Một số hạn chế của các quy định về nội quy lao động trong "Bộ luật lao động năm 2019". Các hạn chế của các quy định của pháp luật.
Khái niệm
“Điều 119. Nội quy lao động
1. Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản.
2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
b) Trật tự tại nơi làm việc;
c) An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;
d) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
đ) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
3. Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
4. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Điều 120. Đăng ký nội quy lao động
1. Người sử dụng lao động phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.
Điều 121. Hồ sơ đăng ký nội quy lao động
Hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm:
1. Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
2. Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;
3. Biên bản góp ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
4. Nội quy lao động.
Điều 122. Hiệu lực của nội quy lao động
Nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Bộ luật này.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Qua các quy định trên có thể thấy rằng, “Bộ luật lao động năm 2019” đã quy định khá đầy đủ về nội quy lao động, nhưng vẫn còn những thiếu sót, hạn chế. Một số thiếu sót, hạn chế có thể kể đến như sau:
- Thứ nhất, “Bộ luật lao động năm 2019” có quy định về hiệu lực của nội quy lao động nhưng lại không quy định các trường hợp nội quy lao động vô hiệu. Có thể liệt kê ra một số trường hợp nội quy lao động vô hiệu như sau: nội quy lao động có quy định trái với pháp luật; hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động mà người sử dụng không có ý định nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; nội dung của nội quy lao động không được thông báo đến người lao động…
- Thứ hai, kể từ ngày ban hành đến thời điểm nội quy lao động có hiệu lực sẽ mất khoảng thời gian gần một tháng, liệu rằng, khoảng thời gian này có quá dài không? Vì nếu trong khoảng thời gian này, người lao động vi phạm các nội dung của nội quy lao động gây ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng lao động thì hiển nhiên người phải chịu thiệt là người sử dụng lao động bởi nội quy lao động chưa có hiệu lực.
- Thứ ba, khoản 3 Điều 119 có quy định: “Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở theo khoản 4 Điều 3 “Bộ luật lao động năm 2019” là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở. Điều khoản này đối với những nơi đã thành lập công đoàn cơ sở thì không nói, nhưng đối với những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở thì việc thực thi quy định này trên thực tế là khá khó khăn. Ở Việt Nam hiện nay, các trường hợp công đoàn cấp trên cơ sở bảo vệ được quyền lợi cho người lao động chưa nhiều, hay nói đúng hơn là khó, bởi đến lúc đơn đề nghị giải quyết của người lao động được gửi đến công đoàn cấp trên cơ sở thì các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động đã được xử lý xong bằng nhiều cách khác nhau hoặc là có gửi đến công đoàn cấp trên cơ sở thì cũng không thể đòi được quyền lợi cho mình bởi người lao động thường phụ thuộc vào người sử dụng lao động.
Trên đây là một số hạn chế của các quy định về nội quy lao động trong “Bộ luật lao động năm 2019”, thực tế hiện nay, do người lao động luôn phụ thuộc vào người sử dụng lao động, nên quyền lợi của họ thường không được bảo đảm tối đa và họ cũng không muốn tranh chấp với người sử dụng quyền lợi của mình nhất là những người lao động có trình độ thấp. Những hạn chế của pháp luật càng sớm được khắc phục thì người lao động càng sớm được bảo đảm một cách tối đa các quyền lợi của mình.