Một số mô hình hòa giải gắn với Tòa án điển hình trên thế giới? Phân tích hoạt động hòa giải gắn với Tòa án của một số nước ở Châu Á và Châu Âu?
Những năm gần đây, có thể nhận định rằng nếu chỉ phụ thuộc duy nhất vào các Tòa án để giải quyết tranh chấp là không đủ. Mặc dù pháp luật đã có những quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng phương thức tố tụng, tuy nhiên phần lớn các quan điểm đồng nhất rằng, hòa giải nên là hình thức giải quyết tranh chấp thay thế phương thức tố tụng mà các bên cần sớm áp dụng để giải quyết tranh chấp. Mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận về hòa giải khác nhau, vì vậy rất khó để chỉ ra kinh nghiệm hữu ích nhất trong phương thức này một cách rõ ràng.
Trong bài viết này, chúng tôi cố gắng đề cập và phân tích một số nguyên tắc liên quan đến hòa giải tại Tòa án đồng thời đưa ra những lựa chọn khác nhau để xem xét, bao gồm cả việc đánh giá mức độ phù hợp được áp dụng ở mỗi quốc gia. Việc mở rộng và thay thế các phương thức giải quyết tranh chấp cũ cho các bên khi có tranh chấp được đánh giá là điều cần thiết.
1. Một số mô hình hòa giải ở châu Á:
Nhận thức được nhu cầu về việc áp dụng đa dạng các hình thức vào giải quyết tranh chấp, nhiều quốc gia tại Châu Á đã xây dựng và thể chế hóa cơ chế này vào hệ thống pháp luật của họ. Hiện nay, đây đang là hình thức hòa giải được nhiều quốc gia đánh giá có mức độ khả thi cao với tiêu chí áp dụng phương thức dựa trên sự hòa bình, đồng thuận và không đối đầu.
Tại Malaysia, hòa giải gắn với Tòa án đã được áp dụng, Trung tâm hòa giải gắn với Tòa án Kuala Lumpur đã được thành lập và hòa giải viên được lựa chọn là các thẩm phán và cán bộ Tòa án. Mục đích chính của cơ chế này là giải quyết tình trạng tồn đọng án quá hạn. Nếu trước đây các vụ việc tranh chấp sẽ được thẩm phán tiến hành thì hiện nay Trung tâm hòa giải gắn với Tòa án sẽ thực hiện việc này. Các vụ tranh chấp khi đưa ra xét xử sẽ không bị thu phí, đồng thời nguyên tắc chung là thẩm phán giải quyết vụ việc không được đồng thời là thẩm phán tiến hành hòa giải vụ việc đó, trừ trường hợp có sự đồng ý của các bên tranh chấp.
Các thẩm phán luôn khuyến khích các bên xảy ra tranh chấp áp dụng phương thức hòa giải trong mọi giai đoạn của vụ án: trước khi xét xử, ngay khi Tòa án đã mở phiên tòa hoặc trong các giai đoạn xét xử. Trung tâm Hòa giải tại Malaysia chỉ có các hòa giải viên mà không có thẩm phán hay cán bộ Tòa án. Hòa giải gắn với Tòa án tồn tại song song với hệ thống hòa giải tư. Trong quá trình hòa giải, các bên tranh chấp có thể lựa chọn các loại hình áp dụng khác nhau, họ có thể lựa chọn hòa giải bởi một bên thứ ba thay vì cơ chế hòa giải gắn với Tòa án .
Tại Philippines, cơ chế hòa giải gắn với Tòa án được xây dựng mà không có sự tham gia của Thẩm phán. Theo đó, hòa giải gắn với Tòa án được định nghĩa là một thủ tục thực hiện trước khi xét xử đối với các vụ việc có thể hòa giải đã khởi kiện tại Tòa án với sự trợ giúp của hòa giải viên do Tòa án tối cao Philippines công nhận. Về cơ bản, cơ chế này được tách khỏi quy trình tố tụng thông thường và khuyến khích các đương sự tìm kiếm các giải pháp hòa giải tranh chấp. Thực hiện thí điểm vào năm 2001, Philippines cũng đã ghi nhận những thành công từ phương thức hòa giải gắn với Tòa án.
