nhà nước thành lập.
Thứ hai, về hậu quả pháp lý: Tình trạng tranh chấp giữa các bên liên quan đến hợp đồng tín dụng chắc chắn sẽ là một rào cản pháp lý đối với việc “hàn gắn” và phát triển mối quan hệ giao dịch, quan hệ hợp đồng giữa ngân hàng với khách hàng vay vốn. Khi đã phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng hậu quả pháp lý tật yếu của tình trạng này là các bên bị buộc phải tham gia vào một “cuộc chiến pháp lý” mà có thể cả hai bên đều không mong muốn. Trong “cuộc chiến pháp lý” này, tất yếu sẽ có người thắng kẻ thua và cho dù bên nào thắng kiện thì cũng đều gây ra những bất lợi về pháp lý cho các bên đó là việc giảm uy tín và lòng tin giữa các bên đối với nhau trong quan hệ giao dịch, từ đó làm giảm sút việc xác lập quan hệ hợp đồng – vốn dĩ là mục đích sống còn của các nhà kinh doanh khi gia nhập thị trường.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.