Một đại lý được ký hợp đồng đại lý với mấy bên giao đại lý? Khái quát về hợp đồng đại lý?
Luật thương mại Việt Nam năm 1997 ra đời lần đầu tiên đã đưa ra quy định về hợp đồng đại lý trong mua bán hàng hóa và tiếp tục được quy định trong
1. Một đại lý được ký hợp đồng đại lý với mấy bên giao đại lý?
Đại lý thương mại là một hoạt động thương mại, theo đó thì bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho các chủ thể là khách hàng để có thể hưởng thù lao.
Theo Điều 175 Luật Thương mại 2005 quy định nghĩa vụ của bên đại lý có nội dung như sau:
“Điều 175. Nghĩa vụ của bên đại lý
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây:
1. Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;
2. Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;
3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;
4. Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;
5. Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;
6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;
7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.”
Để nhằm đảm bảo hợp đồng đại lý có hiệu lực thì các chủ thể là cả hai bên kí kết hợp đồng đại lý đều phải là thương nhân được phép kinh doanh mặt hàng dự định làm đại lí. Hợp đồng đại lý của các chủ thể cần phải quy định cụ thể về chủ thể, phạm vi quyền đại diện của bên đại lí đối với bên giao đại lí, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng; các thoả thuận của hai bên phải phù hợp với các quy định của pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền. Hợp đồng đại lí trong mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản với các nội dung chủ yếu cụ thể bao gồm: tên, địa chỉ của các bên; hàng hóa đại lí; hình thức đại lí; thù lao đại lí; thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lí. Đối với mọi trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng đại lý đều phải được sự chấp thuận của cả hai bên và được lập thành văn bản. Một bên của hợp đồng đại lý sẽ được phép chuyển quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đại lý cho một bên thứ ba với điều kiện phải được sự chấp thuận của bên còn lại.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, bên giao đại lí sẽ cần phải chuyển hàng hóa và tài sản cho bên đại lí để bán cho bên thứ ba nhưng bên giao đại lí vẫn giữ quyền sở hữu đối với hàng hóa đó cho tới khi bên đại lí bán hàng cho bên thứ ba. Bên đại lí có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn hàng hóa, tài sản đã nhận; tuy nhiên các bên cần có thoả thuận về trách nhiệm cụ thể trong những trường hợp rủi ro. Để các bên có thể tự đảm bảo lợi ích của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng đại lí, bên giao đại lí sẽ có thể yêu cầu bên đại lí kí quỹ hoặc thế chấp tài sản như một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Thông qua đó, ta nhận thấy, hiện tại vẫn chưa có văn bản nào thể hiện nội dung cụ thể về việc một đại lý được ký hợp đồng đại lý với mấy bên giao đại lý. Theo Khoản 7 Điều 175 Luật Thương mại 2005 chỉ quy định trong trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
2. Khái quát về hợp đồng đại lý:
Định nghĩa hợp đồng đại lý:
Hợp đồng đại lý được hiểu là hợp đồng được các chủ thể kí kết giữa các bên là bên giao đại lí và bên đại lí, loại hợp đồng đại lí mua bán hàng hóa.
Đặc điểm của hợp đồng đại lý:
– Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa là các thương nhân.
Quan hệ đại lý mua bán hàng hóa được xây dựng trên cơ sở hợp đồng, giữa bên giao đại lý và bên đại lý
Theo Điều 167 Luật thương mại năm 2005 quy định về bên giao đại lý và bên đại lý có nội dung như sau:
“1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.”
Như vậy, ta nhận thấy, theo quy định của pháp luật thì cả bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân.
Bên giao đại lý và bên đại lý phải là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Bên giao đại lý là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua. Đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được Bộ Công Thương cho phép. Để hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa có hiệu lực pháp luật thì các bên phải có năng lực chủ thể thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
– Thứ hai, bên đại lý phải dùng chính danh nghĩa của mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý.
Đặc điểm này rất quan trọng đối với hợp đồng đại lý, đặc điểm được nêu trên cho phép phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng đại diện cho thương nhân. Trong quan hệ hợp đồng đại lý, do bên giao đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho mình thông qua bên đại lý nên bắt buộc phải có quyền kinh doanh những hàng hóa đó, hay nói một cách khác là phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý. Do bên đại lý thực hiện việc mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý bằng chính danh nghĩa của mình nên phải có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với hàng hóa đại lý mua, đại lý bán. Từ các nghĩa vụ cụ thể của bên đại lý cụ thể đó là nhân danh chính mình để có thể thực hiện việc mua hoặc bán một khối lượng hàng hóa nhất định cho bên giao đại lý nên bên giao đại lý phải có đăng ký kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa ghi cụ thể trong hợp đồng.
– Thứ ba, trong quan hệ hợp đồng đại lý, chủ sở hữu hàng hóa là bên giao đại lý, đại lí chỉ là người được bên giao đại lý giao việc định đoạt hàng hóa. Bên giao đại lý hoàn toàn không chuyển quyền sở hữu hàng hóa (trong trường hợp đại lý bán) hoặc tiền (trong trường hợp đại lý mua).
Cơ sở để bên đại lý bán hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lý đó là sự ủy nhiệm quyền mua, bán hàng hóa của bên giao đại lý. Đặc điểm này làm cho hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa hoàn toàn khác
– Thứ tư, để có thể thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý phải thực hiện các hành vi thực tế.
Bên đại lý nhận hàng hóa từ bên giao đại lý để giao cho các chủ thể là người mua trong trường hợp đại lý bán, hoặc nhận tiền từ bên giao đại lý để thanh toán cho khách hàng; nhận hàng từ khách hàng để giao cho bên đại lý trong trường hợp đại lý mua hàng.
Đặc điểm được nêu trên đã giúp phân biệt hợp đồng đại lý với hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, trong đó bên được ủy thác chủ yếu thực hiện các hành vi pháp lý (bên được ủy thác chỉ sử dụng danh nghĩa của mình ký hợp đồng với khách hàng; còn việc giao hàng, thanh toán có thể được thực hiện trực tiếp giữa bên ủy thác với khác hàng). Bên đại lý mua bán hàng hóa được tự do hơn bên nhận ủy thác trong việc lựa chọn bên thứ ba để giao kết và thực hiện hợp đồng.
Việc bên nhận ủy thác thực hiện mua bán hàng hóa cho bên ủy thác phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bên ủy thác. Nhưng bên đại lý trong quan hệ đại lý mua bán hàng hóa được tự do trong việc tìm kiếm, giao kết hợp đồng với các bên thứ ba mà không chịu sự tác động của bên giao đại lý.
– Thứ năm, hợp đồng đại lý là một dạng của hợp đồng dịch vụ.
Hợp đồng dịch vụ rất phổ biến hiện nsy. Bên đại lý bán hàng hóa hoặc mua hàng cho bên giao đại lý để nhận thù lao. Trong quan hệ hợp đồng đại lý thì lợi ích của bên đại lý được hưởng đó chính là thù lao của đại lý mà xét dưới khía cạnh pháp lý thì khoản tiền này chính là thù lao dịch vụ mà bên giao đại lý phải thanh toán cho bên đại lý vì sử dụng dịch vụ mua bán hàng hóa của bên đại lý.