Cùng với cơ chế hòa giải gắn với Tòa án, Trung tâm hòa giải Philippines ra đời do Học viện Tư pháp Philippines thành lập và quản lý, các trung tâm này cũng được thành lập ở nhiều nơi trên cả nước. Tòa án Tối cao Philippin đưa ra Chương trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, không do các hòa giải viên thực hiện mà do Thẩm phán của các Tòa án sơ thẩm, đây được coi là hòa giải ở mức độ cao hơn. Trong hòa giải gắn với Tòa án, các bên tranh chấp chỉ có thể chọn một Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải Philippin. Sau khi vụ việc được giải quyết, các thỏa thuận giải quyết tranh chấp qua hòa giải được nộp cho thư ký Toà án khu vực để thực thi .
Tại Trung Quốc, hòa giải cũng là hoạt động đóng vai trò quan trọng trọng việc giải quyết tranh chấp, các hình thức hòa giải đa dạng như: hòa giải nhân dân – quá trình hòa giải được thực hiện bởi hội đồng hòa giải nhân dân; hòa giải hành chính – được tiến hành bởi cơ quan hành chính theo yêu cầu cảu các bên; hòa giải tại Tòa án – được tiến hành bởi các thẩm phán, có vai trò vừa là hòa giải viên vừa là người xét xử trong cùng một tranh chấp, 2 vai trò này có thể hoán đổi được. Trước khi tiến hành hòa giải, thẩm phán thường gặp riêng các bên có tranh chấp và đề xuất các phương án giải quyết mà họ cho rằng phù hợp hoặc đưa ra những điểm bất lợi hoặc phản tố để giúp các bên nhìn nhận lại mình.
Nỗ lực hòa giải của thẩm phán với mong muốn các bên đạt được thỏa thuận về tranh chấp được thực hiện trong mọi giai đoạn của thủ tục tố tụng dân sự, cho dù trước khi khởi kiện các bên tranh chấp cũng đã tiến hành hòa giải. Một tranh chấp có thể được Tòa án thực hiện ở bất kỳ cấp xét xử nào, thông thường, Tòa án sẽ mời các bên tham gia phiên hòa giải ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu hòa giải không thành sẽ cố gắng thực hiện thêm một lần nữa theo ý chí tự nguyện của các bên để đưa ra phán quyết của mình .
2. Một số mô hình hòa giải ở châu Âu:
Hầu hết các quốc gia ở Châu Âu đã sử dụng kết hợp giữa hai phương thức giải quyết tranh chấp thay thế theo hình thức mới. Công cuộc thực hiện cải cách được thực hiện trên nhiều quốc gia được mở rộng và thí điểm với nhiều hình thức hòa giải gắn với Tòa án khác nhau. Chỉ thị EC về một số khía cạnh của hòa giải trong các vấn đề dân sự và thương mại đã khuyến khích việc sử dụng hòa giải tại các nước, với mục đích chung là tạo điều kiện tiếp cận với phương thức giải quyết tranh chấp thay thế và thúc đẩy áp dụng chúng bằng cách khuyến khích việc sử dụng hòa giải và đảm bảo một mối quan hệ cân bằng giữa hòa giải và thủ tục tố tụng. Mặc dù được khuyến khích nhưng hòa giải vẫn phải đảm bảo trong khuôn khổ, các nước thành viên sẽ được linh động trong việc áp dụng thí điểm trên quốc gia của mình.
Các quốc gia Châu Âu đã có nhiều động thái áp dụng và triển khai hình thức này. Ở Italia, chính phủ đã đưa ra nhiều hình thức giải quyết tranh chấp thay thế và hòa giải liên quan đến Tòa án và đã ban hành một số nghị định tập trung đến hòa giải trong lĩnh vực dân sự và thương mại nhằm khắc phục sự không hiệu quả của cơ chế tố tụng. Việc hòa giải gắn với Tòa án đã trở thành bắt buộc tại Italia khi Thẩm phán quyết định chuyển sang hòa giải bởi một bên thứ ba trung lập đối với một số loại tranh chấp nhất định.
Luật quy định rằng những người muốn khởi kiện tranh chấp đối với một số đối tượng (sở hữu chung, thừa kế, thỏa thuận gia đình, thỏa thuận cho thuê, thiệt hại nhất định, vv.) trước tiên có nghĩa vụ phải tham gia phiên hòa giải bởi một cơ quan hòa giải được Bộ Tư pháp công nhận. Hòa giải cũng có thể bắt buộc khi Thẩm phán mời hoặc yêu cầu các bên tham gia hòa giải hoặc khi được thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên. Khi bắt đầu hòa giải, Hòa giải viên giải thích mục đích và một số quy tắc cho các bên và luật sư của họ, để cùng nhau đánh giá xem có nên giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải hay không. Nếu “bị đơn” không chấp nhận tham gia hòa giải thì có thể phải chịu chế tài của Tòa án.
Dịch vụ hòa giải được cung cấp bởi tổ chức nhà nước hay tư nhân đăng ký với Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp quy định các tiêu chuẩn đối với các tổ chức hòa giải, thủ tục đăng ký, phí hòa giải. Các Thẩm phán cũng được khuyến khích tiến hành hòa giải trong một số vụ việc. Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán chỉ cần xem xét và giải thích cho các bên tranh chấp về khả năng đạt được thỏa thuận mà không đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ các bên đạt sự thỏa thuận. Nếu đạt được thỏa thuận, các bên ký một báo cáo hòa giải trước Thẩm phán và báo cáo tạo thành một “lệnh” bắt buộc.
Đức là quốc gia đang trong quá trình thực hiện Chỉ thị của EU về hòa giải, thông qua việc ban hành một số đạo luật hòa giải và sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự. Hiện có 3 loại hòa giải chính trong mô hình của Đức: hòa giải chuẩn mực ngoài Tòa án, hòa giải ngoài Tòa án theo đề nghị của Tòa án và hòa giải trong tố tụng. Hai loại hòa giải đầu được điều chỉnh bởi Luật hòa giải Đức, trong đó không áp đặt những quy định trong phần thủ tục mặc dù vẫn có những nguyên tắc và nghĩa vụ nhất định, hai loại hình này phản ánh hòa giải tư nhân và hòa giải được Tòa án đề nghị chuyển sang cơ chế khác.
Loại hòa giải thứ ba là hòa giải trong tố tụng – cung cấp khả năng thực hiện hoặc thực hiện lại các thủ tục hòa giải trước khi Tòa án giải quyết do Tòa án thực hiện vào bất cứ lúc nào trong quá trình tố tụng của Tòa án, được tiến hành bởi một Thẩm phán đóng vai trò là Hòa giải viên tố tụng nhưng không có thẩm quyền đưa ra các quyết định ràng buộc các bên. Thẩm phán tiến hành hòa giải có thể là Thẩm phán tiến hành xét xử vụ việc đó.
Trong quá trình nghiên cứu và xây dựng chế định Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TANDTC đã tham khảo Luật về hòa giải của 6 quốc gia là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đức; bên cạnh đó cũng tiếp cận và tham khảo Luật về hòa giải của nhiều quốc gia khác. Trên cơ sở nghiên cứu để rút ra những điểm chung trong quy định Luật của các quốc gia: (1) Đề cao và khuyến khích lựa chọn hòa giải để giải quyết tranh chấp, việc áp dụng xét xử theo thủ tục tố tụng là lựa chọn cuối cùng; (2) Các mô hình đều gắn với Tòa án và có quy định về vai trò, trách nhiệm của
Tại Hội nghị Tư pháp quốc tế thường niên lần thứ 19 và nhiều diễn đàn quốc tế khách đã khuyến khích việc áp dụng chế định “Hòa giải tại Tòa án” như một phương pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Qua nghiên cứu cho thấy việc áp dụng chế định này không những san sẻ bớt hoạt động của Tòa án, khắc phục tình trạng tồn đọng án mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, hỗ trợ thúc đẩy mối quan hệ kinh tế – xã hội phát triển.
Như vậy, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là thực sự cần thiết .